Nghiên cứu về đại dịch cúm năm 1918 cho thấy, các thành phố của Mỹ phản ứng quyết liệt hơn với đại dịch cũng là các thành phố phục hồi kinh tế hiệu quả hơn.
Nghiên cứu có tên "Đại dịch làm suy giảm nền kinh tế, can thiệp sức khỏe cộng đồng thì không: Bằng chứng từ bệnh cúm năm 1918" đã được đăng trên Social Science Research Network vào ngày 26/3, tuy nhiên chưa được bình duyệt.
Nghiên cứu mới cho thấy trong đại dịch cúm năm 1918, các thành phố chống dịch mạnh mẽ hơn cũng sẽ phục hồi kinh tế hiệu quả hơn sau đó.
Sử dụng dữ liệu từ đại dịch ở Hoa Kỳ vào năm 1918-1919, nghiên cứu cho thấy, các thành phố thực hiện can thiệp xã hội và can thiệp y tế công cộng sớm hơn 10 ngày có nền sản xuất tăng trưởng 5% sau khi đại dịch kết thúc. Mặt khác, kéo dài thêm 50 ngày giãn cách xã hội ở một thành phố tương ứng với tăng 6,5% số việc làm ở đó trong lĩnh vực sản xuất sau đại dịch.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy các thành phố quyết liệt bảo vệ sức khỏe cộng đồng có hiệu suất kinh tế kém hơn," Emil Verner, phó giáo sư tại Trường Quản lý MIT Sloan và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. "Thậm chí đó là các thành phố sẽ có hoạt động kinh tế tốt hơn."
"Nghiên cứu này đặt ra nghi ngờ về quan điểm 'đánh đổi' giữa giải quyết tác động của virus và hoạt động kinh tế," Verner nói.
Ngoài Verner, hai đồng tác giả khác của nghiên cứu là Sergio Correia, nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Stephen Luck, nhà kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Giãn cách xã hội lâu hơn, phục hồi kinh tế tốt hơn
Ba học giả đã kiểm tra số liệu thống kê tỷ lệ tử vong từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), dữ liệu kinh tế lịch sử từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ và thống kê ngân hàng do nhà kinh tế tài chính Mark D. Flood biên soạn từ "Báo cáo tiền tệ thường niên" (“Annual Reports of the Comptroller of Currency”) - một ấn phẩm của chính phủ.
Các biện pháp can thiệp phi dược phẩm được thực hiện vào năm 1918 - bao gồm đóng cửa trường học và nhà hát, cấm các cuộc tụ họp công cộng và hạn chế hoạt động kinh doanh - giống với nhiều chính sách đang được sử dụng ngày nay để giảm sự lây lan của Covid-19, theo Verner.
Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào hệ quả ở 43 thành phố, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình hình kinh tế ở các thành phố khác nhau đáng kể, liên quan đến sự khác biệt trong chính sách giãn cách xã hội. Các thành phố phục hồi kinh tế hiệu quả nhất (bao gồm Oakland, California; Omaha, Nebraska; Portland, Oregon; và Seattle) đều đã thi hành hơn 120 ngày giãn cách xã hội vào năm 1918. Ngược lại, các thành phố thi hành dưới 60 ngày giãn cách xã hội vào năm 1918 sau đó đã gặp khó khăn trong sản xuất (bao gồm Philadelphia; St, Paul, Minnesota; và Lowell, Massachusetts).
"Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong đại dịch cúm năm 1918 chứng kiến sự sụt giảm mạnh và liên tục trong một số hoạt động kinh tế, bao gồm việc làm trong lĩnh vực sản xuất, sản lượng, vay ngân hàng và dự trữ hàng hóa," Verner nói.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, ở Albany, Birmingham, Boston, và Syracuse - những nơi thi hành dưới 60 ngày giãn cách xã hội vào năm 1918 - lĩnh vực ngân hàng cũng gặp khó khăn hơn bất cứ nơi nào khác ở nước Mỹ.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu lưu ý, suy thoái kinh tế xảy ra sau đại dịch cúm 1918-1919 đã làm giảm khả năng sản xuất hàng hóa của các công ty - nhưng số việc làm giảm cũng đồng nghĩa với sức mua giảm.
"Các bằng chứng mà chúng tôi có cho thấy đại dịch tạo ra cả vấn đề từ phía cung lẫn phía cầu," Verner nói.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm rút ra các bài học có thể áp dụng cho cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra. Theo Verner, thành phần của nền kinh tế Hoa Kỳ ngày nay đã thay đổi so với năm 1918-1919, sản xuất ít hơn và dịch vụ nhiều hơn. Dịch cúm năm 1918-1919 cũng đặc biệt nguy hiểm đối với những người trưởng thành trong độ tuổi lao động, khiến tác động kinh tế của nó đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng bài học tác động kinh tế của đại dịch trước vẫn có thể áp dụng cho cuộc khủng hoảng Covid-19.