Tuy nhiên, trên thực tế sự tiếp cận của chúng ta còn đang rời rạc theo “từng ngành, từng khối riêng lẻ” và chưa thực sự tạo được đột p
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương trong báo cáo tại Hội thảo: “Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai” tổ chức sáng 5/12 trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”.
Xu thế quốc tế
Dẫn thông tin tổng quan về chiến lược của một số quốc gia trên thế giới nhằm bắt nhịp Thế giới đang làm gì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho thấy những cường quốc về công nghệ như Mỹ, Đức, hay Hàn Quốc đều đang nghiêm túc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ lõi và sản xuất thông minh trong các ngành công nghiệp. “Ở Úc đã thành lập riêng một tổ tư vấn cho Thủ tướng. Quốc gia này đầu tư 9,2 tỉ đô la cùng với những chương trình hợp tác quốc tế để tiếp cận Industry 4.0 và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng cho biết.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ gắn với những tiến bộ công nghệ, mà còn đòi hỏi những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh, đầu tư, thị trường, vì thế đối với những nước có vị thế và điều kiện tiềm lực khiêm tốn hơn thì chiến lược khôn ngoan thường được áp dụng là chú trọng đầu tư vào cải thiện hạ tầng CNTT song song với tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư các nước này bỏ ra để thực hiện chiến lược tiếp cận Industry 4.0 vẫn khá đáng kể, đơn cử như một quốc gia khá gần gũi với Việt Nam như Thái Lan cũng dành tới 1,2 tỷ USD nhằm xây dựng nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo và công nghệ trong đó đầu tư cho nghiên cứu phát triển đạt 4% GDP.
Khách tham quan trải nghiệm thiết bị kiểm tra sức khoẻ tại gian hàng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh Hải Minh
Có thể thấy mẫu số chung của các quốc gia trên thế giới là thúc đẩy số hoá, ứng dựng các công nghệ số hoá trong công nghiệp, dịch vụ như: nâng cấp hạ tầng truyền thông băng thông rộng, các chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, Internet vạn vật,…; có chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí hoặc lãi suất vay cho doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.
Đồng thời họ cũng xây dựng các trung tâm thử nghiệm và triển khai Industry 4.0, là nơi kết nối doanh nghiệp, viện, trường, thử nghiệm các sản phẩm mới, đào tạo nhân lực, thí điểm chính sách đối với Industry 4.0.
Bên cạnh đó, các quốc gia đều “xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn để triển khai các sản phẩm của Industry 4.0 vào cuộc sống như: khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; khung pháp lý cho các thiết bị không người lái; tiêu chuẩn về hệ thống tự động hoá; tiêu chuẩn về bảo mật thông tin cho các thiết bị Internet vạn vật”.
Ngoài ra, giáo dục đóng vai trò thiết yếu bởi đổi mới kỹ năng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu phục vụ Industry 4.0, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng STEM.
Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm
Trên thực tế, những động thái của Chính phủ trong thời gian qua đã cho thấy một tư duy tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 khá tương đồng với những chiến lược của các quốc gia trên thế giới được nêu trên đây. Cụ thể, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với bốn mục tiêu:
- Phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông.
- Cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.
- Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
- Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.
Sau hơn 6 tháng triển khai Chỉ thị, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có sự đầu tư và chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao. Trong đó, Bộ KH&CN đã bắt đầu tài trợ triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (các dự án nghiên cứu ứng dụng về robot, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, in 3D, IoT…); tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối đầu tư, hỗ trợ ươm tạo cho khởi nghiệp; tăng cường kết nối cung cầu chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp năng lực công nghệ, ứng dụng, làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ; nỗ lực góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn như đa số kiểm tra chuyên ngành chuyển sang hậu kiểm, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. “Nếu nói rằng công nghiệp thông minh là công nghiệp của sự kết nối, sáng tạo thì sự tiếp cận của chúng ta trong thời gian qua còn rời rạc, thiếu kết nối. Vẫn đang là các hoạt động của từng ngành, từng khối riêng lẻ. Vẫn đang là sự đổi mới “cũ”, chưa có sự sáng tạo, đột phá trong cách tiếp cận” – Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhận định.
Ông kiến nghị để có thể tiếp cận thành công cơ hội của Industry 4.0, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Cụ thể, Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách, đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
Cần sự đổi mới căn bản và quyết liệt hơn trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề. Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam cần chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình tận dụng các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Tuy nhiên, công cuộc đổi mới không chỉ đòi hỏi vai trò của Nhà nước mà còn rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội. Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Cần sự chung tay của nhóm các chuyên gia cao cấp từ các khối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng sẵn sàng với công nghiệp 4.0 của Việt Nam, dự báo một số kịch bản tác động của công nghiệp 4.0 tới Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận công nghiệp 4.0 một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam.