Đây sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho các nghiên cứu khác về tác động của ô nhiễm không khí và điều chỉnh chính sách quản lý nhà nước về chất lượng không khí.
Để phục vụ nhu cầu biết được bất kì nơi nào đang ô nhiễm không khí với mức độ bao nhiêu, các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) do PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh dẫn đầu đã xây dựng bộ dữ liệu không gian có độ phân giải cao về ô nhiễm không khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Họ đã kết hợp với dữ liệu ảnh vệ tinh và dữ liệu mặt đất trong giai đoạn 2016-2019, sử dụng mô hình học máy thống kê để phân tích, ước tính và trực quan hóa nồng độ chất ô nhiễm PM2.5 (bụi mịn với đường kính động học nhỏ hơn 2.5 micromet (PM2.5) là chất ô nhiễm được quan tâm nhiều nhất do chúng gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như đến hệ thống khí hậu) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là một trong những bản đồ đầu tiên của Việt Nam trình bày rõ nét nồng độ ô nhiễm không khí trên diện rộng.
Nồng độ bụi PM2.5 tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa
Bản đồ chỉ ra rằng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 trên cả nước biến thiên từ 6,19 - 37,7µg/m3. Khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dân cư, nhà máy hoặc khu công nghiệp. Đồng bằng sông Hồng là nơi có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất. Nồng độ này giảm dần ở một phần duyên hải miền Trung và một phần tại đồng bằng sông Cửu Long.
Từ dữ liệu nồng độ toàn quốc này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ thứ hai về nồng độ PM2.5 có tính đến trọng số dân số cấp tỉnh/thành. PGS.TS. Nguyễn Nhật Thanh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết vì mật độ dân số ở mỗi địa điểm khác nhau, có những nơi nhiều diện tích tự nhiên không người sinh sống nhưng còn có những nơi dân cư đông đúc, nên nếu tính nồng độ PM2.5 trung bình theo cách cộng vào chia đều sẽ ra giá trị rất nhỏ. Do vậy, họ đã gán các giá trị trọng số cao ở khu vực đông dân và trọng số thấp ở nơi ít người sinh sống để tính nồng độ PM2.5 trung bình của mỗi tỉnh thành.
Khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao, tập trung nhiều dân cư, nhà máy hoặc khu công nghiệp. Đồng bằng sông Hồng là nơi có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất. |
Dải nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm ở các tỉnh, thành phố biến thiên từ 6,19 - 37,7µg/m3. Số liệu bản đồ chỉ ra rằng, trong suốt một năm, một đứa trẻ sinh sống ở Hà Nội tiếp xúc với nồng độ bụi cao hơn 30% so với một đứa trẻ ở TP.HCM và hơn 50% so với một đứa trẻ ở Đà Nẵng. Điều này gióng lên những hồi chuông cảnh báo về bất bình đẳng trong việc tiếp cận không khí sạch. Với cùng một điều kiện thu nhập gia đình và học tập cơ bản, những đứa trẻ ở địa điểm khác nhau đã phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe khác nhau vì hít thở không khí bị ô nhiễm.
Số liệu từ bản đồ này đã được nhóm nghiên cứu từ trường ĐH Y tế Công cộng sử dụng để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tử vong vì ô nhiễm không khí cho Hà Nội, dự kiến công bố vào tháng 3/2021, và đánh giá gánh nặng bệnh tật do tử vong cho toàn Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 có trọng số dân số theo tỉnh/thành phố, phân chia theo ba miền Bắc - Trung - Nam. Nguồn: FIMO*
*Bản đồ này do Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường (FIMO), thuộc Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Cộng đồng và Môi trường (Live&Learn) trong dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Nguồn ô nhiễm chính của Hà Nội là phát thải tại chỗ
So với tiêu chuẩn QCVN 05:2013, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của Hà Nội đã cao gần gấp rưỡi. Chỉ số nồng độ bụi PM2,5 tại các quận nội thành và thị trấn/huyện ngoại thành có sự chênh lệch rõ rệt. Ở các quận nội thành, chỉ số này dao động trong khoảng 37,1 - 38,4-g/m3, cao nhất tại Hoàn Kiếm và thấp nhất tại Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Trong khi đó, giá trị này tại các huyện ngoại thành biến thiên trong khoảng 28,8 -35,8-g/m3. Kết quả này thể hiện rõ sự ảnh hưởng của mật độ dân cư đến sự phân bố không gian của bụi PM2,5. Dựa trên các định luật vật lý và khí tượng, từ bản đồ các nhà khoa học có thể nhận định rằng “nguồn ô nhiễm chính của Hà Nội là phát thải tại chỗ”.
Xác định nơi ô nhiễm nhất
“Mặc dù đơn giản nhưng bản đồ này lại cực kỳ hữu dụng”, PGS. TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp tại Khoa Môi trường, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhận xét.
Bản đồ đã xếp hạng các tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm từ cao đến thấp, trong đó có 18/63 tỉnh thành vượt quá tiêu chuẩn 25µg/m3 được quy định trong QCVN 05:2013. Chúng được coi là những tỉnh thành bị ô nhiễm bụi PM2.5, bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên,Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM và Bình Dương.
Từ trước đến nay, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nóng ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên dữ liệu bản đồ cho thấy ô nhiễm bụi PM2.5 cũng xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác với mức độ trầm trọng không kém.
Có những khu vực cấp bách cần phải nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ. 18 tỉnh vượt ngưỡng sẽ phải gồng mình trong nhiều năm tới để kéo mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 xuống dưới ngưỡng luật định. Các tỉnh sát ngưỡng như Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên hay Tây Ninh mặc dù có thể tạm thời an tâm hít thở bầu không khí sạch nhưng vẫn cần tiếp tục triển khai các biện pháp duy trì để giữ nguyên vị trí.
Kết quả nghiên cứu này cũng là một trong những dữ liệu sử dụng trong Báo cáo Chỉ số Hiệu quả môi trường cấp tỉnh Việt Nam năm 2020 (EPI), dự kiến công bố vào tháng 3/2021.
Theo PGS.TS. Vũ Thành Ca, bản đồ ô nhiễm bụi PM2.5 cho ta những dự đoán ban đầu về nguồn ô nhiễm môi trường không khí. Theo định luật nhiệt động lực học, chất ô nhiễm ở nơi có nồng độ cao sẽ được vận chuyển đến nơi có nồng độ thấp hơn nhằm san bằng sự khác biệt. Nhìn vào Hà Nội, nơi các quận trung tâm có nồng độ PM2.5 cao hơn hẳn những quận ngoại thành, khó có khả năng phần lớn chất ô nhiễm được vận chuyển từ bên ngoài vào và tích tụ tại trung tâm thành phố. Do vậy, nguồn ô nhiễm chính của Hà Nội là phát thải tại chỗ.
Từ kết luận sơ bộ đó, chính quyền có thể điểm mặt những nguồn phát thải ở trung tâm thành phố để có những dự đoán ban đầu về nguồn. “Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý tiết kiệm rất nhiều trong việc xác định đâu là nguồn gây ô nhiễm chính. Trên cơ sở đó, họ có thể tham khảo một số ý kiến của các nhà khoa học để xây dựng các hành động phù hợp, nhanh chóng giảm phát thải trong thời gian ngắn hơn với kinh phí nhỏ hơn”, PGS.TS. Vũ Thành Ca cho biết.
Ngoài bản đồ nồng độ PM2.5 toàn quốc, trước đó nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh cũng xây dựng bản đồ mật độ NO2 cho Việt Nam từ ảnh vệ tinh Sentinel. Tương tự bản đồ PM2.5, bản đồ NO2 cũng đưa ra những chỉ dấu tham khảo để xác định khu vực nào có nồng độ NO2 cao, từ đó giúp xây dựng và đánh giá hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu.
Phương pháp quan trắc từ trên cao này đã được sử dụng phổ biến trong những báo cáo, nghiên cứu quốc tế về ô nhiễm không khí. Tuy đạt được lợi thế độ phủ không gian, nhưng do tiếp cận với dữ liệu gián tiếp nên kết quả thu được thường có độ chính xác nhất định.
Trước câu hỏi về độ tin cậy của bản đồ, các tác giả báo cáo cho biết bản đồ nồng độ bụi PM2.5 có độ bất định thấp ở những khu vực có trạm quan trắc và bất định cao ở những khu vực không hoặc ít trạm quan trắc. Vì đặc thù khí hậu và mây che tại phía Bắc trong một số ngày khiến ảnh vệ tinh chụp được không thể sử dụng, đây cũng là yếu tố làm tăng độ bất định. Về tổng thể, sai số của dữ liệu trên bản đồ với các trạm chuẩn mặt đất vào khoảng 8,96%.
“Bên cạnh đó, phân bố không gian của bụi PM2.5 ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hoàn hiện nghiên cứu để có thể đưa ra bức tranh toàn cảnh và lý giải hợp lý hơn về ô nhiễm bụi PM2.5 ở Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh chia sẻ.