Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 có một số điểm mới nổi bật liên quan tới: Mục tiêu giáo dục; Chương trình giáo dục phổ thông mới; Biên soạn SGK; Miễn học phí THCS; Điều chỉnh lương nhà giáo.
Giáo dục phải giúp học sinh phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo
Mục tiêu giáo dục được quy định tại Điều 2, Luật Giáo dục năm 2005 như sau: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Tại Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, mục tiêu giáo dục được có thêm yêu cầu “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Theo đó, việc dạy và học trong chương trình phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Cùng với mục tiêu giáo dục, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng bổ sung các nội dung liên quan như phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên...
Như vậy có thể thấy, Luật sửa đổi lần này đã chú trọng hơn nữa việc coi người học là trung tâm, điều quan trọng nhất là làm sao mỗi người có được năng lực tự nhận thức mình, có khả năng lựa chọn con đường phát triển, thông qua giáo dục để thực hiện được ước mơ, đồng thời đóng góp cho lợi ích toàn xã hội.
Hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản và Giáo dục định hướng nghề nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Chương trình GDPT mới (ban hành kèm Thông tư số 32/2018/BGDĐT) được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), đã đáp ứng nhiệm vụ là "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn".
Nếu như ở Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi năm 2009 chia làm 3 cấp, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bậc THCS, học sinh sẽ chuyển tiếp lên THPT thì trong Luật sửa đổi năm 2019 đã cho phép có hai lựa chọn: học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.
Sự thay đổi này đã thực hiện mục tiêu "phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng", nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Để hiện thực hoá Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GD&ĐT đã có các thông tư hướng dẫn
triển khai, như thông tư quy định “quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo
dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên” hay thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT có hiệu lực thi hành từ ngày 3/5/2019. Ảnh
minh họa: Học sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT. Nguồn: 24h.com.vn Ngoài ra, đổi mới nội dung giáo dục các cấp sẽ giúp hiện thực hoá mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn", đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Cụ thể:
Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút.
Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút
Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương); 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút
Khuyến khích biên soạn nhiều loại sách giáo khoa
“Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.” (Luật Giáo dục năm 2005). Trước đây, yêu cầu về tài liệu học tập chỉ dừng lại ở việc yêu cầu truyền tải kiến thức, kỹ năng phù hợp với mỗi lớp, cấp học của giáo dục phổ thông.
Trong lần sửa đổi này, yếu tố về sự phát triển của công nghệ, cũng như đa dạng hoá cách tiếp cận, cho phép xã hội hoá, khuyến khích khối tư nhân tham gia đóng góp biên soạn sách và các địa phương được tự chủ lựa chọn, cụ thể trong Luật Giáo dục (sửa đổi):
- Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Sách giáo khoa gồm sách in và sách giáo khoa điện tử.
- Mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.
Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình này do Bộ GD&ĐT ban hành.
Liên quan tới việc biên soạn sách giáo khoa, Luật cũng có điều khoản quy định tiêu chuẩn về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa phổ thông, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Miễn học phí cho bậc THCS theo lộ trình
Về chính sách học phí, Theo khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, chỉ học sinh tiểu học trường công lập được miễn học phí. Luật giáo sửa đổi năm 2019 quy định miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS học ở các trường công lập.
Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.
Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS học ở các trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS học ở các trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Lương nhà giáo được ưu tiên giải quyết
Theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Trong thời gian xây dựng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GD&ĐT đã có nhiều buổi tọa đàm, hội thảo để các tầng lớp nhân dân trong xã hội đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần hoàn thiện dự thảo. Khi có một số ý kiến cho rằng lương nhà giáo hiện nay khá cao, GS.TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã dẫn giải: “Nếu nhìn vào một số giáo viên ở các thành phố lớn hoặc thị xã thì điều đó có thể đúng. Nhưng nếu chúng ta đi về cơ sở, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa sẽ thấy, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên bộ môn và sinh viên sư phạm mới ra trường đang cực kỳ khó khăn và không đủ sống bằng đồng lương của mình. Vì thế, nếu nói lương của nhà giáo cao thì không đúng”.
Tuy nhiên như Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009) chỉ quy định về lương cho giáo viên như sau: “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Qua nhiều lần xây dựng dự thảo, Quốc hội đã thông qua Điều luật về tiền lương với sự thay đổi đáng kể: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.
Sự thay đổi đáng kể này phù hợp với quan điểm xuyên suốt tiếp tục khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đãi ngộ tiền lương sẽ từng bước thu hút người tài vào ngành sư phạm. Chất lượng giáo dục chỉ phát triển khi đảm bảo hài hòa trên mọi phương diện giữa người chỉ huy và người trực tiếp thực hiện. Để có các cán bộ quản lý giáo dục giỏi thì cần thiết phải có chế độ đãi ngộ phù hợp.
Hợp nhất Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)
Tại lần sửa đổi Luật Giáo dục này, Quốc hội cũng đã đồng ý hợp nhất các nội dung đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1/7/2019 đối với các nội dung, bao gồm: Chương trình, giáo trình giáo dục đại học, Cơ sở giáo dục đại học, Văn bằng giáo dục đại học.
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học tại kỳ họp thứ 6 năm 2018. Luật này đã có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển giáo dục đại học, về những quy định liên quan đến cả người dạy và người học… Điểm khác biệt đầu tiên của Luật sửa đổi là bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Cụ thể, Luật yêu cầu phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đang “nhức nhối” lâu nay. Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục; có chính sách miễn, giảm thuế với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
Điểm khác biệt lớn thứ hai của Luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…
Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm…
Ngoài ra, một số điểm mới được thông qua, bao gồm: Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo; Quy định giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ; Bỏ quy định hiệu trưởng trường đại học có nhiệm kỳ 5 năm; Trường phải công khai mức học phí cả khóa học trên website; Điều kiện mở ngành đào tạo của các trường đại học,…
Trượt tốt nghiệp, được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Điểm mới căn bản ở đây là đã có sự phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT. Theo đó, bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu, được Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cấp bằng.