Hoạt động khai thác sáng chế mờ nhạt
Tại hội thảo “Thực trạng khai thác sáng chế và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” mới đây, TS Nguyễn Hữu Xuyên - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - dẫn kết quả khảo sát tại 118 doanh nghiệp trong 3 năm qua.
Theo đó, có tới 56,8% số doanh nghiệp đầu tư dưới 0,5% doanh thu cho nghiên cứu để tiến hành các hoạt động khai thác sáng chế. Chỉ có 6,7% số doanh nghiệp đầu tư trung bình trên 2% doanh thu cho hoạt động này.
Trong khi đó, để thực hiện được hoạt động khai thác sáng chế, một trong các yêu cầu cơ bản là năng lực công nghệ của doanh nghiệp phải cao. Đây cũng chính là lý do trong thời gian qua, hoạt động khai thác sáng chế tại Việt Nam rất mờ nhạt.
“Hiện trình độ, năng lực công nghệ trong các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Đầu tư cho hoạt động khai thác sáng chế, đổi mới công nghệ còn thấp. Đây là một trong các yếu tố ảnh hưởng và làm cản trở quá trình khai thác sáng chế trong doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh” - TS Xuyên nhấn mạnh.
Đóng gói trà túi lọc linh chi tại Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch. Ảnh: HM
GS-TS Hoàng Văn Phong - Phái viên Chính phủ về khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia - cũng nêu một thực tế: Thời gian qua, chưa một đơn vị nào có thể trả lời câu hỏi sáng chế xuất phát từ lĩnh vực nào có số lượng lớn nhất. Ngay cả trong ngành hóa dược, số lượng sáng chế được cho là nhiều nhưng mức độ sử dụng, khai thác lại không cao, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài không nhiều. Thậm chí, có đến 75-90% nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh và vitamin sử dụng ở Việt Nam được nhập ngoại. Theo ông, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
“Các sáng chế ẩn chứa các bí quyết công nghệ. Do đó, cần phải nghiên cứu tiếp để xác định cụ thể tại sao khi khai thác sáng chế đó, sản phẩm sản xuất ra không thể xuất khẩu mà chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước; đó là do chất lượng sáng chế hay do hiệu quả đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật” - GS Phong nói.
Xây dựng trung tâm tư vấn
Để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh tăng cường đổi mới công nghệ thông qua hoạt động khai thác, ứng dụng sáng chế, TS Nguyễn Hữu Xuyên đề xuất, trước hết, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác công - tư trong việc khai thác sáng chế.
Mô hình này được hiểu là sự thỏa thuận giữa các đối tác nhà nước và tư nhân để đảm bảo dân chủ, hợp pháp trong việc phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên trong toàn bộ quá trình ứng dụng và khai thác sáng chế.
“Để vận dụng được mô hình này hiệu quả, các bên liên quan cần xác định rõ mục tiêu, vai trò trong quá trình khai thác sáng chế, lợi ích và rủi ro cơ bản của các bên, đồng thời phải hình thành cơ chế kiểm soát các vấn đề liên quan tới xung đột lợi ích” - TS Nguyễn Hữu Xuyên nhấn mạnh.
Việc phát triển các định chế trung gian trong thị trường khoa học và công nghệ cũng được các chuyên gia xem là yếu tố quan trọng, bên cạnh việc xây dựng lộ trình, bản đồ khai thác sáng chế phù hợp để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trong chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình Phát triển tài sản trí tuệ… Theo giới chuyên môn, 3 giải pháp trên được xem là tam giác thúc đẩy hoạt động khai thác sáng chế.
GS-TS Hoàng Văn Phong thì cho rằng, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học… nên ngồi lại với nhau để bàn bạc và thúc đẩy xây dựng một trung tâm tư vấn và đánh giá công nghệ tại viện, trường. Các trung tâm này có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ các nhà nghiên cứu đánh giá kết quả nghiên cứu và các vấn đề liên quan để thương mại hóa kết quả sáng chế trong doanh nghiệp. Trung tâm cũng tư vấn cho họ về công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sao cho phù hợp với tiêu chí của từng chương trình.
“Có làm được như vậy thì mới có thể kêu gọi được sự đầu tư và đầu tư đúng chỗ” - ông Phong nói.