Kịch bản xấu nhất cho thấy trong 30 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ gây ra xáo trộn quan trọng trong mô hình di cư của quốc gia, khiến 3,1 triệu người Việt phải rời quê hương đến các vùng khác tìm sinh kế.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021

Đối với nhiều người, việc sinh ra, lớn lên ở một nơi và sống định cư lâu dài ở một nơi khác là điều rất bình thường. Họ di chuyển đến những miền đất mới vì nhiều lý do: đi học, đi làm, tìm kiếm cơ hội tốt hơn, hoặc chỉ đơn giản là để thay đổi. Nhưng với nhiều người khác, họ không có sự lựa chọn. Họ buộc phải ra đi.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 9/2021 dưới tên gọi Báo cáo Groundswell (lần 2) cho thấy, theo kịch bản xấu nhất, ước tính từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 3,1 triệu người (tương đương khoảng 3,1% dân số) phải di cư nội địa vì biến đổi khí hậu. Con số này chiếm tới 26% tổng số dân di cư trong nước, biến “di dân vì biến đổi khí hậu” trở thành một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi toàn bộ mô hình di cư và các kế hoạch phát triển ở Việt nam.

Trong kịch bản phát triển bao trùm, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới dự báo có khoảng 1,9 triệu người sẽ phải di dân vì biển đổi khí hậu, và trong kịch bản thân thiện với khí hậu hơn, con số này vẫn ở mức cao là 1,5 triệu người.

Di dân vì biến đổi khí hậu ở Việt Nam không phải là điều mới được phát hiện. Một nghiên cứu công bố năm 2018 của TS Alex Chapman (Đại Học Southampton) và TS. Văn Phạm Đăng Trí (Đại học Cần Thơ) cho thấy trong vòng 10 năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Longđã mất đi 1 triệu trên tổng dân số 18 triệu người. Đã có 1,7 triệu dân đi khỏi vùng này, trong khi chỉ có khoảng 700 ngàn dân đến định cư.

So sánh trong thời kỳ đó, tỷ lệ di cư ròng ra khỏi các tỉnh ĐBSCL cao hơn hai lần mức trung bình quốc gia, và thậm chí cao hơn ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất. "Điều này ngụ ý rằng có một cái gì đó khác - có lẽ liên quan đến khí hậu - đang diễn ra ở đây" - TS. Alex và TS. Trí viết trên tờ The Conversation.

Thậm chí, một dự báo toàn cầu của Climate Change năm 2019 còn đưa ra con số gây tranh cãi khi dự tính đến năm 2050, khoảng 1/3 dân số Việt Nam (tức 31 triệu người) sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ven biển do một phần lớn diện tích đất ở miền Bắc và miền Nam bị chìm trong nước biển.

Tuy các con số dự báo khác nhau, nhưng đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng biến đổi khí hậu đang gây ra một cuộc khủng hoảng di cư ở Việt Nam.

Những điểm nóng di cư

Báo cáo Groundswell chỉ ra, trong vòng 30 năm tiếp theo, vùng ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và các khu vực ven biển phía Bắc gần Thanh Hóa và Vinh sẽ trở thành các điểm nóng mà người dân rời đi do biến đổi khí hậu.

Những điểm này tương ứng với các khu vực được được dự báo sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và gia tăng triều cường, đe dọa đến nguồn sinh kế chính của người dân là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Trong khi đó, những khu vực sẽ tiếp nhận lượng lớn người di cư sẽ là phần bên trong của Đồng bằng sông Cửu Long (bao quanh các điểm nóng di cư đi), các vùng bờ biển miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng trị; và khu vực đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội.

 Dự đoán các điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu tại Việt Nam đến năm 2030 và 2050 | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021
Dự đoán các điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu tại Việt Nam đến năm 2030 và 2050. Các vùng màu đỏ là điểm nóng tiếp nhận di dân, trong khi các vùng màu xanh là điểm nóng dân di chuyển ra | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021

Tương tự Việt Nam, các nước xung quanh cũng diễn ra tình trạng di dân do biến đổi khí hậu nhưng do nguyên nhân khác. Những điểm nóng di cư xảy ra ở miền trung Thái Lan và Myanmar tương ứng với các khu vực bị sụt giảm nguồn nước ngọt và giảm năng suất cây trồng. Trong khi đó, các điểm nóng di cư ở phía đông nam Phnom Penh Campuchia dọc sông Mekong và miền nam Myanmar dự kiến gia tăng do cả tình trạng thiếu nước ngọt và nước biển dâng.

Trên bình diện cả thế giới, báo cáo Groundswell nhấn mạnh, nếu không hành động ngay, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có 216 triệu người sẽ phải bỏ quê nhà đến nơi khác trong quốc gia của mình.

“Biến đổi khí hậu đã trở thành một động lực di cư ngày càng mạnh mẽ”, ông Juergen Voegele, Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh. “Các điểm nóng của di cư khí hậu nội bộ có thể xuất hiện sớm nhất vào năm 2030 và tiếp tục lan rộng và tăng cường vào năm 2050.”

Dự báo di cư nội địa vì biến đổi khí hậu. Những điểm nóng về di cư sẽ diễn ra mạnh hơn ở các vùng nông thôn, đô thị và ven biển | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021
Dự báo di cư nội địa vì biến đổi khí hậu. Những điểm nóng về di cư sẽ diễn ra mạnh hơn ở các vùng nông thôn, đô thị và ven biển | Nguồn: Báo cáo Groundswell 2021

Có một sự bất bình đẳng rõ rệt khi những người thiệt hại nhất do biến đổi khí hậu lại là những người nghèo nhất thế giới và cũng là những người đang đóng góp ít nhất cho các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Viễn cảnh di dân trong 30 năm tới tạo ra nhiều áp lực chuẩn bị và thích nghi cho các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, báo cáo Groundswell tính toán, nếu ngay từ bây giờ, các quốc gia bắt đầu giảm khí nhà kính, thu hẹp khoảng cách phát triển, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng và giúp con người thích ứng, thì có thể giảm tới 80% tỷ lệ người dân di cư vì khí hậu ngay trong chính các quốc gia đó.

Nói cách khác, các chính phủ cần lập kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn di cư - tính đến tất cả các yếu tổ liên quan đến quá trình trước, trong và sau khi di cư - để sao cho việc di cư trở thành một chiến lược thích ứng tạo ra kết quả tích cực, thay vì là một sự di cư “vỡ trận”.