Việc Bộ KH&CN tổ chức hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp chiều 13/7 để giới thiệu báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2017 được đánh giá là một minh chứng cho ý nghĩa và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với đời sống.
Hội thảo có sự tham dự của ông Dương Chí Dũng - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ; ông Andrew Michael Ong - Giám đốc Văn phòng Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); ông Sacha Wunsch Vincent - chuyên gia cao cấp của WIPO cùng đại diện các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chức năng liên quan của Bộ KH&CN.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ mong muốn cùng các chuyên gia của WIPO, các bộ, ngành và địa phương làm rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu từ kết quả xếp hạng chỉ số GII năm 2017 và xác định các vấn đề đặt ra để tiếp tục cải thiện các chỉ số. Đây sẽ là cơ sở giúp các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19-2017.
Ông Hoàng Minh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN - giới thiệu về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016.
Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được. Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đã đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.
Kết quả trên cho thấy, cả hai nhóm chỉ số đầu vào và đầu ra về đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2017 đều tiến bộ vượt bậc so với năm 2016. Nhóm chỉ số đầu vào tăng 8 bậc, trong đó hầu hết các nhóm chỉ số đều tăng bậc: Thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng tăng và trình độ phát triển của thị trường tăng bậc. Nhóm chỉ số đầu ra tăng 4 bậc, trong đó đầu ra về tri thức và công nghệ đều tăng bậc. Các tiến bộ về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng rõ nét trong 5 năm gần đây.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định thành tích này là kết quả sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc tích cực cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo trong suốt thời gian qua. Sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong nhiều lĩnh vực cũng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Làm thế nào để Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong những năm sau là câu chuyện cần bàn và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn các bộ ngành, chuyên gia cùng chung tay để giúp Việt Nam khắc phục những điểm còn hạn chế. Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh các chỉ số về bảo hiểm xã hội, nộp thuế...
Đánh giá cao kết quả mà Việt Nam đạt được cũng như cách mà Việt Nam cùng nhau thảo luận tìm giải pháp cải thiện thứ hạng, ông Sacha Wunsch-Vincent - chuyên gia cao cấp của WIPO - cho rằng đây chính là cơ hội vàng cho Việt Nam.
"Đáng chú ý là Việt Nam nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp song lại đạt thứ hạng cao. Đây là một kết quả đáng khích lệ" - ông Sacha Wunsch-Vincent nói và tán thưởng việc Bộ KH&CN - với vai trò là cơ quan đầu mối - đã ngay lập tức vào cuộc để thúc đẩy việc cải thiện các chỉ số mà mỗi bộ, ngành đã được Chính phủ phân công cụ thể.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, việc Bộ KH&CN tiến hành hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp là một minh chứng cho ý nghĩa và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với đời sống. Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì tăng trưởng ổn định về thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII hằng năm. Ông đề xuất lập diễn đàn để các nước/nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, rút ra các bài học để tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia/nền kinh tế.
Đại sứ cũng kiến nghị Nhà nước nên tổ chức các chuyến nghiên cứu, khảo sát hoặc thiết lập khuôn khổ hợp tác song phương với các tổ chức quốc tế như WIPO và các nước có thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng GII nhằm học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, qua đó tranh thủ sự giúp đỡ họ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết về từng chỉ số GII; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chung cho các bộ, cơ quan và địa phương; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ thực hiện, hướng dẫn trực tiếp tại một số bộ, ngành, địa phương; phối hợp với chuyên gia WIPO và các tổ chức quốc tế để học hỏi về phương pháp và giải pháp cải thiện chỉ số GII”.
Nghị quyết 19/2017 về “tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020” của Chính phủ có nhiều điểm mới, lần đầu tiên đưa vào nội dung cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo với 82 chỉ số thành phần, qua đó gián tiếp khẳng định ý nghĩa của Chỉ số GII. Ngoài việc phản ánh hiện trạng phát triển của nền kinh tế, chỉ số này còn nói lên tiềm lực phát triển của mỗi quốc gia trong dài hạn, với rất nhiều thông số tham chiếu có tính hệ thống, toàn diện và khách quan.
Ngay sau khi Nghị quyết 19-2017/NQ-CP được ban hành, Bộ KH&CN đã khẩn trương phối hợp với chuyên gia của WIPO để tổ chức hội thảo hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về Chỉ số GII (ngày 22/3/2017). Bộ KH&CN cũng đã khẩn trương xây dựng Tài liệu hướng dẫn về định nghĩa, cách tính toán và nguồn dữ liệu của các chỉ số GII gửi các bộ, cơ quan, địa phương vào ngày 31/3/2017 (Công văn số 970/BKHCN-VCLCS). Bộ KH&CN đã gửi công văn số 2252/BKHCN-VCLCS ngày 10/7/2017 tới từng địa phương để hướng dẫn phối hợp với các bộ, cơ quan để triển khai cải thiện từng chỉ số; tích cực đôn đốc một số bộ và đơn vị thuộc Bộ KH&CN để thống kê, thu thập thông tin và gửi các tổ chức quốc tế liên quan để WIPO và các tổ chức đồng tác giả có căn cứ xác thực trong đánh giá, xếp hạng GII năm 2017, đặc biệt là các dữ liệu liên quan tới nghiên cứu và phát triển và sở hữu trí tuệ. |