Năm 2015, chỉ có 583 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của người Việt Nam được nộp, với 63 bằng độc quyền sáng chế được cấp. Nhân lực là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực trạng này.

Phiên họp hội đồng thường kỳ về chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế xã hội do Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức ngày 18-19/11 tại Hà Nội có sự tham gia của GS Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng nhiều đại biểu đại diện bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan.

Tại phiên họp, câu chuyện về nhân lực KH&CN được nhìn dưới nhiều góc độ từ đào tạo tới cơ chế chính sách. Theo đó, những khó khăn trong việc đào tạo, thu hút và chính sách đãi ngộ là nguyên nhân khiến nguồn nhân lực quan trọng này vẫn luôn yếu và thiếu.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 18/11.
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 18/11.

Trong báo cáo đề dẫn, TS Nguyễn Đình Minh - Tổng thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia nêu bức tranh tổng quan về chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN, trong đó nhấn mạnh các kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển KH&CN như: Giá trị sản phẩm KH&CN, công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%, 19,1%, 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm; số công bố quốc tế tăng 10-20%/năm.

Tuy nhiên, ông Đỗ Việt Trung - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - cũng chỉ ra một thực tế, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2015 của người Việt Nam là 583 đơn, số bằng độc quyền sáng chế được cấp của người Việt Nam cũng chỉ đạt 63 văn bằng. Theo ông, sự ít ỏi này là dođội ngũ nhân lực KH&CN còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của KH&CN.

“Còn thiếu nhà khoa học giỏi, đầu ngành; tinh thần hợp tác nghiên cứu và kỹ năng làm việc nhóm của đội ngũ nhân lực KH&CN còn yếu” - ông Trung nhấn mạnh.

TS Minh cho rằng, tình trạng này cần được nhìn từ góc độ đào tạo nhân lực KH&CN. Hiện Việt Nam chưa có trường đại học nào nằm trong top 20 trường đại học của Đông Nam Á, top 300 trường đại học của châu Á và top 1.000 trường đại học của thế giới. Nhiều chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao ở nước ngoài được thực hiện song thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao.

Tại phiên họp cũng có nhiều ý kiến cho rằng nguồn nhân lực KH&CN vốn đã thiếu, lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nên nguy cơ "chảy máu chất xám" ngày một gia tăng.

Về giải pháp, ông Đỗ Việt Trung kiến nghị thực hiện đề án về xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài để tăng cường sự kết nối, tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho nhân lực KH&CN trong nước; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, qua đó thúc đẩy tính năng động, chủ động của các tổ chức này trong việc sử dụng nhân lực KH&CN trong nước.

Trong chiều 18 và ngày 19/11, các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia phiên họp sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong việc đào tạo, sử dụng và thu hút nguồn nhân lực KH&CN cũng như kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động này.