Cuối tuần vừa rồi, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội STEM quy mô đầu tiên dành riêng cho học sinh THPT.
Đây cũng là dịp Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM đến các trường THPT tổng kết sáu tháng hoạt động đầu tiên của mình. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã trao đổi với TS Đặng Văn Sơn, nhà sáng lập và giám đốc Học viện Sáng tạo S3, đơn vị điều phối Chương trình, về những thách thức khiến cho giáo dục STEM chưa được triển khai rộng rãi ở các trường THPT.
Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM đến các trường THPT dường như là một chương trình hiếm hoi dành riêng cho học sinh THPT? Anh có thể giới thiệu qua về mục đích và nội dung của Chương trình này?
Hè năm 2018, GS Vũ Hà Văn [hiện là Viện trưởng Viện Big Data, Vingroup] có gặp chúng tôi và muốn cùng chúng tôi triển khai các hoạt động giáo dục STEM cho khối THPT dưới sự tài trợ của tập đoàn Vingroup. Chương trình được hình thành từ đó. Về sau, Chương trình được chuyển cho Dự án Đại học VinUni quản lý chung và Học viện Sáng tạo S3 là đại diện của Liên minh STEM phụ trách chuyên môn. Chương trình cũng nằm trong đề án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam của tập đoàn Vingroup.
Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động giáo dục STEM tại các trường THPT trên cả nước dưới dạng các CLB STEM ngoài giờ học, do giáo viên của trường và giảng viên các trường đại học cùng hướng dẫn học sinh triển khai các dự án học tập như: cảm biến và dữ liệu, nông nghiệp thông minh, công nghệ nano, robot tự hành, toán học và nghệ thuật. Các dự án học tập này thường liên quan đến các chủ đề mới mẻ, hấp dẫn và có chút thử thách nhưng không quá khó, qua đó giúp học sinh hiểu được ý nghĩa ứng dụng của kiến thức, thí dụ như dự án cảm biến và dữ liệu dạy học sinh về nguyên lý và cách sử dụng các loại cảm biến để đo các thông số liên quan đến môi trường. Xin được nói thêm, môi trường cũng chính là bối cảnh chính và là vấn đề để học sinh giải quyết thông qua một số dự án học tập.
Theo anh vì sao trong khi đã có khá nhiều chương trình giáo dục STEM được triển khai cho các cấp tiểu học và THCS thì chúng ta còn ít nghe nói về các chương trình triển khai cho học sinh THPT?
Giáo dục STEM hiện nay về cơ bản chỉ là hoạt động ngoài lề, chưa có hướng dẫn hay định hướng cụ thể nào. Do nhu cầu thực tế, các trường trên cả nước đã tự tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM sôi nổi như trải nghiệm, khám phá, CLB, tham quan phòng thí nghiệm tại các cơ sở nghiên cứu, thăm các nhà máy sản xuất..., song hầu hết các hoạt động đó đều diễn ra ở cấp tiểu học và THCS. Các hoạt động giáo dục định hướng STEM cho khối THPT được nhận định là khó làm vì một số lý do.
Trước hết, học sinh THPT học chủ yếu để ôn thi, chương trình học lại chưa có tính phân hóa rõ rệt giữa các môn bắt buộc và môn tự chọn (khung chương trình giáo dục phổ thông mới đã có tính phân hóa nhưng đến 2025 mới áp dụng cho THPT), bởi vậy cách học khó linh hoạt và thời gian học ngoài giờ lên lớp cũng rất hạn chế. Định hướng tuyển sinh hiện nay lại chỉ xét đến điểm thi cuối cùng mà không có các hình thức khác. Nếu áp dụng các cách tuyển sinh khác như phỏng vấn, sẽ khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động STEM nhiều hơn.
Ngoài ra, các hoạt động giáo dục STEM cho khối THPT yêu cầu cao về tính chuyên môn, đa ngành, liên ngành, thế nên không phải giáo viên nào cũng có khả năng hướng dẫn học sinh sinh hoạt các nội dung phong phú, đa dạng của STEM. Chẳng hạn, giáo viên Lý thường chỉ có kỹ năng giảng dạy môn Lý, trong khi để tiến hành các tiết học theo định hướng STEM, giáo viên cần có kỹ năng hướng dẫn tổ chức dự án, xây dựng sản phẩm. Khảo sát trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ đưa Giáo dục STEM đến các trường THPT của chúng tôi cho thấy, chỉ có 40% các giáo viên tự tin mình có thể tổ chức các tiết học STEM.
Thêm nữa, cơ sở vật chất cho các hoạt động giáo dục STEM ở bậc THPT cũng đòi hỏi cao hơn, chẳng hạn, tối thiểu các em phải có những dụng cụ kỹ thuật khoan cắt, các thiết bị điện tử rời để các em có thể lắp ráp thành sản phẩm theo ý muốn, chưa nói đến những thứ cao cấp hơn như robot. Đa số các trường THPT đều chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Trong khi đó, hệ sinh thái cho giáo dục STEM tại Việt Nam lại chưa hình thành; các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ chưa thể hiện vai trò và nghĩa vụ thúc đẩy giáo dục STEM bằng cách chia sẻ kiến thức và cơ sở vật chất của mình. Các trung tâm giáo dục STEM cấp quốc gia hay cấp nhỏ hơn đều chưa có. Việc hút người học theo các ngành nghề STEM càng khó hơn khi mà ngay cả các công ty hoạt động trong các ngành nghề STEM tại Việt Nam cũng chưa tập trung nhiều cho mảng R&D mà chỉ tập trung gia công.
Hiện nay chúng ta đã có những cuộc thi khoa học - kỹ thuật ở tất cả các cấp, từ cấp trường, quận/huyện, tỉnh/thành phố, quốc gia đến quốc tế. Có thể coi quá trình chuẩn bị tham gia các cuộc thi đó như một hình thức thay thế cho giáo dục STEM không?
Trước hết, phải khẳng định rằng giáo dục STEM không phải là các cuộc thi. Giáo dục STEM là một định hướng, trong đó chú trọng việc áp dụng các bối cảnh thực tế vào môn học, tạo sự hứng thú và ý nghĩa về việc học cho học sinh, cũng như tăng cường sự hiểu biết về các lĩnh vực nghề nghiệp STEM cho các em. Vì thế, các cuộc thi khoa học - kỹ thuật có thể coi là một trong số rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy giáo dục STEM trong trường THPT. Làm sao học sinh có thể thi các cuộc thi khoa học - kỹ thuật nếu các em không được tạo điều kiện, không có môi trường sáng tạo ở trường học? Có thể khẳng định, hầu hết các đề tài được giải của các em học sinh THPT trong một số cuộc thi gần đây đều là đề tài của các giảng viên tại các trường đại học hay các viện nghiên cứu.
Thống kê một vài năm trở lại đây cho thấy, trong kỳ thi THPT quốc gia, số học sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội luôn áp đảo số học sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên*. Liệu đây có phải là một bằng chứng về việc giáo dục STEM chưa được khuyến khích đúng mức ở cấp THPT không?
Giải thích về con số này, nhiều người cho rằng do các môn tổ hợp khoa học xã hội dễ hơn tổ hợp khoa học tự nhiên nên nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp, nhiều học sinh sẽ không chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Nhưng trên thực tế, đúng là thời gian gần đây các trường đại học khối ngành STEM tại Việt Nam bắt đầu phải đi tìm người học, một số trường lớn thậm chí không tuyển đủ số lượng sinh viên đầu vào. Tình trạng này cũng diễn ra ngay tại một nước phát triển như Mỹ, nơi phần nhiều nguồn lực chất lượng cao trong các ngành nghề STEM đến từ nước ngoài, và đó chính là một lý do dẫn đến việc cách đây chưa lâu Mỹ công bố kế hoạch chiến lược đối với giáo dục STEM nhằm bảo đảm người lao động tìm và giữ được việc làm tốt trong các ngành STEM.
Vậy theo anh, việc khuyến khích triển khai STEM ở các trường THPT cần được tiến hành theo cách nào để có hiệu quả?
Để khuyến khích các hoạt động STEM tại bậc THPT cần rất nhiều yếu tố, từ sự hỗ trợ, hưởng ứng và ủng hộ của các cấp lãnh đạo trường, sở [Giáo dục và Đào tạo]; tâm huyết của giáo viên trực tiếp phụ trách; tài liệu hướng dẫn, tài liệu học tập cho học sinh; đến cơ sở vật chất; cơ chế chính sách cho giáo viên…
Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần sớm xây dựng các kế hoạch thúc đẩy giáo dục STEM trong các trường học, đồng thời có những nghiên cứu cụ thể về nhu cầu nguồn nhân lực cũng như định hướng phát triển khoa học - kỹ thuật của quốc gia trong thời gian tới. Có như vậy mới tạo ra sự thống nhất giữa công tác đào tạo và định hướng nhân lực.
Chú thích: * Một nửa thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội để ... an toàn tốt nghiệp - Tuổi trẻ, 27/04/2019