Các nhà nghiên cứu đang bày tỏ quan điểm về chính sách tài trợ mới của cơ quan y sinh của Mỹ (NIH), Viện Sức khỏe quốc gia.

Nhóm nghiên cứu Đại học Thú y Purdue khi đang lấy ra một lọ thuốc của dòng tế bào từ bể chứa nitơ lỏng để sản xuất vaccine COVID-19.
Nhóm nghiên cứu Đại học Thú y Purdue khi đang lấy ra một lọ thuốc của dòng tế bào từ bể chứa nitơ lỏng để sản xuất vaccine COVID-19.

Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ mới thông báo một chính sách mới về tài trợ cho nghiên cứu để thắt chặt hơn nữa việc giám sát những “tài trợ phụ” của mình. Đó là những khoản tài trợ mà một người được xét tài trợ chính có thể trao nó cho một nhà khoa học hợp tác với họ để thực hiện nghiên cứu thay họ. Chính sách mới công bố của NIH, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/10 tới.

Theo quy định mới này, các nhà khoa học nhận tài trợ phụ sẽ phải cung cấp các bản sao tất cả các sổ ghi chép, dữ liệu và tài liệu phòng thí nghiệm có liên quan cho nhà khoa học nhận giải thưởng chính với chu kỳ vài tháng một lần. NIH cũng có quyền bảo lưu quyền yêu cầu quyền truy cập vào tài liệu hỗ trợ này như một phần trách nhiệm giám sát của mình.

Tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance, có trụ sở đặt tại thành phố New York, đã bị đặt vào tầm ngắm và quan sát một cách đặt biệt bởi đã nhận nhiều tài trợ từ NIH để nghiên cứu về các loại coronavirus. Một tài trợ phụ đã được trao cho các nhà nghiên cứu ở Viện Vi trùng Vũ Hán để nghiên cứu các loài coronavirus từ dơi hoang dã để hiểu những khả năng lây nhiễm cho người của chúng. Một phần của nghiên cứu này là tạo ra các coronavirus dơi lai, vốn đã nhận nhiều chỉ trích là nghiên cứu “làm gia tăng những chức năng nguy hiểm”. (cơ sở của ứng dụng tài trợ cho EcoHealth, được NIH xác định là nghiên cứu này không hề rủi ro).

Trao đổi với Nature, các nhà nghiên cứu lo ngạirằng sự thay đổi về chính sách tài trợ phụ của NIH sẽ tác động tiêu cực đến hợp tác quốc tế; các nhà nghiên cứu nước ngoài có thể từ bỏ quan hệ đối tác vì các yêu cầu từ NIH. Sheela Shenoi, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, cho biết chính sách này rất “nặng nề” và tỏ rõ sự thiếu tôn trọng đối với các nhà nghiên cứu quốc tế. “Điều đó có thể khiến người ta cho là các nhà nghiên cứu quốc tế cần phải được giám sát thêm - bởi họ không có khả năng thực hiện nghiên cứu của riêng mình một cách chặt chẽ và hiệu quả”.

Trong khi đó, Amanda Fine, một nhà phát ngôn của NIH ở Bethesda, Maryland, phản hồi về việc xử lý khoản trợ cấp EcoHealth của họ. Khi lần đầu tiên tài trợ cho EcoHealth, NIH đã hướng dẫn tổ chức này báo cáo mọi bằng chứng về khả năng lây truyền hoặc độc lực không mong muốn của các loại virus lai. Tuy nhiên, báo cáo tiến độ từ EcoHealth đã bị trễ hai năm do vấn đề trục trặc kỹ thuật và thông tin bị sai lệch.

Vào năm 2020, NIH đã tạm dừng tài trợ cho EcoHealth nhưng sau đó lại ra thông báo là sẽ khôi phục khoản tài trợ nếu EcoHealth có thể đáp ứng một số điều kiện nhất định của mình, trong đó bao gồm cả việc cung cấp sổ ghi chép trong phòng thí nghiệm của Viện Vi trùng Vũ Hán. Do một phần là EcoHealth không thể đáp ứng mong đợi này của NIH nên vào tháng 8/2022 thì NIH đã chấm dứt hoàn toàn tài trợ phụ dành cho Viện Vi trùng Vũ Hán.

Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth, đã phản hồi quyết định này của NIH, ông cho rằng chính sách mới về các tài trợ phụ có thể gây ra những hệ quả khôn lường, thậm chí có thể đi ngược lại sứ mệnh của mình. “Điều này có thể dẫn đến việc một số quốc gia cắt đứt hợp tác với các nhà khoa học Mỹ hơn là giao nộp các sổ sách ghi chép phòng thí nghiệm của mình”, ông nói. “Điều này có thể làm suy yếu những phản hồi đại dịch của Mỹ ở thời điểm khi chúng ta cần phát triển những mối quan hệ đối tác trong những vùng mà đại dịch tiếp theo dường như sẽ xảy ra”.

Những tiếng nói lo ngại

Các nhà nghiên cứu đã cáo buộc sự tập trung của chính sách mới vào những nhà khoa học nước ngoài hưởng tài trợ phụ. Stefano Bertuzzi, chief executive của Hội Vi sinh vật Mỹ ở Washington DC, cho biết ông ủng hộ trách nhiệm giải trình và giám sát các khoản tài trợ phụ nhưng ông “đặt câu hỏi tại sao chỉ có các nhà khoa học nước ngoài mới bị tập trung chú ý”.

Một nhà vi trùng học ở Brazil, yêu cầu giấu tên vì sợ có thể tổn hại đến cơ hội nhận được tài trợ của mình, cho rằng chính sách này có thể tạo thêm một lớp giám sát quan liêu, vốn được tạo ra với mục đích chính trị chứ không phải khoa học.

Thêm vào lo ngại về mối quan hệ hợp tác quốc tế, Gerald Keusch, giám đốc Phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm mới nổi quốc gia ở ĐH Boston, Massachusetts, người đứng đầu các nhà khoa học phản đối việc chấm dứt tài trợ cho EcoHealth vào năm 2020, cho biết là chính sách mới tạo ra gánh nặng hành chính trong khi lại không cung cấp thêm kinh phí để đáp ứng các yêu cầu mới.

Tuy nhiên không phải mọi nhà nghiên cứu đều nghĩ chính sách này là vô lý. David Relman, một nhà vi sinh vật học ở Đại học Stanford, California, cho rằng nó sẽ giúp giải quyết được những lo ngại mà “những kỳ vọng và tiêu chuẩn của Hoa Kỳ về khả năng tái lặp lại và tính minh bạch của nghiên cứu không được chia sẻ ở những nơi khác trên thế giới”. Dẫu vậy thì ông cũng vẫn lo ngại, quy định mới có thể ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế và lo lắng không rõ yếu tố nào trong cuốn sổ ghi chép ở phòng thí nghiệm cần được chia sẻ. Ông kêu gọi NIH làm rõ điều khoản này và thông báo rõ ràng cho cộng đồng nghiên cứu về động cơ và mục tiêu của chính sách.

Nhà virus học Brazil cho biết sự mơ hồ trong chính sách có thể cho thấy nó sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý ở một số quốc gia. Anh chỉ rõ là nhiều nhà nghiên cứu làm việc trong một số dự án nghiên cứu nhận được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau và một số quốc gia bảo vệ cẩn thận dữ liệu, ví dụ là dữ liệu đa dạng sinh học ở Brazil. Tất cả những điều này sẽ thật khó tách biệt.

Được biết, NIH đang tiếp nhận ý kiến ​​phản hồi về chính sách mới cho đến ngày 26/6, nhưng không cho biết rõ là liệu họ có sửa đổi chính sách dựa trên phản hồi hay không. Fine nói: “Những thay đổi này đã được thực hiện, chúng không được đề xuất”.