Nhiệm vụ của các startup EdTech không chỉ dừng lại ở số hoá giáo dục, mà còn cần dùng nhiều hơn chất xám và công nghệ để gia tăng sự tương tác của cộng đồng người học trực tuyến - một yếu tố ngày càng trở nên khan hiếm.

Kiệt sức vì Zoom

Theo thống kê của Edtech Agency, đang có hơn 650 các startup EdTech hoạt động ở Việt Nam. Chắc hẳn, các startup này đều đã nhìn ra những cơ hội rộng mở của việc áp dụng công nghệ trong giáo dục, để giải quyết những thách thức vấn đề của đào tạo, thu hẹp khoảng cánh tiếp cận với cơ hội học tập cho mọi người. Covid-19 là thời điểm mang tính lịch sử để các EdTech gia nhập thị trường, và chiếm lĩnh những cơ hội tiềm năng lớn này.

Làm thế nào để giữ được tinh thần hào hứng hăng say của học sinh khi học online là bài toán mà các startup Edtech cần giải?
Làm thế nào để giữ được tinh thần hào hứng hăng say của học sinh khi học online là bài toán mà các startup Edtech cần giải?Nguồn: Kinh tế đô thị

Thông qua hoạt động đầu tư khởi nghiệp, tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều các startup EdTech, tôi nhận thấy, các startup đang có cơ hội công bằng để thắng trong thị trường này, khi mà cuộc đua mới chỉ mới bắt đầu, chưa có nhiều công ty đang thực sự chiếm lĩnh thị trường. Vì mới chỉ là điểm bắt đầu, nên tôi cũng nhận ra nhiều startup EdTech cũng đang loay hoay giải quyết những thách thức không nhỏ của nền tảng học trực tuyến, ví dụ như vấn đề gia tăng tương tác học tập, duy trì sự tập trung và động lực của học viên, hay vấn đề phải thúc đẩy hiệu quả học tập và nâng cao tỉ lệ hoàn thành khoá học.

Khi tham gia với vai trò giám khảo kiêm nhà đầu tư tại cuộc thi khởi nghiệp EdTech trong khuôn khổ Techfest 2021, tôi nhận thấy khá ấn tượng bởi chất lượng sản phẩm, cũng như độ "chín" nhất định của một startup tham gia trong cuộc thi này. Có những startup dù mới thành lập nhưng đã phục vụ hàng trăm nghìn người sử dụng là giáo viên, học sinh, tạo ra hàng triệu tương tác học tập trên nền tảng của mình.

Học trực tuyến sao cho hiệu quả là câu hỏi của nhiều người.
Học trực tuyến sao cho hiệu quả là câu hỏi của nhiều người. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc người người học online, nhà nhà làm online đã khiến chúng ta phải chứng kiến một hội chứng mới: Kiệt sức vì Zoom (Zoom fatigue). Không khó để tìm thấy nhiều bài báo chia sẻ lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của học trực tuyến lên sức khoẻ thể chất và tâm lý của học sinh, hay việc giảm sút hiệu quả học tập.

McKinsey đã có bài phân tích về vấn đề "Unfinished learning" - nói lên thực tế học sinh không có cơ hội hoàn thành việc học trong niên khoá của mình do việc nhà trường đóng cửa. Nghiên cứu này cho thấy, tác động của việc "nghỉ học" do Covid-19 lên các em học sinh K-12 (từ cấp THCS tới THPT) có thể bị thụt lùi trung bình 5 tháng học về năng lực môn Toán, và 4 tháng cho năng lực đọc. Nếu tác động này không được "bù đắp" kịp thời lại, thì những sinh viên này có thể kiếm được ít hơn 49.000 USD đến 61.000 USD trong suốt cuộc đời, từ đó có thể làm nền kinh tế Mỹ hụt 128-188 tỷ USD mỗi năm khi nhóm này gia nhập lực lượng lao động.

Báo Tuổi trẻ có bài viết: "Học trực tuyến dù khó còn hơn là dừng học" nói lên một thực tế học trực tuyến còn tồn tại những thách thức, nhưng không vì đó mà không học. Một đất nước coi trọng giáo dục như Việt Nam hẳn sẽ không bao giờ thoả hiệp với việc "dừng học" khiến cả một lứa thế hệ thụt lùi. Chúng ta chắc hẳn cũng không "đầu hàng" những thách thức của việc học trực tuyến. Vì nói gì thì nói, học tập trực tuyến đã đang và sẽ ngày càng là xu hướng của thế kỷ 21, giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách học tập nhanh nhất về cả không gian và thời gian, trong một thế kỉ mà nguồn tri thức gia tăng từng giây từng phút. Điều cần làm ở đây là không thoả hiệp với những thách thức, vấn đề của học trực tuyến, mà cần tìm cách hoàn thiện hơn nữa trải nghiệm, kết quả học tập cho học sinh.

Với mong muốn hiểu rõ hơn để san sẻ những thách thức kể trên với các nhà sáng lập startup EdTech, gần đây tôi đã đăng kí và hoàn thành một khoá học trực tuyến tên là Leading with Finance, từ trường Harvard Business School Online (HBS Online). Đây là khoá học diễn ra trong 1,5 tháng, trong lúc Sài Gòn trải qua đợt lockdown dài khốc liệt nhất. Mỗi tuần tôi dành 8 tiếng để học, ôn thi và làm bài thi. Để hoàn thành khoá học, tôi phải đạt 8/10 điểm cho mỗi bài kiểm tra của từng chương.

Đáng nói, 287 học viên tham gia cùng tôi đều chia sẻ rằng “đây là khoá học tuyệt vời nhất đã từng học”. Điều gì ở khoá học này đã khiến chúng tôi phải gật gù đồng ý như vậy? Đâu là động lực của để chúng tôi duy trì khóa học này? Tôi tin rằng những cách thức triển khai của trường Harvard sẽ là gợi ý rất tốt cho các startup EdTech Việt Nam hoàn thiện dịch vụ và trải nghiệm học trực tuyến.

Nội dung học độc đáo là Vua

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, chúng ta đang ở trong thời kì "Post-content age"- thời kì mà những nội dung học tập cơ bản không còn khan hiếm như thập kỉ trước.


Khóa học của trường Harvard cho học viên cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia trong lĩnh vực họ đang theo học để lắng nghe những chia sẻ thực tế
Khóa học của trường Harvard cho học viên cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia trong lĩnh vực họ đang theo học để lắng nghe những diễn giải thực tế. Ảnh: NVCC

Nếu cần biết thêm bất kì kiến thức nào về tài chính, tôi có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet hay thậm chí hỏi trực tiếp các chuyên gia trên mạng xã hội, hoặc được kết nối có trả phí từ nền tảng kết nối chuyên gia. Tuy nhiên, khoá học ở HBS Online vẫn thuyết phục tôi bằng những nội dung học tập "Độc quyền" thông qua hình thức Case-method (phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình), không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Đây mới là nội dung xứng đáng được gọi là Vua.

Mỗi chương học có khoảng 3 ví dụ thực tiễn được xen cài khéo léo với người tham gia là giám đốc tài chính của các công ty hay các chuyên gia phân tích đầu tư tài chính - người hiểu rõ tường tận về ví dụ đó. Đây là cách nhằm gia tăng nhận thức và giúp học viên hiểu được bản chất của mỗi kiến thức lý thuyết phức tạp được áp dụng trên thực tế.

Mỗi ví dụ sẽ có các câu hỏi được chia nhỏ ra thành khoảng 4 - 5 câu hỏi nhỏ, từng câu hỏi được liên kết theo dòng tư duy của học viên để khiến họ tự tìm đến câu trả lời quan trọng cuối cùng. Điều này tạo ra sự tò mò, hứng thú vô cùng. Bên cạnh đó, các câu hỏi giả lập như: "Nếu bạn là CFO của công ty trên, bạn sẽ làm thế nào?" khiến học viên được bước vào tình huống đó, là nhân vật chính để cảm thấy cần có trách nhiệm phải hiểu và xử lý tốt nhất, giúp khả năng lĩnh hội kiến thức được gia tăng gấp bội.

Các học viên tham gia khóa học có một diễn đàn riêng để thảo luận về bài học của mình. Nguồn: NVCC
Các học viên tham gia khóa học có một diễn đàn riêng để thảo luận về bài học của mình. Nguồn: NVCC

Trải nghiệm học tập tương tác cao là Nữ hoàng

Cùng với nội dung độc đáo thì sự gắn kết tương tác học tập trực tuyến cũng cho thấy vai trò to lớn. Đây vốn là điểm hạn chế, thách thức lớn của bất kì nền tảng nào. Làm sao mà các em học sinh có thể chịu đựng ngồi yên trong một lớp học ảo khoảng 1 tiếng đồng hồ, chỉ để ngồi nghe giáo viên truyền đạt kiến thức một chiều? Hay làm sao các học viên có thể kiên nhẫn ngồi nghe một một video dạy học được ghi sẵn lại, thiếu tính tương tác hai chiều cả từ phía của học viên và đa chiều giữa các học viên với nhau? Thực sự, nền tảng học tập trực tuyến, cần phải tạo không gian cho học viên phát triển và phát huy kỹ năng học tập như phản biện, thảo luận và hợp tác với nhau.

Khoá học HBS Online mà tôi tham gia có trang cộng đồng dành cho học viên tương tác, để chia sẻ những tài liệu liên quan, hay để giúp đỡ lẫn nhau thông qua trả lời các câu hỏi gửi tới từ các bạn học. Mỗi câu hỏi trong bài giảng đặt ra, sau khi hoàn thành phần trả lời, tôi có thể xem các phần trả lời của các học viên khác, từ đó tương tác thông qua nhận xét, phản biện hoặc đồng ý, thảo luận sâu, để cùng học hỏi.

Trong một thế giới khi mà nội dung học tập số không còn khan hiếm như thập kỉ trước, thì điều ngày càng trở nên khan hiếm, đó là sự tương tác của cộng đồng học viên.

Tôi đã có 2 năm đồng hành cùng startup Manabie - Nền tảng học tập OMO (Online Merge with Offline: Hình thức học kết hợp đồng bộ của học trực tuyến và trực tiếp tại trung tâm offline gọi là Learning Hub) dành cho các em học sinh K12 tại Việt Nam. Một khảo sát thú vị từ Manabie thông qua phỏng vấn trực tiếp các học viên cho thấy, các em học sinh yêu thích nhất không phải là nội dung chương trình học tập, mà là coach (người hướng dẫn học tập) và không gian học tập tương tác cao cùng với các em học viên khác tại Learning Hub. Đây là nhân tố quan trọng, đóng vai trò là những "người đồng hành", người tương tác, động viên về mặt tinh thần, giúp các em tìm thấy niềm hứng khởi với học tập và duy trì động lực hoàn thành khoá học.

Nhà nghiên cứu Petrea Redmond và các cộng sự đã chỉ ra 5 thành tố quan trọng để gia tăng tương tác học tập trực tuyến gồm Tương tác Nhận thức, Tương tác Hành vi, Tương tác Xã hội, Tương tác Cộng tác, và Tương tác Cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, việc lồng ghép kết hợp nhuần nhuyễn 5 thành tố tương tác này đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm gia tăng tự gắn kết về mặt cảm xúc của học viên với khoá học trực tuyến, từ đó, thúc đẩy gia tăng hiệu quả học tập và tỉ lệ hoàn thành khoá học.

Tôi tin rằng, nhiệm vụ của các startup EdTech Việt Nam sẽ không dừng lại ở số hoá giáo dục, mà còn cần dùng nhiều hơn chất xám và công nghệ để khiến hình thức học tập trực tuyến thực sự trở nên hiệu quả đào tạo và mang lại niềm hứng khởi với học tập dành cho học viên. Đó cũng chính là cách để các startup EdTech thực sự phát triển bền vững, giúp gia tăng tỉ lệ chuyển đổi học viên tham gia học cũng như tỉ lệ quay lại học tiếp của học viên.