Dù thứ hạng hay top 10 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp tỉnh (PII) 2023 đang được truyền thông chú ý nhưng xếp hạng không phải mục đích chính của bộ chỉ số. Khi xây dựng PII, Bộ KH&CN mong muốn đem lại một bộ công cụ phân tích mô hình phát triển cấp địa phương.
Từ trái sang: Thứ trưởng Hoàng Minh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn nút công bố kết quả PII. So sánh chỉ là tương đối
Hà Nội dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần, trong đó có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển (NC&PT), đổi mới sáng tạo (ĐMST) như nhân lực NC&PT, chi cho NC&PT, số tổ chức KH&CN, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động NC&PT, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế xã hội như chỉ số phát triển con người. Tiếp theo, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu 12 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần, với những chỉ số như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động NC&PT, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ. Bình Dương đứng thứ ba về số lượng các chỉ số dẫn đầu, với 7 chỉ số trên 52 chỉ số thành phần, trong đó có các chỉ số như tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động NC&PT và ĐMST, số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tỉ lệ người trên 15 tuổi có việc làm, thu nhập bình quân đầu người. Đà Nẵng đứng thứ tư với 5 chỉ số dẫn đầu trên 52 chỉ số, trong đó có các chỉ số như chi cho KH&CN, số tổ chức KH&CN, tín dụng cho khu vực tư nhân, mật độ doanh nghiệp, số doanh nghiệp mới thành lập.
Tại buổi công bố bộ chỉ số PII do Bộ KH&CN tổ chức ngày 12/3, thông tin về top 10 tỉnh đứng đầu về đổi mới sáng tạo không gây ngạc nhiên vì đây đều là các địa phương trong số năm thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế như Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, và Thái Nguyên. Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KHCN & ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc). Hẳn nhiên những tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh, công nghiệp phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn có lợi thế hơn các tỉnh có tiềm lực yếu hơn.
Giải thích về điều này, từ phía đội ngũ chuyên môn xây dựng bộ chỉ số PII, ông Nguyễn Võ Hưng, chuyên gia của Học viện Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), cũng phân tích “sự chênh lệch” về chỉ số giữa các địa phương ở top đầu và top cuối “là điều bình thường” vì dù có rất cố gắng đi nữa, thì các địa phương vùng sâu vùng xa cũng chỉ có thể cải thiện “so với chính hiện trạng bây giờ của họ”, còn việc cạnh tranh với những nơi thuộc top đầu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là điều rất khó khăn.
Khi có bộ chỉ số tổng hợp như PII kèm theo bảng xếp hạng kết quả của các địa phương, thường các địa phương sẽ quan tâm đến vị trí của mình trong bảng xếp hạng trong tương quan với các địa phương khác, rồi có thể đặt mục tiêu cho thứ hạng của địa phương mình cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đây không phải mục đích chính của bộ chỉ số PII. Vai trò cơ bản hơn của bộ chỉ số này là nhằm “cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương dựa trên KHCN & ĐMST", như phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại buổi Công bố PII. "Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư và điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương”.
“So sánh giữa các địa phương chỉ là tương đối! Mặc dù có xếp hạng nhưng mục đích của bộ chỉ số không nhằm xếp hạng mà để mô tả thực trạng phát triển kinh tế xã hội của địa phương dựa trên KH&CN và ĐMST, để mỗi địa phương biết điểm mạnh yếu của mình, tiềm lực của mình để mà điều chỉnh”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cũng lưu ý thêm về cách diễn giải Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. “Có những địa phương/ quốc gia có mô hình phát triển kinh tế khác nhau, có quốc gia/ địa phương phát triển dựa vào tài nguyên, có địa phương/ quốc gia phát triển dựa vào FDI là các nhà máy, công ty nước ngoài đầu tư…”. Vì vậy bộ chỉ số này là bộ công cụ tổng hợp để đo lường, nhìn nhận lại tổng thể mô hình phát triển của địa phương đang dựa trên KHCN và ĐMST như thế nào.
Hà Nội dẫn đầu về nhiều chỉ số thành phần, trong đó có các chỉ số quan trọng về nhân lực NC&PT, chi cho NC&PT, tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động NC&PT...
Công cụ định lượng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành
Tại sao lại cần “đo lường mô hình phát triển dựa vào KHCN và ĐMST”? Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh vào con đường phát triển chuyển từ thuần túy dựa vào khai thác tài nguyên, và nguồn lực lao động giá rẻ “giờ dư địa đã cạn” sang mô hình phát triển dựa vào KHCN và ĐMST đòi hỏi “chúng ta phải có các chỉ tiêu con số cụ thể, qua đó có bức tranh tổng thể để chỉ đạo, điều hành”.
Như vậy, với tính ứng dụng chính của bộ chỉ số là phân tích điểm mạnh, điểm yếu trong mô hình phát triển, với các chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, thì thay vì chỉ quan tâm đến thứ hạng, việc các địa phương cần làm là phân tích chi tiết số liệu mà PII cung cấp về địa phương mình để cùng thảo luận, nhận định đúng về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế xã hội dựa trên KHCN&ĐMST, từ đó đề ra những quyết sách về mô hình tăng trưởng, phù hợp với đặc thù.
“Trong các thời gian tới Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các buổi tư vấn cho các địa phương nếu có yêu cầu giải thích kết quả cho các địa phương. Bộ KH&CN sẵn sàng tư vấn cho các địa phương”, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết thêm. Ngay trong tuần này, Bộ KH&CN sẽ tổ chức hội thảo kỹ thuật về Bộ chỉ số PII và Hội nghị giám đốc các Sở KH&CN trong cả nước để các địa phương có nhìn nhận, đánh giá, phân tích thông tin sâu hơn.
Từ phía chuyên môn kỹ thuật của bộ chỉ số, ông Nguyễn Võ Hưng cũng lưu ý thêm rằng, cách tốt nhất là các địa phương không chỉ nhìn vào các chỉ số thành phần, nỗ lực cải thiện chỉ số thành phần, mà “hãy xem đây là xuất phát điểm, nhìn vào đó đánh giá hiện trạng của mình”, từ đó nhìn xem mô hình phát triển nên đi theo hướng phát triển nào để cải thiện những chỉ số cần thiết. Còn “cũng có thể có những chỉ số còn thấp nhưng không phù hợp, không thực sự gắn với mình thì không nhất thiết phải theo đuổi”. Chẳng hạn với địa phương dựa vào du lịch và nông nghiệp thì các chỉ số liên quan tới công nghiệp thấp là điều là bình thường. Như vậy, các địa phương có con đường phát triển khác nhau thì sẽ khai thác chỉ số này ở các góc độ khác nhau.
Bộ chỉ số không chỉ có ý nghĩa với từng địa phương, mà còn có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, làm tăng hạng của Việt Nam trong xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII. Theo PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Đổi mới sáng tạo, "GII là bộ chỉ số quan trọng, đánh giá tổng thể về tiềm năng, tiềm lực của một quốc gia dựa vào KHCN và ĐMST như thế nào. Do đó, ở quy mô cấp tỉnh, nếu các địa phương cải thiện được chỉ số PII, thì chỉ số GII của Việt Nam sẽ tăng, làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế”.
Bộ chỉ số này cũng có thể sẽ trở thành công cụ hữu ích cho các nhà quản lý ở cấp Trung ương, cho Hội đồng quốc gia về KHCN và đổi mới sáng tạo có căn cứ và chỉ tiêu cụ thể trong đánh giá, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của bộ chỉ số GII), gồm có: Năm trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST, bao gồm (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.
Tháng 12/2023, chuyên gia quốc tế độc lập đã tiến hành đánh giá về phương pháp, dữ liệu, kỹ thuật, mô hình tính toán bộ chỉ số PII năm 2023 của Việt Nam. Kết quả đánh giá của chuyên gia cho thấy, bộ chỉ số PII 2023 đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê và phương pháp luận. Quy trình tính toán có các bước rõ ràng và theo sát quy trình của GII, dựa trên các thông lệ tốt nhất được Ủy ban Châu Âu, Liên Hợp Quốc và một số tổ chức quốc tế khác áp dụng.
Trong Báo cáo đánh giá, chuyên gia nêu những thay đổi về chỉ số thành phần, cấu trúc chỉ số là điều bình thường sau khi thử nghiệm và sau khi có các phản hồi cho phiên bản đầu tiên được công bố, đồng thời, chuyên gia khuyến nghị trong các bản cập nhật tiếp theo, mỗi lần chỉ nên đưa ra những thay đổi nhỏ nhằm đảm bảo tính nhất quán giữa các năm và giúp tránh nhầm lẫn. Chuyên gia cũng khuyến nghị phải công bố dữ liệu của các trụ cột, nhóm chỉ số và chỉ số thành phần cùng với điểm số chung của bộ chỉ số, đồng thời khuyến khích người dùng và các bên liên quan đi sâu khai thác dữ liệu. |