Sáng 29/10, tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ của Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Việt Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn; Trưởng ban dân vận thành ủy Trần Quang Cảnh cùng lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quan của thành phố.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ.
Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ nằm trong Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Trung tâm nên có sự thuận lợi về giao thông khi chỉ cách đường Hồ Chí Minh 15 km, cách Sân bay Nội Bài 20 km, cách cảng Hải Phòng 110 km và cảng Quảng Ninh 180 km. Trung tâm bắt đầu được triển khai xây dựng từ tháng 12/2012, với diện tích 2,1ha, đây là khu phức hợp liên thông về khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước, đảm nhiệm các nhiệm vụ từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ.

Trung tâm được thiết kế đáp ứng cho 200 nhà khoa học làm việc tại 5 khu trong tổ hợp, gồm: Khu Phần mềm Khu Nghiên cứu và Triển khai; Khu Giáo dục và Đào tạo; Khu Dịch vụ Tổng hợp Khu Trung tâm; Khu Nhà ở kết hợp Văn phòng; Khu Giải trí và Thể dục thể thao. Trung tâm có các thiết bị nghiên cứu hiện đại trên thế giới có thể kết nối nhà khoa học tại các viện, trường và phòng thí nghiệm trọng điểm tại Thủ đô, đồng thời là nơi liên kết nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt kiều và nhà khoa học quốc tế trong các chương trình hợp tác khoa học - công nghệ.

Trung tâm có hệ thống khép kín, gồm xưởng sản xuất, các công nghệ cơ khí chế tạo; điện tử và tự động hóa; các thiết bị giám định và phân tích công nghệ. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu - chuyển giao và thẩm định trong Trung tâm rất đa dạng và được tối ưu hóa, bao gồm: Công nghệ cơ khí chế tạo, Công nghệ điện tử - tự động hóa, Công nghệ tiết kiệm năng lượng và Công nghệ môi trường. Trung tâm sẽ đồng bộ từ khâu nghiên cứu, nhập dây chuyền cho đến khâu ra sản phẩm, kết nối từ nhà khoa học đến doanh nghiệp tiêu thụ sản xuất.

Trung tâm được đầu tư có tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với mô hình nghiên cứu và sản xuất hiện đại, Trung tâm được kỳ vọng sẽ cho ra đời các thiết bị cơ khí, các sản phẩm bo mạch điện tử, điện tử viễn thông, điện tử dân dụng mang nhãn hiệu của Việt Nam. Nhiều sản phẩm phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, ngoài ra trung tâm còn đang nghiên cứu sản xuất pin năng lượng mặt trời, các sản phẩm chip LED được chế tạo theo công nghệ tiết kiệm năng lượng, chủ động về nguồn cung, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ông Trần Việt Thanh phát biểu tại Lễ khánh thành.

Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi lễ: "Trong hệ thống Sở Khoa học Công nghệ của cả nước có thể nói Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ Hà Nội là một trung tâm có cơ sở vật chất, cũng như có định hướng hoạt động nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, đưa các nghiên cứu vào thực tiễn".

"Đây là trung tâm có uy mô và hoàn chỉnh nhất trong cả nước. Đây sẽ là trung tâm có thể thực hiện những chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Đưa khoa học công nghệ thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc sách của đất nước. Sẽ là một trung tâm thật mạnh, là trung tâm của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã thay mặt lãnh đạo Thành phố, ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan được giao làm Chủ đầu tư dự án và Nhà thầu thi công đã hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ để kịp khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI. Ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định chủ trương nhất quán của Thành phố trong việc tập trung đầu tư, phát triển khoa học - công nghệ, coi khoa học công nghệ là tiền đề cho việc thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ: Nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ nhằm phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức được triển khai đồng bộ; Nhiều khu công nghệ đã và đang hình thành, phát triển với hàng nghìn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trên nhiều lĩnh của đời sống xã hội.

Các đại biểu đi thăm hệ thống máy móc hiện tại Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ.
Nhằm phát triển bền vững, với tầm nhìn lâu dài, yếu tố con người là một trong những yếu tố quan trọng được Trung tâm chú trọng đầu tư. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã thu hút được nhiều sinh viên giỏi, tâm huyết với khoa học thuộc các trường Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM… giúp cho sự phát triển lâu dài của Trung tâm.

“Chúng tôi bồi dưỡng các em nhiệt huyết tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ từ năm thứ hai cho đến khi ra trường. Khi các em tốt nghiệp thì dự án của chúng tôi bắt đầu đi vào hoạt động, chúng tôi đã có ngay đội ngũ trí thức trẻ, đam mê và tâm huyết với khoa học công nghệ. Với đội ngũ như vậy, chúng tôi tự tin hoàn toàn làm chủ hệ thống máy móc mà thành phố Hà Nội đầu tư” - ông Phạm Văn Hiệp nói.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã thông qua quyết định của UBND thành phố về đổi tên Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Công nghệ và Phân tích thành Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao và Giám định công nghệ đồng thời nêu rõ chức năng nhiệm vụ, tư cách pháp nhân, quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm...