Công ty phân tích Clarivate cho biết, sau nhiều năm tụt hậu về mặt khoa học, các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đã tăng đáng kể tỷ lệ số bài báo học thuật đăng trên các tạp chí quốc tế, cũng như tăng số lượng trích dẫn những bài báo đó.
Clarivate cho biết thêm, các nước này còn có thể tăng trưởng hơn nữa về xuất bản khoa học, nếu hợp tác khoa học trong khu vực, vốn đang khá yếu, được thúc đẩy.
Từ năm 1981 đến năm 2019, số bài báo từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã tăng gấp bốn lần, chiếm 8% số xuất bản khoa học toàn cầu; mức tăng trưởng này chỉ đứng sau Trung Quốc.
Báo cáo của Clarivate, dựa trên cơ sở dữ liệu thư mục Web of Science, ghi nhận "sự tăng trưởng tương đối vượt trội" của các bài báo từ Trung Đông và Bắc Phi, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran cũng như các cuộc xung đột bạo lực ở Iraq và các nơi khác.
Đại học Công nghệ Sharif, Iran, một đơn vị xuất bản khoa học lớn của nước này.
Báo cáo của Clarivate bao gồm 19 quốc gia trải dài từ Ma-rốc đến Iran. Nhưng vào năm 2019, năm gần đây nhất mà báo cáo tính đến, 80% trong số 150.000 bài báo trong năm của các học giả trong khu vực chỉ đến từ 6 nước: Ai Cập, Iran, Israel, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia.
Trong 4 năm, từ 2015 đến 2019, Iran dẫn đầu khu vực với "tổng sản lượng" 188.163 bài báo khoa học; từ năm 2000 đến năm 2019, số bài báo khoa học hằng năm của Iran đã tăng gấp 30 lần. (Đã có báo cáo về mua bán bài báo khoa học và bình duyệt giả liên quan các bài báo của các tác giả Iran; nhưng nghiên cứu của Clarivate ghi nhận những nỗ lực của Iran trong việc khắc phục vấn đề này.)
Theo Clarivate, đa phần bài báo khoa học ở khu vực này tập trung vào phát triển bền vững.
Không chỉ tăng về số lượng, những xuất bản phẩm khoa học từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế: Năm 2019, 15 trong số 19 quốc gia trong báo cáo có điểm trích dẫn cao hơn mức trung bình của thế giới; trong khi vào năm 2000, hầu như tất cả 19 quốc gia đều có điểm trích dẫn thấp hơn trung bình thế giới.
Các nghiên cứu có sự hợp tác quốc tế ở khu vực này cũng tăng: 45% số bài báo trong năm 2019 có đồng tác giả từ các quốc gia khác, chủ yếu là các đồng tác giả từ Mỹ. (Để so sánh, tỷ lệ bài báo có tác giả quốc tế ở Tây Âu là 65%.) Nhìn chung, các bài báo có sự cộng tác như vậy cũng có xu hướng thu hút các trích dẫn cao hơn, giải thích cho sự gia tăng trích dẫn của khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Nhưng các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi lại ít hợp tác với nhau: Chỉ 5% số bài báo của họ trong năm 2019 có đồng tác giả đến từ một quốc gia khác trong khu vực.
Clarivate khuyến nghị các nước "tập trung vào các nhu cầu và ưu tiên chung" để "có thể cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực Trung Đông và Bắc Phi với phần còn lại của thế giới".
Nguồn: