Bộ trưởng Thương mại các nước vừa họp tại WTO để thảo luận về những quy tắc mới nhằm hạn chế hoạt động trợ cấp chính phủ cho ngành đánh bắt cá.

Đây là thời cơ thuận lợi bởi không phải lúc nào các nhà điều đình thương mại cũng tìm được tiếng nói chung trong việc bảo tồn đại dương và hoàn thành một Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn phải bảo vệ được những cộng đồng dễ chịu tổn thương cùng sinh kế của họ.

Chính các khoản trợ cấp chính phủ đã khuyến khích tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi biển tự nhiên, khiến WTO phải tranh luận liên tục trong suốt hai thập kỷ hòng tìm cách tháo gỡ. Trữ lượng cá toàn cầu đang sụt giảm xuống mức báo động, và những người canh tác thủ công nghèo nàn cùng hệ sinh thái biển, trên thực tế đang phải gánh chịu hậu quả.
.

Trữ lượng cá tự nhiên toàn cầu đang sụt giảm mạnh do tình trạng đánh bắt bừa bãi.
Ảnh: Brookings Institution.

Theo cảnh báo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2017, có đến 1/3 trữ lượng cá của thế giới đang bị đánh bắt quá mức, tỷ lệ tăng mạnh so với 10% (năm 1970) và 27% (năm 2000). Nguồn lợi cá tự nhiên cạn kiệt sẽ đe dọa an ninh lương thực thực phẩm của các cộng đồng ven biển và sinh kế của những ngư dân nghèo – đang phải di chuyển ngày càng xa bờ chỉ để mang về những mẻ cá ngày càng nhỏ. Nhưng bất chấp thực trạng đáng lo ngại trên, các chính phủ vẫn đang giải ngân khoảng 35 tỷ USD mỗi năm để trợ cấp nghề cá, 2/3 trong số này lại được dành cho khu vực đánh bắt thương mại.

Năm 2015, nhiều lãnh đạo thế giới đã nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề và đồng ý xây dựng một thỏa thuận về hoạt động trợ cấp nghề cá đến năm 2020 như là một phần của Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững (SDA). Tuy nhiên, trong lúc các Bộ trưởng Thương mại đã tái khẳng định cam kết trên vào năm 2017, những cuộc đàm phán tại WTO lại liên tục bị trì hoãn. Nhưng tình hình có vẻ đang thay đổi. Người chủ trì các cuộc gặp tại Geneva, đại sứ Santiago Wills từ Colombia, đã không ngừng thúc giục những quốc gia thành viên WTO soạn thảo một biên bản ghi nhớ – làm nền tảng thúc đẩy giai đoạn đàm phán cuối cùng. Song bất chấp sự ủng hộ về mặt chính trị, các ý kiến bất đồng vẫn tồn tại. Trên thực tế, việc ký kết một thỏa thuận trước kỳ Hội nghị Bộ trưởng cuối năm 2021 của WTO có thể sẽ lại bì trì hoãn.

Đó cũng là lý do khiến WTO phải tổ chức một cuộc họp Bộ trưởng Thương mại (trực tuyến) ngay trong tháng này. Mặc dù phép màu rất khó xảy ra, nhưng đó vẫn là cơ hội lớn để đưa những cuộc đàm phán đến gần hơn với một thỏa thuận sau cùng – được kỳ vọng hoàn tất sớm để kịp Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Đa dạng sinh học vào tháng 10/2021, và không được muộn hơn nửa cuối tháng 11 khi Hội nghị Bộ trưởng WTO diễn ra.

Công việc đàm phán thực ra hết sức phức tạp bởi cá không tập trung trong lãnh thổ của một quốc gia duy nhất. Các nhà điều đình phải tính đến cả khuôn khổ hiện hành của những quy tắc nghề cá quốc tế và vai trò của các cơ quan quản lý đối với nhiều khía cạnh của hoạt động đánh bắt trên toàn thế giới. Họ cũng cần phải xác định những quy tắc trợ cấp mới sẽ được áp dụng như thế nào đối với các tàu đánh bắt xa bờ.

Mặc dù không phải là một tổ chức quản lý nghề cá song WTO lại có một khuôn khổ bao gồm nhiều quy tắc lâu đời được xây dựng để hạn chế các khoản trợ cấp đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp gây méo mó hoạt động thương mại. Tại cuộc họp Bộ trưởng WTO năm 2001, nhiều thành viên đã đồng ý với đề xuất cần có những biện pháp tương tự để bảo vệ nghề cá.

Các cuộc đàm phán đang được xúc tiến hứa hẹn sẽ tạo ra đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đại dương. Trước hết, những tàu khai thác bất hợp pháp sẽ không còn nhận được nguồn trợ cấp từ các chính phủ. Hoạt động này, theo FAO, đang đóng góp tới 11 – 26 triệu tấn cá mỗi năm, tương đương 20% tổng sản lượng đánh bắt toàn cầu. Bên cạnh đó, những loại hình trợ cấp khác – có tác dụng thúc đẩy nghề đánh bắt – cũng sẽ bị kiềm chế khi các chính phủ được yêu cầu phải chứng minh chúng không gây tổn hại đến nguồn lợi cá tự nhiên.

Một trong số những khó khăn lớn nhất là làm thế nào để xác định và bảo vệ được quyền lợi cho các quốc gia đang phát triển, nhất là những nước nghèo nhất – vốn phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt thủ công trên quy mô nhỏ và đang tìm kiếm thêm không gian chính sách để phát triển năng lực đánh bắt công nghiệp của mình. Do thiếu hụt nguồn lực và năng lực quản trị nghề cá còn yếu kém, các nước này có thể sẽ phải vật lộn trong việc áp dụng những chế độ trợ cấp mới theo cách nhanh và hiệu quả như các quốc gia giàu có. Một vấn đề khác cũng hết sức phức tạp nằm ở nhu cầu đảm bảo tính minh bạch khi một thành viên WTO thông báo triển khai những chương trình trợ cấp không gây hại và không gây méo mó để khuyến khích ngành đánh bắt của nước mình.

Đó đều là các nhiệm vụ không dễ thực hiện song chúng ta vẫn phải làm, bởi WTO đã cam kết bảo vệ nghề cá và đại dương mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Thông qua việc đàm phán loại bỏ những khoản trợ cấp thủy sản không có lợi, WTO đang chứng tỏ mình không chỉ tôn trọng các cam kết trong quá khứ mà còn muốn tạo tiền đề cho nhiều nỗ lực quốc tế khác để giải quyết những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu cho đến Covid-19. Chúng ta cùng kỳ vọng các bộ trưởng sẽ vượt qua mọi trở ngại.

.

Tác giả: TS. Ngozi Okonjo-Iweala vừa được bầu làm Tổng giám đốc WTO, từng là cựu Giám đốc điều hành World Bank, cựu Bộ trưởng tài chính Nigeria, chủ tọa Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI), thành viên phái đoàn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về COVID-19. Ngoài ra, bà còn là nghiên cứu viên cấp cao (Distinguished Fellow) tại Viện Brookings Institution và Trung tâm Lãnh đạo Chính sách Toàn cầu (GPL) tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard.