Tinh thần chính phủ kiến tạo vì doanh nghiệp
Triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 - là những hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được đổi mới thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN; ban hành thông tư 02/TT-BKHCN - có hiệu lực từ ngày 15/5/2017 - trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thông tư 02 là điểm tháo gỡ mạnh cho các tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Sau khi nhận khai báo thông tin, trong thời gian 1 ngày làm việc, cơ quan chuyên ngành xác nhận tổ chức, cá nhân đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký của tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan chuyên ngành cho cơ quan hải quan để được phép thông quan hàng hóa.
Kiểm tra chất lượng vàng tại một doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hải Yến
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đã đánh giá rất tích cực về sự đổi mới này: “Quy định đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh, giảm bớt thời gian, chi phí và cũng tạo điều kiện cho họ ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp cũng cảm nhận được sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý. Điều này thể hiện sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp theo đúng tinh thần chính phủ kiến tạo vì doanh nghiệp, vì sự phát triển kinh tế”.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng khi chi phí và thời gian thông quan hàng hóa giảm, nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng đều được lợi. Khi hàng hóa là các vật liệu sản xuất được thông quan nhanh, quá trình sản xuất của doanh nghiệp sẽ được diễn ra thuận lợi hơn. Nhờ đó, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận nhanh các sản phẩm với giá thành thấp.
Hậu kiểm chứ không buông lỏng
Mặc dù chuyển sang chế độ hậu kiểm song thông tư 02 cũng quy định các tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá và bảo đảm hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cáo cơ quan chuyên ngành, đồng thời tổ chức xử lý, thu hồi lượng hàng hóa này theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KH&CN - nhận định, thời gian kiểm tra chuyên ngành giảm tối đa không có nghĩa là doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về sản phẩm hàng hóa của mình: “Tôi cho rằng đây không phải là sự dễ dãi trong quá trình kiểm tra nhập khẩu mà là tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp nhất cho doanh nghiệp thực thi các quy định của pháp luật. Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng chỉ ra một số lo ngại: Hiện danh mục quá rộng, nhiều sản phẩm, hàng hóa quy định trong danh mục nhưng không có quy chuẩn Việt Nam hoặc không có biện pháp quản lý. Cùng một sản phẩm, hàng hóa nhưng hiện doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều cơ chế quản lý khác nhau của các luật khác nhau như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thương mại, Luật Hóa chất... Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan khi thực hiện.