Điểm nút cho tất cả những vấn đề mà các Sở KH&CN gặp phải trong thực tiễn công việc là cần có những căn cứ pháp lý đồng bộ và hiệu quả để họ có thể làm tốt vai trò của mình, qua đó đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Đan xen giữa những “báo cáo thành tích” về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TPHCM, đổi mới sáng tạo công nghệ cao ở Đà Nẵng hay KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Bắc Giang là những âu lo và trăn trở của những người đứng đầu ngành KH&CN các địa phương. Có lẽ ai cũng cảm thấy sức ép của yêu cầu công việc trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, tinh giản biên chế… trong khi những nhiệm vụ đặt ra cho KH&CN ở các địa phương đứng trước các mục tiêu ngày một cao hơn - “Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định KH&CN là động lực quan trọng, nếu không muốn nói là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, trách nhiệm của toàn ngành KH&CN, trong đó có trách nhiệm của Sở KH&CN các tỉnh, rất lớn”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc 2021.
Năm 2019, TS. Nguyễn Thành Mỹ (phải) giới thiệu máy trồng lúa “3 trong 1” do công ty Rynan sản xuất, một phần của cánh đồng thông minh. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chưa bao giờ, vai trò của KH&CN lại được nhìn nhận ở mức cao như vậy, nhưng bản thân điều đó lại đặt cho ngành KH&CN bài toán lớn: làm gì để tương xứng với mong đợi đó? và điều kiện nào để biến những mong đợi đó thành hiện thực?
Những cánh đồng mong cơn mưa chính sách
Gây chú ý trong hội nghị lần này không phải là “Giải pháp phát triển thị trường KH&CN vùng ĐBSCL”, báo cáo được sở KH&CN Cần Thơ gửi tới ban tổ chức, mà là những điều “gan ruột” thoát ly khỏi giấy tờ văn bản. Ông Ngô Anh Tín mạnh dạn chia sẻ những khó khăn ông nếm trải kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ từ tháng 12/2019, như việc phải “đấu tranh” để giữ được cơ cấu bộ máy sau hai đợt tái cơ cấu nhân lực theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập... Đó cũng là câu chuyện khó khăn chung của nhiều sở KH&CN ở địa phương khi tiến hành tái cơ cấu bộ máy, “số lượng anh em các tỉnh teo tóp, có sở chỉ còn 17 người. Đây là khó khăn lớn nhất vì muốn làm gì, phát triển KH&CN hay nền tảng trí tuệ, sở hữu trí tuệ thì con người cũng phải đầu tiên”, ông nói.
May mắn lớn nhất của Sở KH&CN Cần Thơ nói riêng và các sở KH&CN trên toàn quốc nói chung, là kịp thời được Bộ KH&CN “giải cứu” bằng Thông tư 01/2021/TT-BKHCN hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. “Thay mặt các tỉnh ĐBSCL, tôi xin cám ơn hành động của Bộ, đầu tiên là công thư của Bộ trưởng gửi cho Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tôi cho đây là tiền đề rất quan trọng khi tái cơ cấu nhân lực; thứ hai là Thông tư 01. Dù nó chưa hoàn chỉnh nhưng tôi cho rằng rất tiến bộ”, ông nói. Điểm tiến bộ trong văn bản này, theo ông Ngô Anh Tín là “liệt kê tất cả các nhiệm vụ lớn với trọng tâm đúng với mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 13 của toàn quốc đề ra. Cho nên căn cứ vào thông tư mà các sở chúng tôi mới tham mưu cho thành ủy, UBND xin cơ chế làm lại cơ cấu bộ máy của sở chúng tôi”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số nhiều “cơn mưa giải hạn” mà các sở KH&CN địa phương đang mong đợi. Có rất nhiều hoạt động KH&CN và ĐMST đa dạng ở khắp mọi miền đất nước đang cần những văn bản quy định, hướng dẫn để việc triển khai được “thông đồng bén giọt”. “Tụi tôi vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn về đổi mới thiết bị công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù đã lấy ý kiến của các bộ, ngành trên địa bàn rồi nhưng còn khung tài chính cho giai đoạn 10 năm, kể cả khung sở hữu trí tuệ. Mong Bộ ra thông tư sớm thì đến tháng sáu tới, chúng tôi trình UBND tỉnh phê duyệt được hai cái bộ khung này thì chúng tôi sẽ giải ngân được nguồn sự nghiệp KH&CN mà UBND giao. Đó là khó khăn không riêng cần Thơ mà của các tỉnh”, ông Ngô Anh Tín đề xuất.
Những vướng mắc ở các địa phương không chỉ ở những khung quy định mới mà còn ở cả những quy định đã có bởi gặp bất cập khi thực thi, ví dụ như vấn đề Thông tư 145 /2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Dù mới đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng từ tháng 1/2021, ông Lê Đức Viên cũng đã kịp quan sát và nhận thấy một vài điều mà ông cho là quan trọng với ngành KH&CN: “Thông tư này có mục nêu không được hỗ trợ quá 10 doanh nghiệp một năm và cũng không hỗ trợ quá 80 triệu đồng cho một doanh nghiệp. Điều này rất khó khăn cho địa phương bởi hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã chênh vênh, cái căn cứ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất khó”. Theo phân tích của ông thì “căn cứ pháp lý nào để hỗ trợ? ai bảo vệ cán bộ? tôi nói cái việc làm rất trong sáng nhưng câu chuyện chỉ cần hỗ trợ này, dự án nó không hiệu quả là người ta có quyền nghi ngờ ngay”. Do đó, ông nêu ngay câu hỏi “Tôi không biết các anh chị ở đây ký hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thì có run tay hay không chứ ở Sở KH&CN Đà Nẵng, các đồng chí được phân công ký hỗ trợ đều rất run”. Từ nút thắt hỗ trợ doanh nghiệp này, ông Lê Đức Viên đề xuất ý kiến, nên có đánh giá một cách tổng thể để xem xét lại vấn đề để hai Bộ KH&CN và Bộ Tài chính cùng tháo gỡ.
Các câu chuyện ở địa phương như vậy đều xuất phát từ thực tế muôn hình vạn trạng những vấn đề mà ngành KH&CN nơi đó phải đối mặt hằng ngày. “Ví dụ đề án xây dựng sàn giao dịch công nghệ ĐBSCL, chúng tôi xây dựng được bộ khung rồi, vốn có rồi khoảng 60 tỷ đồng nhưng hoạt động như thế nào? Cái này đầu tư không khéo là sở cũng mang tiếng, bản thân tôi rất lúng túng trong việc là công nghệ nào, giao dịch công nghệ một lần thì định giá bao nhiêu, hợp đồng như thế nào? Nếu không giải quyết được thì không khéo rồi đây chúng ta cũng làm theo kiểu phong trào thôi”, ông Ngô Anh Tín giãi bày với mong muốn nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ KH&CN để sàn giao dịch hoạt động đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện nay Bộ KH&CN đang hoàn thiện tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, không chỉ sắp xếp lại các chương trình cấp quốc gia mà còn đề xuất các giải pháp đổi mới cách thức triển khai nhiệm vụ KH&CN quốc gia làm thế nào để đạt hiệu quả nhất, thuận lợi nhất. Đối với các nhiệm vụ địa phương, các đồng chí nghiên cứu đánh giá để đề xuất các cách triển khai mới để tăng hiệu quả; tập trung triển khai thực hiện dự án trên, khai thác kết quả những dự án hiện có để ứng dụng cho địa phương thông qua việc nâng cao năng suất chất lượng của các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt
Techmart 2020 với chủ đề Công nghệ sau thu hoạch tại Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily TP.HCM. Ảnh: doimoisangtao.vn |
Một chính sách đột phá?
Tâm tư của giám đốc sở KH&CN các địa phương đã gặp đúng luồng suy nghĩ của những người làm quản lý các cấp ở Trung ương. Trong lần đầu gặp gỡ các giám đốc sở KH&CN kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đón nhận và chia sẻ những suy nghĩ của ông về một chính sách vượt trội để có thể tạo ra đột phá cũng như chuyển biến mà KH&CN góp phần xứng đáng: “Ngay khi tôi về Bộ KH&CN, trong lễ trao quyết định bổ nhiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao cho tôi bốn nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ về cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KH&CN sao cho đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội”.
Nhìn ra quốc tế, trên bước đường phát triển của bất cứ cường quốc nào cũng có vai trò của KH&CN. Bất cứ sản phẩm nào, từ thiết yếu hằng ngày như những hạt ngũ cốc, hệ thống định vị trên điện thoại di động đến cỗ máy hiện đại như xe tự hành…, đều xuất phát từ những nghiên cứu khoa học mà đôi khi ở thời điểm ban đầu, người sáng tạo ra nó có thể còn chưa thể mường tượng ra hết ứng dụng của nó. Nhưng để những kết quả khoa học đó có thể để biến thành công nghệ hữu dụng cho cuộc sống thì cần một quá trình với nhiều bước tiếp theo. Vai trò của chính sách là trao cơ hội rút ngắn quá trình đó. Trong bối cảnh Việt Nam, khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế và chính tư duy còn chưa kịp theo kịp thực tế thì việc định ra được một chính sách vượt trội khó vô cùng. “Tại cuộc họp tổng kết hoạt động Bộ KH&CN vào đầu năm 2021, lần thứ hai Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói với tôi ‘khi về đây công tác, quyết tâm của đồng chí là gì? Có quyết tâm xây dựng chính sách nổi trội, đột phá, tạo được sự công khai minh bạch trong hoạt động KH&CN không?’. Tôi đồng ý và cảm ơn Phó Thủ tướng đã nhắc nhở thêm lần nữa ngành khoa học làm điều đó”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ. Ông cho biết thêm, “Bộ KH&CN sẽ rà soát xây dựng các cơ chế chính sách nổi trội, minh bạch, công khai để tạo sự đột phá bởi có làm được như vậy thì KH&CN mới có sự phát triển, ĐMST mới đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Nếu cứ tính như thế này thì rất khó cho ngành KH&CN, phải có sự đổi mới về chính sách để tạo được đột phá”.
Việc xây dựng một chính sách đột phá cần tư duy dám vượt qua những rào cản thực tại. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết “Hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng cho các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu cho phép thử và sai, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học. Đây là vấn đề khó nhưng với quyết tâm, tôi tin rằng với sự kiên trì của ngành khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ và các địa phương, các cơ sở giáo dục, các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp, chúng ta sẽ đề xuất được cơ chế thử nghiệm ‘sand box’”.
Điểm tựa để Bộ KH&CN đạt được chính sách như kỳ vọng chính là quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ. “Tại hội nghị quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có nhắc đến điều này và cho rằng sắp tới đây phải có những chính sách đột phá trong công nghệ, tôi rất tâm đắc ý này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên để quá trình xây dựng các chính sách không trở thành con đường một chiều, Trung ương áp xuống cơ sở thì Bộ trưởng nêu ý tưởng "Tôi đề nghị các đồng chí chủ động đề xuất với Bộ KH&CN các chính sách liên quan đến KH&CN và ĐMST mà các cơ quan Trung ương và địa phương cần ban hành". Theo quan điểm của ông, vai trò hỗ trợ của địa phương không chỉ ở việc đề xuất văn bản quy phạm pháp luật mà còn ở sự chủ động đề xuất các nhiệm vụ KH&CN liên ngành và liên vùng, thiết thực với chính địa phương và cả vùng địa lý rộng lớn hơn như hạn hán, xâm nhập mặn... Mường tượng ra khả năng việc thực thi các nhiệm vụ trên quy mô lớn đó có thể gặp phải vướng mắc, Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo Bộ KH&CN và các vụ chức năng sát cánh cùng địa phương, kịp thời tháo gỡ, đưa ra phương án khả thi để triển khai một cách thuận lợi.
Đó cũng là cách KH&CN đi vào cuộc sống và giải quyết những vấn đề thiết thực của xã hội như gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp đầu năm 2021: Bộ KH&CN lập ra những chương trình tổng thể có thể giải quyết được những vấn đề chung của một vùng sản xuất trên nhiều khía cạnh và các sở KH&CN địa phương tập hợp một số nhóm vấn đề quan trọng, cùng với Bộ KH&CN lập các đề tài, nhiệm vụ, qua đó không chỉ tìm ra được giải pháp phù hợp mà còn gia tăng vai trò đóng góp của KH&CN.
Theo thống kê của các sở KH&CN, trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã triển khai thực hiện trên 2732 nhiệm vụ KH&CN các cấp. Tỷ lệ các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực như sau: khoa học nông nghiệp chiếm 30,87%, khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 26,99%, KHXH 18,02%, khoa học y dược 16.58%, KHTN chiếm 4,02%. 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN từ ngân sách nhà nước được các địa phương dành cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. |