Ấn Độ đã tuyên bố phong tỏa đất nước trong 21 ngày để làm chậm sự lây lan của COVID-19. Các chuyên gia cho rằng, dù quyết định được đưa ra kịp thời nhưng sau đó vẫn cần duy trì giãn cách và cô lập - một việc rất khó khi nhiều gia đình sống chen chúc trong các khu ổ chuột
Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố phong tỏa đất nước và yêu cầu 1,3 tỷ người Ấn Độ ở nhà trong 21 ngày để làm chậm sự lây lan của COVID-19. Động thái này nhằm đề phòng các kịch bản bùng phát dịch xấu nhất.
Ở Ấn Độ, tại thời điểm Modi thông báo phong tỏa, đã xác nhận 600 ca Covid-19, một con số được cho là thấp hơn nhiều lần so với số người nhiễm thực tế. Nếu không có biện pháp kiểm soát, 300 triệu đến 500 triệu người Ấn Độ có thể bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 7 và 30 triệu đến 50 triệu trong số đó là các ca bệnh nặng.
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có số lượng lớn người nghèo sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu kém, chỉ có 0,7 giường bệnh/1.000 người (Ý gặp khủng hoảng cho dù có đến 3,4 giường/1.000 người). Ấn Độ cũng chỉ có chưa đến 50.000 máy thở - thiết bị y tế cần thiết để điều trị các ca Covid-19 nặng.
"Ấn Độ không có những lợi thế về quyền kiểm soát như Trung Quốc, hay hệ thống y tế như Châu Âu và Mỹ," theo Ramanan Laxminarayan, tư vấn viên của chính phủ Ấn Độ, người sáng lập và giám đốc của Trung tâm Dịch bệnh, Kinh tế & Chính sách. "Ấn Độ cần có cách phản ứng của riêng mình đối với COVID-19."
Các sĩ quan cảnh sát New Delhi khử trùng tay cho một người đàn ông vô gia cư vào ngày thứ 3 kể từ khi Ấn Độ phong tỏa.
Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ người nghèo trị giá gần 23 tỷ USD vào ngày 26/3, cung cấp khẩu phần ngũ cốc và gas miễn phí cho 83 triệu gia đình và chuyển khoản tiền mặt 6,65 USD/tháng cho khoảng 200 triệu phụ nữ trong 3 tháng tới. Nhiều nhà quan sát cho rằng khoản viện trợ này quá ít, nhỏ hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ, và nước này cần hỗ trợ nhiều hơn trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp khác, bao gồm chi 2 tỷ USD để mua đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, mở rộng các cơ sở xét nghiệm và đào tạo nhân viên chăm sóc sức khỏe trên cả nước. 10.000 máy thở cũng đang được nhập về từ Trung Quốc và thêm 30.000 máy khác được đặt mua từ các công ty trong nước. Hiện Ấn Độ đã cấm xuất khẩu thiết bị y tế chăm sóc quan trọng. Các bệnh viện tư nhân đang dành ra các khu cách ly và quân đội được phép thiết lập các cơ sở kiểm dịch.
Các chuyên gia nhận định, có rất nhiều việc phải làm để không lãng phí 3 tuần phong tỏa, bao gồm mở rộng xét nghiệm. "Phong tỏa mà không xét nghiệm thì chỉ là trì hoãn lây lan," cựu Bộ trưởng Y tế Ấn Độ K. Sujatha Rao,cảnh báo, vì nếu không xét nghiệm thì sau phong tỏa các trường hợp không bị phát hiện sẽ tiếp tục lây lan.
Ấn Độ mới thực hiện hơn 38.000 xét nghiệm COVID-19 trước ngày 31/3. Gần đây, họ đã cho phép các phòng thí nghiệm tư nhân bắt đầu xét nghiệm và cũng đã phê duyệt 12 loại bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh. Đối tượng được xét nghiệm cũng đã mở rộng, bao gồm cả những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp cấp tính nặng.
Việc phong tỏa lần này được cho là kịp thời và có thể làm chậm sự lây lan của virus trong vài tuần. "Nhưng sau đó, vẫn cần duy trì những nỗ lực giãn cách và cô lập," Gagandeep Kang, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm hàng đầu Ấn Độ, nói. Rất khó để làm được việc này, khi một nửa dân số Mumbai sống trong các khu ổ chuột. "Làm thế nào giãn cách khi năm người sống trong một căn phòng?" Kang đặt vấn đề.
Một việc quan trọng khác là chống lại thông tin sai lệch và sự kỳ thị với các bệnh nhân. Trong những ngày gần đây, nhiều khu chung cư đã tìm cách trục xuất các bác sĩ và phi hành đoàn hàng không, cũng như người Ấn Độ từ khu vực đông bắc giáp Trung Quốc. Những ngôi nhà đang được kiểm dịch bị người dân đánh dấu bằng các poster "Đừng đến". Sự kỳ thị như vậy cản trở nỗ lực tăng cường xét nghiệm, Kang lưu ý và cần có các chương trình khuyến khích và làm tăng nhận thức. "Phong tỏa chỉ là bước đầu," bà nói.
Nguồn: