Gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra và nhu cầu phát triển của đời sống kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo sự công khai, minh bạch trong các tiêu chí “đầu vào, đầu ra”, sẽ là phương thức để Bộ KH&CN tiến hành tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia trong năm 2019.

Vaccine Rotavin-M1 ngừa tiêu chảy là sản phẩm thành công của Chương trình KC.10.03/06-10. Nguồn: VGP
Vaccine Rotavin-M1 ngừa tiêu chảy là sản phẩm thành công của Chương trình KC.10.03/06-10. Nguồn: VGP

Trong nhiều cuộc họp trong năm 2018 và đầu năm 2019 của Bộ KH&CN, vấn đề lấy doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được đặt ra như một yếu tố quan trọng để Bộ tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia, giai đoạn 2021-2025, dự kiến trình chính phủ vào tháng 11/2019. “Việc tái cấu trúc các chương trình quốc gia về thực chất là tạo ra cầu nối chính sách để các nhà khoa học đến với doanh nghiệp và cùng giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nói trong cuộc họp bàn về nhiệm vụ tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia ngày 11/7/2019.

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng việc tái cơ cấu trên 50 chương trình quốc gia do Bộ KH&CN và các bộ ngành trực tiếp quản lý, cần phải được dựa trên cơ sở đánh giá tác động của chương trình với sự phát triển của nền kinh tế xã hội đất nước.

Đổi mới tiêu chí chương trình quốc gia và sản phẩm quốc gia

“Chúng ta không thể ngồi mãi trên một toa xe, chạy trên một tuyến đường với bối cảnh cũ”, ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ KH&CN) – một trong những đơn vị chủ trì nhiệm vụ tái cơ cấu chương trình, đã ví von như vậy khi đề cập đến sự cấp thiết của tái cơ cấu các chương trình quốc gia. Theo phân tích của ông, trước đây chúng ta chỉ gắn chương trình quốc gia với dòng tiền của nhà nước thông qua hình thức thực hiện nhiệm vụ nhưng trong bối cảnh mới, việc đầu tư cho KH&CN đã thay đổi với sự ra đời của các quỹ đầu tư tư nhân và các hoạt động đầu tư khác. Ông dự đoán, “trong thời gian tới, có thể nhiều nguồn lực của xã hội sẽ còn đầu tư cho KH&CN nhiều hơn”.

Vậy việc tái cấu trúc này sẽ bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào để phát huy hiệu quả như mong đợi? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn vào một vấn đề vẫn tồn tại lâu nay trong các chương trình KH&CN quốc gia như một điểm yếu cố hữu: nhiều sản phẩm của quá trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vẫn chưa ra được đến thị trường, vẫn chưa đến được tay người tiêu dùng trong nước trong khi có nhiều ưu điểm không thua kém hàng ngoại nhập; mặt khác nhiều sản phẩm dịch vụ công ích cũng chưa được triển khai một cách đồng bộ trên diện rộng, mặc dù có nhiều tiềm năng hứa hẹn. Đây là lý do khiến Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần rà soát và đánh giá rất kỹ các chương trình KH&CN quốc gia này, xem việc thực hiện các nhiệm vụ từ các chương trình đó còn vướng mắc ở các khâu nào, đồng thời chú ý đến một số tiêu chí đánh giá: nhiệm vụ đã thực sự tạo sản phẩm mang tính quốc gia chưa, các bên thực hiện nhiệm vụ có ở quy mô quốc gia và tác động của nhiệm vụ có ở tầm quốc gia hay không?

Những gợi ý này cũng sẽ trở thành một phần trong bộ tiêu chí mà Bộ KH&CN sẽ thiết lập để tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia.

Sản xuất được những sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao là một trong những mục tiêu của chương trình Sản phẩm quốc gia. Nguồn: Báo SGGP
Sản xuất được những sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao là một trong những mục tiêu của chương trình Sản phẩm quốc gia. Nguồn: Báo SGGP

Ông Lê Xuân Định cho biết: “Ở giai đoạn trước, việc thiết kế toàn bộ chương trình thiên về chức năng KH&CN, thì ở giai đoạn 2021-2025 tới, nội hàm đổi mới sáng tạo sẽ ở mức cao hơn”. Mặt khác, một chương trình KH&CN quốc gia mới cần phải thực hiện theo một nguyên tắc mà theo ông Lê Xuân Định “sẽ làm thay đổi căn bản chương trình quốc gia”, đó là chuyển sang chế độ hậu kiểm các nhiệm vụ KH&CN. Trên thực tế, dù đã được áp dụng nhưng chế độ hậu kiểm, đi kèm với việc nghiệm thu nghiêm túc sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN, vẫn chưa được tuân thủ một cách chặt chẽ ở tất cả chương trình. Trong cơ chế quản lý các chương trình thì chỉ có mô hình NAFOSTED với hội đồng khoa học ngành đã thực hiện quy trình tuyển chọn, bình duyệt các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu một cách nghiêm túc và minh bạch. Đây cũng là cách thức để các chương trình KH&CN quốc gia mới học hỏi nhằm công khai, minh bạch các thông tin liên quan, đồng thời tạo điều kiện cho việc áp dụng cơ chế khoán sản phẩm đã được Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách nhà nước. Ông Lê Xuân Định lưu ý: “Muốn làm được như vậy, chúng ta cần hoàn thiện tiêu chí sản phẩm các chương trình quốc gia, cả đầu vào lẫn đầu ra”.

Đổi mới quan điểm và phương thức quản lý các chương trình quốc gia

Với tác động trên bình diện quốc gia, việc tái cấu trúc các chương trình quốc gia thực chất ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động quản lý khoa học, nghiên cứu triển khai, cơ chế tài chính, thủ tục giấy tờ…, do đó không chỉ liên quan trực tiếp đến sự vận hành, điều phối của Bộ KH&CN mà còn liên quan đến rất nhiều bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, quỹ đầu tư… “Tất cả các chương trình đều có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến công tác quản lý của Bộ KH&CN nên chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá lại cơ chế, chính sách liên quan, nếu thấy bất cập thì phải điều chỉnh hoặc đề xuất phương án giải quyết kịp thời. Chúng ta cũng cần tạo điều kiện để có thể thực hiện được những vấn đề mới, những bài toán có tính liên ngành, xuyên ngành cao”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét.

Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2019 của Bộ KH&CN, ông Lê Xuân Định cũng đề cập mục tiêu sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý nhiệm vụ KH&CN đặc biệt như phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ để tạo điều kiện cho các thành phần, nhất là doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận được các nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia. Trong quá trình tinh gọn và thông thoáng các thủ tục này, ba chương trình tiên phong là Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, vốn đều là những hoạt động đòi hỏi phải có sự góp mặt của doanh nghiệp. “Để giảm thiểu sự phức tạp trong triển khai các chương trình KH&CN quốc gia cho giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu phương án quy định áp dụng văn bản hướng dẫn chung đối với các chương trình quốc gia, tiếp cận chương trình quản lý tiên tiến”, ông nói.

Những đổi mới về chính sách như thế đòi hỏi quan điểm mới trong quản lý. Tuy nhiên có một thực tế là có những sai khác trong cách xây dựng và điều hành những chương trình ở các bộ ngành khác, dẫn đến hiện tượng chồng chéo, trùng lặp các nhiệm vụ KH&CN và lãng phí nguồn lực đầu tư. Ví dụ, nhiều chương trình quốc gia thuộc diện này thường được chia làm hai pha, một pha nghiên cứu cơ bản về các công nghệ nền và một pha làm dự án để phát triển công nghệ để tạo sản phẩm mới, trong khi những công nghệ nền đó đều thuộc phạm vi các chương trình do Bộ KH&CN quản lý. Bên cạnh đó, còn xảy ra một hiện tượng khác ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của chương trình là lại có những nhiệm vụ chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành đó. Do đó về tổng thể, nhiều sản phẩm của các chương trình KH&CN quốc gia lại không mang tính quốc gia.

Việc thay đổi những quan điểm về quản lý và chính sách thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia càng cần thiết khi Việt Nam đang ở một bối cảnh mới, giai đoạn chuyển đổi số và sự chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Những thay đổi về công nghệ đã dẫn đến những thay đổi trong đời sống xã hội cũng như dẫn đến những cách tiếp cận vấn đề mới. Các chương trình KH&CN quốc gia không nằm ngoài dòng chủ lưu này. “Hiện nay, Việt Nam bắt đầu ứng dụng e-government (chính phủ điện tử), đi liền với chương trình là hệ thống dữ liệu nền tảng thông suốt - yếu tố góp phần quan trọng vào việc cung cấp những dịch vụ công cho công dân. Vì vậy, không thể mỗi chương trình quốc gia lại quản lý một mảng dữ liệu riêng biệt, không liên thông với nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai các chương trình trong tương lai”, ông Lê Xuân Định lưu ý đến một khía cạnh mới của các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn tới. Việc tạo dựng một nền tảng dữ liệu liên thông như vậy không chỉ tạo ra nhiều cơ hội thực hiện những nhiệm vụ lớn có tính liên ngành, quy tụ nhiều bên tham gia giải quyết vấn đề, giảm thiểu sự trùng lặp, giảm thiểu sự rủi ro trong quá trình thực hiện mà còn góp phần tăng cường tính minh bạch và công khai – một trong những nguyên tắc xây dựng các chương trình quốc gia mới.

Bên cạnh đó, khi có được tính liên thông giữa các chương trình còn dẫn đến khả năng: các nhiệm vụ thuộc các chương trình KH&CN quốc gia thực hiện một hoặc một số khâu trung gian trong chuỗi nhiệm vụ từ nghiên cứu cơ bản đến thương mại hóa sản phẩm. Do đó, một số sản phẩm đầu ra của nhiệm vụ thuộc một số chương trình khác có thể tiếp tục là đầu vào của chương trình quốc gia.

Dự kiến, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đánh giá cơ chế quản lý nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động và điều phối chương trình giai đoạn 2016-2020; tổng hợp các ý kiến đóng góp để tạo dựng được các nguyên tắc tái cấu trúc các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025; đề xuất các quan điểm, nội dung chính chương trình giai đoạn 2021-2025… để báo cáo và đề xuất lên chính phủ phê duyệt chương trình mới 2021-2025 vào tháng 11/2019.

Bảy tiêu chí, nguyên tắc để xác định các chương trình quốc gia

1. Xây dựng khung tổng thể quốc gia về các chương trình KH&CN, trong đó phải thể hiện rõ vai trò, chức năng của từng chương trình trong mối tương quan, liên kết và lan tỏa, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp, có sự bổ trợ, cộng ưởng với các chương trình KH&CN khác cũng như hoạt động của Quỹ NAFOSTED, NATIF, kể cả với hoạt động của doanh nghiệp, hiệp hội

2. Trong thiết kế chương trình phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc mỗi chương trình chỉ làm một việc chính trong mô hình tổng thể, đảm bảo tính nhận dạng cao, tách bạch về đối tượng, giai đoạn trong nghiên cứu, trong phát triển công nghệ, trong thương mại hóa, chuỗi giá trị…


3. Xác định rõ nguyên tắc tiêu chí, điều kiện của một chương trình KH&CN cấp quốc gia; đồng thời đánh giá và phân định theo tiêu chí các chương trình KH&CN quốc gia giao cho các bộ ngành theo định hướng gắn với sản phẩm, đầu ra đặc thù, đạc trưng cho một chương trình KT-KT; các nội dung nghiên cứu cơ bản được thực hiện ở các chương trình quốc gia do Bộ KH&CN quản lý.

4. Đáp ứng các yêu cầu về cơ sở lý luận và thực tiễn trong tình hình mới, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn triển khai, bối cảnh phát triển đất nước trong thập kỷ tới để đề xuất các nội dung mới trong tổ chức và thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia, ví dụ chương trình sản phẩm, chương trình tiềm năng…

5. Gắn nhiệm vụ KH&CN với sản phẩm đầu ra, với thực tiễn và thị trường; rút ngắn thời gian đề xuất – phê duyệt nhiệm vụ.

6. Tập trung hoàn thiện tiêu chí sản phẩm các chương trình qốc gia để công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và chuyển sang chế độ hậu kiểm.

7. Tập trung vào các sản phẩm của các chương trình quốc gia mà doanh nghiệp chỉ cần chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường, thâm nhập, mở rộng và làm chủ thị trường trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra thị trường quốc tế với các ngành có lợi thế tiềm năng.