Trong các thảo luận về việc một số giảng viên ghi địa chỉ khác với đơn vị công tác của mình trong bài báo khoa học, dễ nhận thấy nổi lên hai hướng tiếp cận chính là liêm chính khoa học và mua bán bài mà thiếu góc nhìn tổng quát về quản trị tri thức.

Tri thức và tài năng là những ‘hàng hóa’ không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại. Ảnh minh họa: INT
Tri thức và tài năng là những ‘hàng hóa’ không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại. Ảnh minh họa: INT

Gần đây, sự việc PGS.TS. Đinh Công Hướng công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế mà không đứng tên đơn vị công tác Trường Đại học Quy Nhơn gây tranh cãi lớn trên khắp các mặt báo.

Dù thuộc diện ủng hộ hay phản đối, không khó để thống kê rằng hai từ khóa hay hai hướng tiếp cận chính về sự việc này là: liêm chính khoa học và mua bán bài.

Trong đó, cách tiếp cận liêm chính khoa học nhấn mạnh vào đạo đức nghề nghiệp (professional ethics) của bản thân giảng viên/nhà khoa học khi hành động của anh đã có những sai khác nhất định với các bản quy tắc đạo đức (code of ethic) được thiết lập như một luật bất thành văn của cộng đồng khoa học.

Cách tiếp cận này thường được tham chiếu thêm từ kinh nghiệm của các giảng viên Việt Nam từng có thời gian học tập và làm việc ở môi trường Âu Mỹ. Tuy vậy đến nay tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa công bố các bản quy tắc đạo đức trong công bố khoa học của riêng mình, dựa trên tham chiếu tình hình thực tiễn và văn hóa làm việc đặc thù của đại học Việt Nam. Việc yêu cầu nhà khoa học phải liêm chính theo các nguyên tắc vẫn chưa được văn bản hóa là điều khó thực hiện.

Cách tiếp cận thứ hai: mua bán bài báo dựa trên giả định rằng sự việc này có yếu tố thương mại, vì vậy nó phải được điều chỉnh bởi pháp lý về kinh doanh. Cách tiếp cận này phân tích các chính sách ghi đơn vị của tạp chí nhận đăng, về nghĩa vụ trên hợp đồng của người lao động đối với cơ quan chủ quản trong thế xung đột với đơn vị được hưởng lợi từ việc đăng bài. Mở rộng hơn nữa, cách tiếp cận này chỉ ra những thiệt hại lâu dài cho cả đơn vị chủ quản, đơn vị “mua” bài báo lẫn toàn thể xã hội bởi các giá trị “ảo” của sự tăng hạng tới từ các trường mua bài thay vì đầu tư nội lực để có thêm bài công bố quốc tế.

Nhìn chung, cả cách tiếp cận từ đạo đức và thương mại đều xoáy sâu vào bản thân sự vụ/cá nhân hoặc các đơn vị liên quan trực tiếp thay vì đưa ra một giải pháp: cơ chế, nền tảng nào để giảng viên có thể chuyển giao tri thức một cách thuận lợi nhất thay vì bị gán vào “mua bán” mập mờ.

Bài công bố quốc tế chỉ là hình thức sản phẩm của tri thức. Khi thế giới bước vào kỷ nguyên của kinh tế tri thức thì vấn đề không phải sa lầy vào tranh cãi đúng sai về trao đổi, giao dịch, chuyển giao một vài sản phẩm tri thức mà phải là nền tảng nào giúp tối ưu hóa việc phân phối sản phẩm tri thức để cả nền kinh tế tri thức cùng được thụ hưởng.

Ben Wildavsky, trong cuốn Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại, nghiên cứu về lịch sử dòng chảy tri thức giữa các đại học từ khởi nguyên tới giai đoạn toàn cầu hóa, đã khẳng định rằng: Nếu như giới hạn thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như cản trở tính sáng tạo kinh tế, thì đóng cửa đối với dòng chảy tự do của con người và ý tưởng là cản trở sự tạo ra tri thức hay máu thịt của những thành công kinh tế. Tri thức và tài năng là những ‘hàng hóa’ không thể giam hãm hay đóng kín mà không gây thiệt hại. Phải làm sao để có sự trao đổi nhiều hơn, có nhiều ‘hàng hóa’ hơn.

Trong bối cảnh sự việc cụ thể của PGS.TS. Đinh Công Hướng, chúng ta đang thiếu góc nhìn về quản trị tri thức sao cho tri thức có thể đem lại cả lợi ích vật chất lẫn tinh thần cho các bên liên quan, từ đó tạo “lợi ích dương” cho toàn xã hội, thay vì cách tiếp cận “tổng bằng 0” (người này được lợi thì người khác phải thiệt) như hiện nay.

Điển hình, để tạo ra “lợi ích dương”, các trường có nhân lực và các trường có tiềm lực tài chính có những cơ chế phối hợp minh bạch để cùng sở hữu các nghiên cứu có chất lượng cao (đủ tiêu chuẩn công bố quốc tế). Cũng trong cuốn sách trên, Wildavsky chỉ ra rất nhiều ví dụ ở cấp liên quốc gia như năm 2008, Hàn Quốc đưa ra một ‘chương trình các đại học đẳng cấp thế giới’ với quỹ 800 triệu USD cho 5 năm nhằm ‘nhập khẩu’ các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, với đa dạng các cơ chế hợp tác và thường trên cơ sở bán thời gian. 1.000 nhà khoa học đã nộp đơn trong mười tháng đầu, trong đó 40% từ Mỹ, bao gồm cả những nhà khoa học đoạt giải Nobel. Hàn Quốc đã thành công khi những nhà khoa học này sẽ xây dựng các chương trình nghiên cứu chuyên ngành, hoặc các ngành khoa học mũi nhọn mới, đóng góp cho sự phát triển thần kỳ về công nghệ của họ ngày nay.

Điều đáng tiếc nhất ở sự việc của PGS.TS. Đinh Công Hướng, theo tôi, là thiếu vắng tiếng nói của các nhà quản trị, không phải để phán quyết một sự việc, mà để hướng tới các cơ chế sao cho vừa phát triển được cá nhân các nhà khoa học xuất sắc, vừa để lưu thông tri thức xuyên suốt hệ thống đại học. Những thông điệp kiểu đối chọi đúng sai sẽ khó giúp nền kinh tế tri thức còn nhiều chập chững của chúng ta tiến xa trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt để giành giật “dòng chảy chất xám vĩ đại”.



Ngày 31/10, PGS.TS. Đinh Công Hướng, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, thành viên Hội đồng ngành Toán, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia NAFOSTED giai đoạn 2022-2024, đã có đơn đề nghị xin được rút khỏi Hội đồng, sau khi có phản ảnh về việc ông công bố nhiều bài báo quốc tế nhưng ký tên trường đại học khác với nơi công tác.

Cụ thể, theo phản ảnh, ông có 13 công trình đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường ĐH Thủ Dầu Một trong thời gian ông là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định).

Theo PGS.TS. Đinh Công Hướng, ông đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường trên vì Trường ĐH Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường. Bản thân ông liên tục thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường trong nhiều năm liền.

Chiều 8/11, Quỹ NAFOSTED công bố Hội đồng khoa học ngành Toán đã xem xét đề nghị của PGS.TS Đinh Công Hướng và thống nhất kiến nghị Quỹ để ông thôi không tham gia Hội đồng, sau khi thảo luận các khía cạnh liên quan đề nghị của ông, và đối chiếu với Quy định về liêm chính nghiên cứu đối với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ do Quỹ tài trợ.

Quỹ cho biết, căn cứ kiến nghị của Hội đồng khoa học ngành Toán, Quỹ sẽ tiến hành các thủ tục để PGS.TS. Đinh Công Hướng thôi không tham gia Hội đồng nhiệm kỳ 2022-2024 theo quy định; đồng thời khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc đảm bảo liêm chính nghiên cứu trong hoạt động KH&CN, góp phần tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế tại Việt Nam.