Cho rằng ngành vi mạch đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, Giáo sư - tiến sỹ Đặng Lương Mô - đánh giá mục tiêu của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM còn quá khiêm tốn.
Thưa Giáo sư, ông có nhận định gì về vai trò của công nghiệp vi mạch đối với sự phát triển kinh tế?
Ngành vi mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Nhật Bản, từ nhiều năm trước, đây là thành phần quan trọng nhất của công nghiệp điện tử. 30 năm trước, Nhật Bản chiếm 1/2 giá trị của ngành vi mạch thế giới, nền công nghiệp điện tử Nhật Bản phát triển ngang với công nghiệp ôtô; thu nhập, đóng góp cho GDP của ngành vi mạch tương đương với ngành ôtô. Hàn Quốc khi quyết định công nghiệp hóa đất nước cũng chọn vi mạch và ôtô làm mục tiêu trọng điểm.
Vi mạch là ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) “tổng hợp” quy tụ nhiều môn. Do đó khi công nghiệp vi mạch phát triển, các ngành khác cũng phát triển. Việt Nam cũng sẽ như vậy, sự phát triển của công nghiệp vi mạch sẽ kéo theo sự phát triển của một số ngành khác và của KH&CN. Trong thỏa thuận hợp tác mà Bộ KH&CN và UBND TPHCM ký kết gần đây có nội dung phát triển công nghiệp vi mạch.
Giáo sư nhận định như thế nào về việc phát triển ngành này ở TPHCM?
Việt Nam đã có hướng phát triển ngành vi mạch ngay sau khi thống nhất đất nước. Giống như xây kim tự tháp, việc quản lý hay phát triển ngành nào cũng phải bảo đảm từ phần đáy, đáy phải vững để giữ vững cái đầu nhọn sắc bén. Thỏa thuận hợp tác được ký kết vừa qua cho thấy TPHCM và Bộ KH&CN quyết tâm thực hiện chương trình phát triển vi mạch.
Giáo sư - tiến sỹ Đặng Lương Mô. Ảnh: Vân Ly
Tôi đánh giá rất cao sự quyết tâm này vì nó mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi cần xem lại chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020 được phê chuẩn năm 2012, bởi nền công nghiệp vi mạch đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua. Các mục tiêu của chương trình đều cần được xem xét lại.
Mục tiêu ban đầu trong dự án tiền khả thi nhà máy chế tạo vi mạch của Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn nộp cho Sở KH&CN thẩm định là tập trung vào công nghệ 180 nanomét; khi đưa vào chương trình được sửa là 180/130 nanomét. Cả hai mục tiêu này đều quá khiêm tốn nếu không muốn nói là quá lạc hậu, bởi thế giới đang thực hiện các công nghệ từ 65 nanomét trở xuống.
Theo Giáo sư, Chính phủ Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy phát triển ngành vi mạch?
Để chuẩn bị đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải có 3 yếu tố quan trọng, bao gồm: Sáng tạo, thông minh và IoT (Internet của vạn vật). Muốn có IoT, không thể không có ngành vi mạch. Đối với Việt Nam, vi mạch gồm hai phần: Thiết kế và chế tạo. Về chế tạo, Việt Nam đã nỗ lực 10 năm nay để triển khai xây dựng nhà máy nhưng vẫn chưa làm được.
Trước mắt, chúng ta nên củng cố phần thiết kế - phần mà Việt Nam đang làm tốt, đứng trong top 3 của ASEAN. Việc lập nhà máy chế tạo trong nước rất khó khăn, thị trường trong nước không nuôi nổi một nhà máy. Trong khi đó, dựa vào đặc tính của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể không cần chế tạo mà vẫn có sự phân công rất lớn trong ngành vi mạch.
Giáo sư từng nói nếu nỗ lực, Việt Nam có hy vọng xây dựng được một nền công nghiệp hoàn chỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo ông, nền công nghiệp Việt Nam đang ở đâu?
Một nền công nghiệp hoàn chỉnh ít nhất phải đáp ứng được nhu cầu dân sinh, nghĩa là có những sản phẩm công nghiệp phục vụ tốt đời sống dân sinh, không chỉ lắp ráp mà phải tham gia từ khâu thiết kế đến tạo thành phẩm. Một nền công nghiệp hoàn chỉnh phải như kim tự tháp, tức là phải có nền công nghiệp hỗ trợ để nâng nó lên. Chúng ta phải tạo ra sản phẩm từ A đến Z. Nếu đối chiếu với các tiêu chí đó, nền công nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn tiền cơ bản, vì đến năm 2020 mới đạt cơ bản hoàn thành. Với nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng, chúng ta chưa tạo ra sản phẩm từ khâu thiết kế đến sản xuất.
Theo ông, Việt Nam nên làm gì để nền công nghiệp tận dụng được lợi thế và vượt qua thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại lợi ích rất lớn cho Việt Nam, bởi chúng ta có thể “né” được vài khó khăn cơ bản nếu tận dụng hiệu quả một số “từ khóa” mang tính quyết định như “thông minh”, “trí tuệ”, “IoT”. Khi IoT phát triển, chúng ta không nhất thiết phải sản xuất - phần việc cần đầu tư rất lớn về hạ tầng kỹ thuật và tài chính. Việt Nam chỉ cần thiết kế tốt và có thể đem sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới, nơi nào rẻ thì làm. Nếu bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 thì đây là cơ hội để Việt Nam vượt lên. Trong hành trình đó, ngành vi mạch sẽ có vai trò vô cùng lớn.
Các sản phẩm từ chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch của Trung tâm ICDREC vừa được Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ thuộc Bộ H&CN định giá 290 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm chip của ICDREC đã được ứng dụng trong: Thiết bị thu thập dữ liệu điện kế từ xa, điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình xe ôtô, hộp đen xe máy, khóa container, đầu đọc và thẻ RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ...
*Giáo sư - tiến sư Đặng Lương Mô hiện đang công tác tạiTrung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), Đại học Quốc gia TPHCM, tác giả của hơn 300 nghiên cứu và 10 bằng sáng chế.