Sau rất nhiều tranh luận của nhà khoa học và nhà quản lý thì chúng ta có nên đặt niềm tin vào việc có thể sửa đổi thấu đáo Nghị định 70 để tháo gỡ nút thắt trên con đường chuyển giao công nghệ?


Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), một đơn vị nghiên cứu có nhiều sản phẩm hữu ích, hỗ trợ việc điều trị tại các bệnh viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc
Trong phòng thí nghiệm của Viện Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), một đơn vị nghiên cứu có nhiều sản phẩm hữu ích, hỗ trợ việc điều trị tại các bệnh viện. Ảnh: Viện Tế bào gốc

Trong số các văn bản quy định pháp luật về khoa học được ban hành trong vòng năm năm trở lại đây thì Nghị định 70/2018/NĐ-CP (quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước) là một trong những văn bản gây sóng gió nhiều nhất. Nếu các nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trực tiếp tác động đến hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập thì Nghị định 70 thực chất liên quan đến cả khối doanh nghiệp, những bên đang mong chờ các giải pháp công nghệ từ các nhà khoa học để giải bài toán của mình.

Do đó, không chỉ các nhà khoa học và nhà quản lý mà cả khối doanh nghiệp cũng đang chờ đợi khả năng có được một văn bản tháo gỡ nút thắt.

Nhưng tháo gỡ như thế nào đây, theo cơ chế thị trường hay phù hợp với thông lệ quốc tế? Ngay cả ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ở vị trí của người tham gia sửa đổi Nghị định 70, cũng băn khoăn, vì ông cho rằng, nếu định giá tài sản hình thành thì nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước “theo cơ chế thị trường, tức là định giá theo chi phí thì không biết có đúng không, còn phù hợp với thông lệ quốc tế, tức là thu lại tiền qua thuế thì rất phức tạp. Nếu áp dụng theo thông lệ quốc tế với việc sử dụng vốn ngân sách thì sẽ ứng xử như thế nào?”.

Đó là câu hỏi mà các nhà quản lý cần phải giải quyết khi nghĩ đến việc lựa chọn một lời giải tương xứng cho Nghị định 70.

Trao quyền sở hữu cho nhà nghiên cứu?

Vướng mắc lớn nhất trong số những vướng mắc phát sinh từ quá trình thực thi Nghị định 70 là ở chỗ tưởng chừng nhà khoa học - người tìm ra cái mới và “cha đẻ” của sản phẩm thu được từ đề tài KH&CN – sẽ có quyền quyết định trong việc nên hay không nên chuyển giao nó cho người có nhu cầu nhưng hóa ra lại không làm được việc này vì không sở hữu nó trong trường hợp phần ngân sách nhà nước trong kinh phí thực hiện đề tài là trên 30%. Khi ấy dĩ nhiên, kết quả đó là tài sản của nhà nước.

Theo điều 4 của Nghị định 70 về “nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước” thì “tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp là tài sản công”. Nhiều nhà khoa học cho biết, việc coi kết quả của đề tài KH&CN là tài sản công khiến cho mọi việc liên quan đến định giá, chuyển giao đều gần như không thể thực hiện nổi trong điều kiện thực tế hiện nay.


Vấn đề sửa đổi Nghị định 70 giờ đây đang tập trung ở quan điểm: coi nghiên cứu KH&CN như một hoạt động đổi mới sáng tạo ở mức cao nhất để chấp nhận rủi ro và có thể nhận được những phần lãi dài hạn ở tương lai, cả về nguồn lực vật chất lẫn con người.


Như vậy, có nên thay đổi cơ chế sở hữu sản phẩm và kết quả thu được từ đề tài KHCN hay không? Ở góc độ một nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho rằng, trước khi xác định đến việc ai nắm giữ quyền tài sản, cần nên định hướng phân chia các loại hình nhiệm vụ KH&CN, không nên “bỏ chung vào một giỏ”: đối với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản có kết quả là bài báo, công bố với các tri thức chung thì không phải tài sản để quản lý; còn đối với nhiệm vụ nghiên cứu định hướng ứng dụng, có thể tạo ra kết quả trung gian, sản phẩm để thử nghiệm mô hình, thì sản phẩm đó cũng không phải là tài sản.
Khi đó, các nhiệm vụ KH&CN có đem lại các công nghệ, các kết quả có thể chuyển giao mới cần được xem xét và được coi là tài sản.

Đây cũng là quan điểm của đại diện Viettel, “với sản phẩm vô hình (bao gồm tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ), chúng ta không nên đề cập đến quyền sở hữu mà nên đề cập đến chuyển quyền sử dụng, bởi nếu là quyền sở hữu thì chúng ta lại đề cập đến chuyện định giá, nó sẽ là một vòng xoáy lẩn quẩn không thể thoát ra được”.

Trong các hoạt động KH&CN, không hiếm các nhiệm vụ KH&CN do nhà nước đặt hàng cũng như các nhiệm vụ là đề xuất từ dưới lên. Do đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho rằng với các kết quả hình thành từ dạng thứ nhất thì “người sở hữu là đơn vị đặt hàng phải có trách nhiệm thương mại hóa”; còn với những kết quả “từ nhiệm vụ đề xuất từ dưới lên theo định hướng nghiên cứu của nhà nước thì chúng ta nên mạnh dạn giao cho chính nhà khoa học để họ có thể chuyển giao những kết quả này cho doanh nghiệp, qua đó có thể có ‘lối thoát’ trong việc xử lý tài sản hình thành sau nhiệm vụ KH&CN. Khi nhà nước chủ động giao quyền để xác lập quyền sở hữu thì tổ chức chủ trì nhiệm vụ mới có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu”.

Cùng có mặt tại cuộc họp “Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước” (ngày 24/12/2023), ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Chương trình Quốc gia (Bộ KH&CN) đồng thuận “Trong nghị định này, tôi nghĩ là nên giao quyền tối đa cho đơn vị chủ trì quản lý tài sản hình thành, nhà nước không can thiệp vào thì mới có thể tháo gỡ được”. Khi các nhà quản lý không coi kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN là tài sản công và trao quyền cho nhà khoa học và đơn vị chủ trì thì họ mới có thể có được cơ sở pháp lý để “danh chính ngôn thuận” chuyển giao cho doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ.

Nếu trao quyền cho nhà nghiên cứu là một cách làm quá mới thì các nhà quản lý có thể suy ngẫm lời đề xuất của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Mylan Group, nêu trong một hội nghị về thương mại hóa kết quả nghiên cứu do Bộ KH&CN phối hợp với ĐHQG TPHCM tổ chức vào năm 2020, đó là “cho các thầy được phép thuê lại kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đó để các thầy có thể làm lớn chứ không còn phải làm lén nữa”.


Chúng ta vẫn còn đang ở trong giai đoạn khởi đầu của thị trường KH&CN, mọi thứ còn sơ khai thì chúng ta cần chấp nhận tồn tại một sự hỗn độn nhất định để thúc đẩy quá trình đưa kết quả KH&CN đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đã. Sau này, khi thị trường hình thành tương đối ổn định rồi, chúng ta có thể siết chặt lại. Đây cũng là bài học mà như Trung Quốc từng áp dụng thành công để cuối cùng thu được thành quả”
PGS. TS Trần Quốc Bình


Dẫu trong Nghị định 70, một văn bản quy phạm pháp luật “không rành mạch về quyền sở hữu” như nhận xét của phó giáo sư Nguyễn Ái Việt (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN), vẫn còn một số vấn đề khác nhưng việc gỡ đi một rào cản trọng yếu như vậy sẽ góp phần tạo điều kiện cho công nghệ từ phòng thí nghiệm ra đến thị trường. Đó cũng là một hướng mở mà nhiều nhà khoa học và nhiều nhà quản lý khoa học giàu kinh nghiệm cũng đề xuất, bởi theo lý giải của TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN “Nếu nhà nước không giao quyền sở hữu cho nhà khoa học để họ thương mại hóa thì nhà nước có giữ cũng chẳng làm được việc thương mại hóa sản phẩm vì know-how chỉ nằm trong đầu nhà khoa học đã tạo ra nó”.

Dẫu vậy thì giao quyền sở hữu lại có liên đới với định giá trong khi thị trường KH&CN Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai, chưa đầy đủ, đặc biệt thiếu một số loại hình tổ chức trung gian, định giá có uy tín. “Ở nước ngoài người ta có hệ thống định giá hết sức uy tín. Tại sao họ định giá được là Microsoft là bao nhiêu tỉ USD, trong đó phần lớn là từ thương hiệu. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều là vậy. Thương hiệu phải có người định giá. Ở ta không có người làm việc đó, không có ai có kinh nghiệm được giao làm nhiệm vụ đó, trong khi không định giá được thì không giao được quyền sở hữu”, TS. Nguyễn Quân làm thử một phép phân tích.

Tuy nhiên, với quan điểm của các nhà quản lý tài chính thì hướng giải quyết này có phần rủi ro vì có nguy cơ làm thất thoát tài sản của nhà nước.

Liệu có lối thoát?

Giữa những bùng nhùng và chồng chéo của những quy định từ Nghị định 70 và những thông tư hướng dẫn thực hiện, các nhà nghiên cứu đang phải hết sức chật vật để tìm cách thương mại hóa, nếu còn tha thiết muốn sản phẩm mình làm ra có cơ hội xuất hiện trong đời sống xã hội. Những cách lách theo kiểu “tự tháo gỡ”, “chuyển nhượng chui” xuất hiện ở đâu đó khiến cho một số kết quả nghiên cứu thoát khỏi cảnh “cất ngăn kéo” nhưng lại hàm chứa một số hệ lụy mà một trong số đó là nguy cơ vi phạm pháp luật, nếu mọi chuyện vỡ lở, hoặc lao động của nhà nghiên cứu không được đánh giá tương xứng, hoặc nhà nước chẳng thể thu lại được gì…

Vậy có giải pháp nhiều trong một (all in one) như mũi tên xuyên táo trúng nhiều đích, có thể phá bỏ toàn diện các khúc mắc tồn tại? Liệu trên đời có những giải pháp như vậy? Đó cũng là những câu hỏi vang lên trong đầu các nhà quản lý – những người vừa mong muốn thúc đẩy chuyển giao công nghệ vừa muốn thấy ngay dòng tiền hồi quy về ngân sách nhà nước.

Trong khi các nhà quản lý cảm thấy bế tắc thì các nhà khoa học, từ góc độ của những người từng học tập và nghiên cứu nhiều năm ở các nền khoa học tiên tiến, đã mạnh dạn nêu một số cách có thể giúp Việt Nam khai thông lối thoát. Từ một thực trạng đầy vướng mắc mà ngay cả một nơi chủ yếu nghiên cứu khoa học cơ bản hơn là công nghệ như trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) cũng gặp phải, PGS. TS Trần Quốc Bình, hiệu phó của trường đã đề xuất một chùm giải pháp theo ba cấp độ ngay tại hội nghị.

Chùm giải pháp này, theo ông, có thể được áp dụng với những tầng nấc khác nhau mà các nhà quản lý có thể cân nhắc lựa chọn. “Ở cấp độ thứ nhất thì chúng ta nên coi việc tài trợ cho các đề tài dự án như các khoản tài trợ chứ không phải đầu tư để mà thu hồi vốn. Nếu coi là tài trợ thì chúng ta chấp nhận là chúng ta có thể mất khoản đầu tư ấy đi”, ông nói và diễn giải “Thực ra, ở đây không phải là mất mà tất cả các kết quả nghiên cứu khoa học nếu được chuyển giao cho doanh nghiệp thì các tài sản trí tuệ đó sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế chung, tức là chúng ta sẽ thu lại gián tiếp qua thuế. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu để kinh doanh thì khi kinh doanh phát triển, họ phải nộp thuế nhiều hơn. Nhà nước thu lại từ khoản đó. Còn nếu ta đong đếm, ngồi chờ thu lại thì câu chuyện đó không bao giờ kết thúc được cả, tính khả thi của nó không có”.

Nếu các nhà quản lý cho rằng cấp độ một quá mới mẻ về tư duy và quá khó để bắt lại con cá đã thả ra khỏi ao làng thì vẫn còn giải pháp khác. PGS. TS Trần Quốc Bình nói “Tôi đề nghị cấp độ thứ hai, thấp hơn, đó là sử dụng cơ chế licensing, tức là cho quyền được sử dụng”. Vậy khi áp dụng cấp độ này thì phần của nhà nước ở đâu? “Chúng ta không bán tài sản, chúng ta chỉ áp dụng cơ chế licensing và thu phần trăm doanh thu từ việc chúng ta sử dụng tài sản đó. Ví dụ, phát triển sản phẩm mới thì cứ phát triển đi, hằng năm bán được hàng thì nộp lại 2% doanh thu. Bằng cách đó, chúng ta để thị trường tự nó định giá tài sản của chúng ta và như vậy nó còn chính xác hơn những cách định giá mà chúng ta đang áp dụng”, ông giải thích.

PGS. TS Trần Quốc Bình cho biết, hiện nay, ĐHQGHN cũng đang áp dụng cách làm này đối với sản phẩm nghiên cứu - các tài sản trí tuệ hình thành qua đề tài, dự án của trường. Khi được hỏi cách nào để xác định tỷ lệ phần trăm được hưởng của ĐHQGHN, ông cho biết “Thông thường khi thảo một số hợp đồng thì đâu đó doanh nghiệp trích sẽ từ 1 đến 2,5% doanh thu từ sản phẩm đó, tỉ lệ này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và từng trường hợp thỏa thuận. Dẫu xác định chính xác tỉ lệ phù hợp cũng là cái khó nhưng dẫu sao còn dễ thực hiện”.

Không chỉ các viện trường sử dụng các công cụ của ngành công nghiệp theo cơ chế khi nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm mà nhiều doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam đã quen cơ chế này. Đại diện của Viettel chia sẻ những gì mình học hỏi được qua việc trao đổi với Qualcomm về việc sử dụng các công cụ là sản phẩm trí tuệ của họ. “Mức chi phí ban đầu có thể thấp nhưng sau đấy họ ra điều kiện là mỗi sản phẩm Viettel bán ra thị trường thì Viettel phải trả một khoản chi phí hoa hồng (royalty) khoảng 5% và khoản này dựa trên giá bán, giá bán càng cao thì chi phí trả cho Qualcomm càng lớn. Tôi nhận thấy là thậm chí bây giờ số tiền Qualcomm thu được qua cho thuê quyền sử dụng rất lớn”.

Vậy nhà nước sẽ thu lại phần kinh phí đầu tư của mình ở mức nào? “Với mức phí chuyển nhượng này, chúng ta có thể học theo cách làm của thế giới là vào khoảng 5% doanh thu”, đại diện Viettel đề xuất và mở thêm một hướng giải quyết trong một số trường hợp đặc thù “cho phép doanh nghiệp hoặc đơn vị chủ trì kết quả nghiên cứu đó được quyền quyết định phí chuyển giao bởi với một số sản phẩm mà mình đưa ra thị trường chưa có lãi ngay được thì việc thu phí licensing 5% chưa chắc đã phù hợp”.

Trong trường hợp cả hai cấp độ coi như một khoản đầu tư hoặc cơ chế chi phí không thể áp dụng được, các nhà quản lý có thể chọn giải pháp thứ ba: “Nếu chúng ta bắt buộc phải coi đó là tài sản công”, theo PGS. TS Trần Quốc Bình, “bắt buộc chúng ta phải định giá. Tôi đề nghị là chúng ta có thể thẩm định giá sàn, lúc đó chúng ta tránh được các thủ tục liên quan đến định giá, cấu kết lợi ích nhóm để rút ruột tài sản công”.

Nếu chiểu theo giải pháp này thì một lần nữa, các nhà khoa học quay trở lại với câu chuyện định giá. PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) giới thiệu cách áp dụng của Viện KIST Hàn Quốc, “Hàn Quốc theo một tiêu chí rất hay là sản phẩm hình thành từ đề tài họ coi là hàng hóa. Lúc đó, họ có một hội đồng đánh giá xây dựng giá cơ sở, đưa nó lên một trang web. Sau đó, các doanh nghiệp cần công nghệ đó sẽ đưa ra mức giá bản thân thấy phù hợp, nếu ai trả giá cao nhất thì họ sẽ chuyển giao”. Ông cho rằng khi định giá công nghệ cũng cần sự linh hoạt bởi “có đề tài đầu tư 10 tỉ, công nghệ bán được hàng trăm tỉ nhưng cũng có đề tài chúng ta đầu tư 1 tỉ nhưng sau công nghệ chỉ có giá cơ sở là 200 triệu đồng thôi vì công nghệ cũng có tính rủi ro”.

Nhưng định giá công nghệ ở Việt Nam không chỉ gặp vướng mắc ở phương pháp định giá mà còn ở chỗ chưa có kinh phí để định giá. Tuy nhiên sau khi đặt câu hỏi lấy kinh phí ở đâu để nhà khoa học định giá, PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Viện phó Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã đề xuất một cách làm của viện “Đây cũng là một vướng mắc nhưng chúng tôi đã tự tháo gỡ một phần. Kinh nghiệm của chúng tôi là ký hợp đồng ba bên, một bên với Viện Định giá KH&CN, với đơn vị thụ hưởng và chúng tôi, trong đó chúng tôi sẽ cung cấp cơ sở cho đơn vị định giá. Nếu định giá được thì đơn vị thụ hưởng công nghệ đầu tiên sẽ phải trả kinh phí cho đơn vị định giá”.

Ba giải pháp theo từng cấp độ mà PGS. TS Trần Quốc Bình và các nhà khoa học đề xuất đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, đặc biệt giải pháp ở cấp độ thứ nhất thì thuận nhất cho khoa học nhưng lại gây băn khoăn về khả năng thất thoát cho nhà quản lý. “Nhìn chung, cách làm này dễ áp dụng nhất, vì khi chúng ta xác định nó như một khoản tài trợ thì chúng ta không những không phải lo lắng chuyện thất thoát mà nền kinh tế lại được hưởng lợi từ đó; nếu có thất thoát thì số mất mát là nhỏ”, PGS. TS Trần Quốc Bình lý giải. “Còn nếu ta muốn thu lại tài sản nhà nước qua đề tài dự án, sau đó ta lại dùng tiền hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy ứng dụng KH&CN thì cuối cùng, đồng tiền nó lại đi lòng vòng”.

Vấn đề sửa đổi Nghị định 70, giờ đây không chỉ ở việc thay thế một số quy định hay loại bỏ một vài câu chữ hay mà chủ yếu nằm ở quan điểm: coi nghiên cứu KH&CN như một hoạt động đổi mới sáng tạo ở mức cao nhất để chấp nhận rủi ro và có thể nhận được những phần lãi dài hạn ở tương lai, cả về nguồn lực vật chất lẫn con người. “Ngành đặc thù có tính sáng tạo cao, nên cơ chế chính sách phải làm sao hỗ trợ hiệu quả quá trình sáng tạo của nhà khoa học. Còn nếu chính sách vẫn muốn áp đặt nhà khoa học thì có lẽ không bao giờ có được sự sáng tạo”, TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật (ĐHQGHN) trao đổi tại cuộc họp.

Việc xây dựng và thực thi những cơ chế hỗ trợ quá trình sáng tạo của nhà khoa học theo cách này sẽ giúp họ làm được việc mà nói như giáo sư vật lý chất rắn Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) “Nghiên cứu là biến tiền đầu tư của nhà nước hoặc của ai đó thành kiến thức của mình và đổi mới sáng tạo là biến kiến thức thành tiền thông qua doanh nghiệp khởi nguồn (spinoff) và khởi nghiệp (startup), rút ruột từ hiểu biết để làm ra sản phẩm có ích cho xã hội”.