Việt Nam cần có luật phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, đó là quan điểm của các đại biểu tham dự hội thảo "Hướng tới xây dựng luật phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (KH&CN)" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 27/12.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA - cho rằng việc phổ biến kiến thức về KH&CN có vai trò rất lớn nhưng chưa thực sự được chú trọng. Vì vậy việc xây dựng bộ luật này là nhu cầu thiết yếu.
Dẫn kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, bà Dương Thị Nga – Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế thuộc VUSTA - cho biết, công tác phổ biến kiến thức KH&CN đã mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia này, sự hiểu biết của cộng đồng đối với sự phát triển KH&CN ngày càng cao. Sự thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi hành động của chính quyền và người dân.
Đối với Việt Nam, bà Nga cho rằng vai trò của công tác phổ biến kiến thức nhiều năm qua chưa được nghiên cứu thấu đáo và đầy đủ. Bà kiến nghị VUSTA phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện khảo sát hay nghiên cứu tầm quốc gia để có cơ sở lý luận và thực tiễn về nhu cầu phổ biến kiến thức ở Việt Nam, từ đó có những chương trình, dự án cụ thể. Đặc biệt, nên chọn lĩnh vực trọng điểm hiện nay là nông nghiệp và bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông có sẵn để triển khai công tác phổ biến kiến thức KH&CN.
TS Trần Việt Hùng - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA - gợi ý, VUSTA nên có tờ trình nêu rõ tính cấp thiết của việc xây dựng bộ luật này cũng như các nội dung cơ bản để trình xin ý kiến Quốc hội.
Phương Nguyên