Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ước tính con số này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tạo thuận lợi cho điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Hai mũi nhọn của Bộ Khoa học và công nghệ
Sáng 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc cùng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn và sở hữu trí tuệ tại 2 đơn vị là Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC).
Phó Thủ tướng thăm phòng kiểm định thiết bị điện, điện tử tại Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Ảnh: Loan Lê
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết 19, Tổng cục đã và đang tập trung khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại; bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo phù hợp với các quy định của hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành được triển khai trong thời gian qua.
Ví dụ, đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng đã giảm so với trước (từ trung bình 23 ngày xuống còn 1,26 ngày đối với nhóm sản phẩm LPG và cao nhất là 11,4-17,06 ngày với nhóm sản phẩm điện - điện tử).
Về lĩnh vực SHTT, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nêu: Hiện hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, qua đó đã đảm bảo việc tiếp nhận và cơ bản xử lý khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh thẳng thắn, nếu đúng như kỳ vọng đặt ra thì hoạt động SHTT và TĐC vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cũng đồng tình và cho rằng đây là hai mũi công mà Bộ KH&CN cần tập trung trong thời gian tới, trong đó việc rà soát công bố hợp chuẩn, hợp quy; tập trung nguồn lực, tháo gỡ những khó khăn hiện tại để hoạt động SHTT đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế đặt ra.
Quyết giảm thủ tục xuống còn 10 ngày
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các bộ liên quan gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương… nêu ý kiến. Theo đó, các ý kiến đều thống nhất việc kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu hiện nay số ngày vẫn còn dài (14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu).
Đồng tình việc cải cách thủ tục hành chính là cần thiết, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các bộ cần rà soát để cân đối hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như đảm bảo an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những cố gắng của Bộ KH&CN trong thời gian qua trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý KH&CN, TĐC, SHTT, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp… đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN là đầu mối cùng trao đổi với Bộ Công Thương - trên góc độ phụ trách để rà soát lại, mục tiêu cuối cùng là giảm số ngày chờ đợi cho doanh nghiệp.
“Các bộ sẽ ngồi lại với nhau cùng rà soát và thống nhất, sau đó tôi sẽ cùng thảo luận để khẩn trương tìm điểm tháo gỡ. Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp muốn là giảm ngắn số ngày làm thủ tục, đồng nghĩa với đó là giảm được chi phí cho họ” - Phó Thủ tướng nói.
Theo đó, tiêu chí được Phó Thủ tướng đề nghị giảm từ 14 ngày hiện nay xuống còn 10 ngày và kêu gọi các bộ cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định Bộ KH&CN sẽ bám sát tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng để thực hiện và khẩn trương sửa đổi tạo hành lang pháp lý.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục TĐC trước mắt ưu tiên các hoạt động, rà soát lại để tìm ra giải pháp trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 quy định các bộ: Tài chính, Công Thương, KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành (cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ xuất, nhập khẩu); sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa... |