Dịch bệnh chính là một cú hích, buộc chúng ta phải thay đổi, thoát khỏi thói quen dạy học cũ và không còn thể tự nhận mình là người “lùn công nghệ”.

Internet cho phép việc tiếp cận công bằng với giáo dục trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: baoquangnam.vn
Internet cho phép việc tiếp cận công bằng với giáo dục trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: baoquangnam.vn

Cơ hội tiếp cận công bằng với giáo dục

Từ lâu, việc học online đã được đưa vào bàn luận trong các chương trình giáo dục trên khắp thế giới. Internet cho phép việc tiếp cận công bằng với giáo dục trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào, chỉ cần có thiết bị kết nối internet, đều có thể theo học các chương trình đào tạo của các đại học danh tiếng. Tôi là một trong những người được hưởng lợi từ sự phát triển kì diệu này. Tôi đã theo học nhiều chương trình và lớp học trực tuyến trên các nền tảng như Coursera, Edx và Khan Academy theo cả hai hình thức miễn phí và trả phí. Với tư cách học viên, tôi thấy hình thức này thật hợp túi tiền, tiện lợi và đơn giản.

Tuy nhiên, phải đến khi du học cao học ở Mỹ và trực tiếp được tìm hiểu cách các giáo sư thiết kế chương trình bài giảng, tôi mới nhận ra dạy và học online là một công việc thực sự có rất nhiều thử thách. Một buổi học trên lớp của chúng tôi thường kéo dài gần ba tiếng với 20 phút giải lao, trong đó các giáo sư kết hợp cả giảng bài, thảo luận, xem các tài liệu dưới dạng hình ảnh, làm việc nhóm, thuyết trình, hùng biện hoặc thậm chí là cả cho đóng kịch để tăng sự hấp dẫn của buổi học. Với một lớp học online, các giáo sư cần đảm bảo các nội dung mà không được kéo dài thời gian cho mỗi nội dung quá lâu, thường chỉ vào khoảng 10-20 phút, để giữ sự tập trung của sinh viên. Các hoạt động được luân chuyển từ bài giảng sang hoạt động nhóm, thảo luận, xem video, hoặc để sinh viên chơi game, làm quiz. Giảng viên cần huy động trí tưởng tượng để hình dung sinh viên đang cảm thấy gì khi không nhìn thấy sinh viên trước mặt. Họ cũng cần tìm các tài liệu đọc và xem hấp dẫn, đồng thời phải đảm bảo sinh viên không lệ thuộc quá nhiều vào màn hình máy tính.

Khi trở lại Việt Nam và trở thành giảng viên đại học, tôi đã nỗ lực áp dụng cách thiết kế bài giảng mà mình học được. Và dù rất mong muốn học online trở thành một phần của giáo dục nước nhà, tôi không kỳ vọng chuyện đó sẽ xảy ra sớm. Nhưng dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi tất cả trong vòng vài tuần. Ngay sau tết Nguyên đán, trường của tôi đã ráo riết thực hiện các chương trình đào tạo giảng viên để chuẩn bị cho việc học online toàn trường. Những điều tôi nghĩ phải mất vài năm mới có thể áp dụng trên diện rộng, giờ bắt buộc phải áp dụng. Nhiều đồng nghiệp của tôi cảm thấy quá tải và hoang mang; trên các diễn đàn, nhóm hội của giảng viên và giáo viên, nhiều người vẫn cho rằng không thể học online được, đặc biệt là khối ngành xã hội và các lớp lý thuyết.

Thoát khỏi thói quen dạy học cũ

Câu hỏi là, vào lúc này, chúng ta có lựa chọn hay không? Tôi cho rằng không có lựa chọn nào ngoài việc thầy cô và sinh viên phải làm quen với hệ thống và hình thành nếp dạy và học online. Vậy nên, dù còn nhiều lo lắng, tôi vẫn bắt tay vào việc xây dựng chương trình dạy và học online cho các môn của mình ngay khi bệnh dịch có dấu hiệu lan rộng. Sau những băn khoăn và thử nghiệm ban đầu, tôi tin rằng việc dạy online có thể trở thành trải nghiệm mới thú vị cho bất kỳ giảng viên nào, giống như tôi.

Thứ nhất, đây là cơ hội để chúng ta thoát khỏi thói quen dạy học cũ mà nhiều giảng viên có thể không nhận ra họ đang mắc phải. Các giảng viên không thể mang nguyên bài giảng mà họ dùng cho nhiều năm học trước đó lên hệ thống dạy online. Rõ ràng là, chúng ta không tiếp thu kiến thức từ máy tính theo cách chúng ta học tại lớp. Một buổi học online cần có sự đa dạng về nội dung, chất liệu, và sự linh hoạt của giảng viên. Cũng kiến thức ấy, nhưng giảng viên không thể chỉ đứng giảng từ đầu tới cuối - họ phải xác định các khoảng nghỉ, và tìm những tư liệu cập nhật, hấp dẫn hơn nhằm đảm bảo sinh viên không rời khỏi ghế đi làm các việc khác. Lớp học lý thuyết online vẫn sẽ hấp dẫn, nếu giảng viên thường xuyên đưa các minh họa thực tiễn vào để phân tích (và tất nhiên, cần có hình ảnh đẹp, thú vị đi kèm).

Thứ hai, đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận các nền tảng dạy học, hội thảo online. Đến khi không còn lựa chọn nào, nhiều giảng viên mới nhận ra trước giờ họ đã bỏ lỡ rất nhiều phần mềm, nền tảng dạy học online miễn phí, những công cụ giúp họ hoàn thành bài giảng hiệu quả hơn. Đây chính là lúc những người dạy học ở tất cả các cấp không còn có thể tự nhận là người “lùn công nghệ” nữa, mà buộc phải học.

Trên hết, việc dạy online cho tôi cơ hội giao lưu với sinh viên một cách tích cực và hiệu quả hơn, dù cô trò không gặp nhau trực tiếp. Trong lớp học, ngoài việc kết hợp nhiều hình thức học, từ giảng bài trực tuyến, thảo luận trực tuyến, làm việc nhóm trực tuyến, thảo luận trên các forum, xem các video minh họa và trao đổi phản biện ngay trong khung giờ học, tôi cho phép sinh viên được chat thoải mái trong lớp. Các em được cởi bỏ khỏi tâm lý nghiêm trang, thậm chí rụt rè của việc học tại lớp; và có thể thoải mái bình luận, chia sẻ quan điểm khi không phải nhìn vào mắt giảng viên. Không khí thoải mái này đặc biệt có tác dụng với những sinh viên ngại nói, ít phát biểu và tranh luận trong lớp. Bên cạnh đó, tôi mở ra các forum giao lưu trên nền tảng của trường để các em có thể tự do bình luận các nội dung bài học và thời sự. Đồng thời, thay vì giữ thái độ nghiêm trang, tôi đưa nhiều yếu tố hài hước vào bài giảng, và cho phép sinh viên chia sẻ với bạn bè. Tôi cảm thấy mình được làm bạn với sinh viên một cách đúng nghĩa nhất và đồng hành tốt nhất cùng các em trong những biến động của mùa dịch.

Nói một cách ngắn gọn, việc dạy và học online thực tế không có gì mới, chẳng qua chúng ta đã chần chừ việc triển khai hình thức học này tương đối lâu. Dịch bệnh chính là một cú hích, buộc chúng ta phải thay đổi, và trên thực tế, với bất cứ ai có tư tưởng rộng mở và linh hoạt, dạy học online hứa hẹn mang lại những trải nghiệm thú vị. Tôi may mắn được nhà trường cung cấp một nền tảng tốt để dạy học. Tuy nhiên, tôi tin rằng, kể cả với các trường chưa có cơ sở hạ tầng vững chắc, thì giảng viên vẫn có thể linh động ứng dụng các nền tảng miễn phí để phục vụ cho việc giảng dạy của họ. Điều quan trọng là cách chúng ta thay đổi, thích ứng với cách dạy mới, thoát khỏi thói quen cũ. Nếu sinh viên có thể học được thì giảng viên cũng có thể dạy được, và thậm chí còn dạy tốt hơn khi học dạy trên lớp.