Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Ngày 6/4 tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TPHCM, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức hội nghị phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại.
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cần phải đẩy mạnh hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết quốc tế trong các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành cũng cần phải rà soát và sửa đổi để đạt được tính thống nhất trong việc thực thi, tránh trùng lắp gây phiền hà, khó khăn cho DN.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đi lại và nhũng nhiễu đối với DN. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về tác động của các hiệp định thương mại tự do, để DN nắm rõ. Việc tuyên truyền cần phổ biến theo hiệp hội, từng ngành hàng cụ thể.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cũng cho rằng, tạo thuận lợi thương mại cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng. Ví dụ: Việc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa không chỉ có mình cơ quan hải quan mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan khác thì việc thông quan mới nhanh được.
Cũng theo ông Thắng, bên cạnh việc liêm chính và minh bạch của các cơ quan thực thi pháp luật, DN cũng cần phải liêm chính, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên chuyên trách nắm vững các Luật, quy định để cán bộ thực thi công vụ không thể bắt bẻ và nhũng nhiễu, giải quyết các hồ sơ thủ tục thông quan hàng hóa được nhanh chóng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn cao cấp của VTFA tại TPHCM cho rằng, để đạt được mức thuế ưu đãi tốt nhất cho hàng hóa dưới các hiệp định thương mại tự do như TPP và FTA Việt Nam-EU, các DN cần thực hiện phân tích từng sản phẩm, quy trình sản xuất và nguyên liệu để xác định tình trạng của hàng hóa theo quy tắc cụ thể của từng hiệp định.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước nhằm xác định các cơ hội cho DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, theo ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam tại TPHCM, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu và xác định đầu tư tối ưu về hạ tầng logistics cần thiết để tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với cả hàng hóa xuất khẩu cũng như nhập khẩu.
Chẳng hạn, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cảng Cát Lái nhằm trung chuyển hàng hóa tới các cảng khác trong khu vực thì cần xây dựng cảng Cái Mép thành cảng quốc tế lớn, là nơi trung chuyển hàng hóa cho các nước trong khu vực cũng như hàng hóa từ cảng Cái Mép có thể vận chuyển đến bờ Tây của Hoa Kỳ, để có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN.