Estonia, Latvia và Lithuania (hoặc Litva) là những quốc gia nhỏ bé bên bờ biển Baltic. Từng thuộc Liên Xô cũ, nhưng khác với Nga, Belarus hay Ukraine – có nền kinh tế khá trì trệ, ba nước này lại đạt được kỳ tích phát triển hết sức ngoạn mục.

Cụ thể, Estonia, Latvia và Lithuania1 được World Bank xếp vào nhóm nền kinh tế thu nhập cao, và thường xuyên đứng trong top 40 thế giới về Chỉ số Phát triển con người (HDI). Điều gì đã làm nên sự thành công đó?

Các quốc gia Baltic, sau 30 năm tách khỏi Liên Xô, đã được thành tựu phát triển vượt bậc và trở thành những con hổ kinh tế mới (Baltic Tigers). Ảnh: Wikimedia.

Các quốc gia Baltic, sau 30 năm tách khỏi Liên Xô, đã được thành tựu phát triển vượt bậc và trở thành những con hổ kinh tế mới (Baltic Tigers). Ảnh: Wikimedia.

Ba nước Baltic bị sáp nhập vào Liên Xô từ sau Thế chiến II, trải qua gần nửa thế kỷ dưới mô hình kinh tế chỉ huy, bao cấp. Ngoài ra, họ còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng, nguyên liệu thô và cả tài chính từ Moscow. Sau khi Liên Xô tan rã, ba nước này đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức trong những ngày đầu độc lập: kinh tế suy thoái (riêng Lithuania ghi nhận GDP sụt giảm 35%), lạm phát vượt quá 1000% (năm 1992). Đến năm 1995, tình hình mới khá lên một chút, nhưng khó khăn lại ấp tới do cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga (1998) – đồng ruble mất giá.

Estonia là một trong những quốc gia thực hiện chuyển đổi số thành công nhất thế giới. Ảnh: E-Estonia.

Estonia là một trong những quốc gia thực hiện chuyển đổi số thành công nhất thế giới. Ảnh: E-Estonia.

Đối với hầu hết các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa vẫn luôn là một thách thức rất lớn. Khi mới độc lập, cả Estonia, Latvia và Lithuania đều chưa có ngân hàng trung ương hay bộ tài chính, không có đồng tiền được công nhận để giao dịch, và thiếu hẳn những công cụ tài chính công để kích thích nền kinh tế. Hơn nữa, việc cải tạo các cơ sở từng do nhà nước quản lý – được thiết kế để đáp ứng những mục tiêu quốc gia – thành các doanh nghiệp tập trung vào sứ mệnh phục vụ khách hàng cũng kéo theo vô số vấn đề như: bất bình đẳng về cơ hội kinh tế, quản trị yếu, … và đặc biệt là tham nhũng. Tham nhũng là vấn nạn cực kỳ phổ biến ở những quốc gia thuộc Liên Xô cũ, chẳng hạn Nga bị xếp hạng 137/198 quốc gia và vùng lãnh thổ – theo Corruption Perception Index (Chỉ số Nhận thức Tham nhũng).

Trong khi đó, các nước Baltic lại đạt được thành tích chống tham nhũng tốt hơn nhiều: Latvia xếp hạng 44, Lithuania hạng 35, và Estonia hạng 18. Estonia thậm chí còn được đánh giá là một trong những quốc gia thanh toán tham nhũng thành công nhất thế giới. Năm 2012, quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật nhằm thúc đẩy tính minh bạch ở cấp chính quyền – yêu cầu công khai các giao dịch giữa khu vực tư nhân và những thành viên quốc hội (nghị sĩ, dân biểu), bao gồm cả thủ tướng. Luật này đã trở thành khuôn mẫu cho cả Lithuania và Latvia trong việc giảm thiểu tham nhũng có hệ thống.

Thứ nữa, quá trình tự do hóa nền kinh tế của các quốc gia Baltic là cực kỳ ấn tượng, được xếp tốt nhất tại khu vực Đông Âu – theo Economic Freedom of the World Index (Chỉ số Tự do Kinh tế thế giới). Từ xuất phát điểm rất thấp năm 1995, đến năm 2017, vị trí của Estonia đã tăng 40 bậc – từ 53 lên 13, Latvia từ 77 lên 24, và Lithuania từ 82 lên 16.

Lithuania đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ chế tạo các thiết bị quang học, laser. Ảnh: Eueopa.eu.

Lithuania đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ chế tạo các thiết bị quang học, laser. Ảnh: Eueopa.eu.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Liên minh Châu Âu (EU), đã tạo thuận lợi giúp các nước Baltic tăng trưởng kinh tế nhanh chóng – trung bình 9%/năm trong hai thập niên đầu thế kỷ 21. Ngoài ra, quan hệ giao thương bền chặt với EU cũng giúp cải thiện mức sống của người dân và định hướng nền kinh tế phát triển bền vững.

Sự chuyển đổi thần kỳ của Estonia, Latvia và Lithuania sau 30 năm tách khỏi Liên Xô là điều đáng ngưỡng mộ; trong khi nhiều quốc gia khác [cũng từng thuộc liên minh] vẫn đang vật lộn với nạn tham nhũng tràn lan, thực trạng quản lý kinh tế yếu kém, tỷ lệ nghèo đói cao2… Chìa khóa có lẽ nằm ở sự phối hợp hiệu quả giữa khu vực công và tư – theo hướng tôn trọng tự do, đề cao đạo đức và phẩm giá con người – trong sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thanh toán tham nhũng. Đây cũng là bằng chứng thực nghiệm cho thấy phép lạ kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chú thích

1. Quy mô của các nước Baltic (số liệu 2021)
Estonia: diện tích: 45.339 km2, dân số: 1.330.068 người, GDP: 34,97 tỷ USD.
Lithuania: diện tích: 65.300 km2, dân số: 2.784.279 người, GDP: 56 tỷ USD.
Latvia: diện tích: 64.589 km2, dân số: 1.907.675 người, GDP: 37,7 tỷ USD.

2. Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (năm 2019), khoảng 20,9 triệu người (chiếm 14,3% dân số nước này) đang có mức thu nhập dưới ngưỡng sinh hoạt tối thiểu – tức thuộc diện nghèo.

3. Xem bài viết Why Lithuania Holds the Key to TSMC’s Future (Vì sao Lithuania nắm giữa chìa khóa đối với tương lai của TSMC?). Link: https://techtaiwan.com/20211021/taiwan-lithuania-laser/

Năm 2018, tại Hội nghị ICT Summit Vietnam tại Hà Nội, ông Hannes Astok – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia – đã chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số thành công của nước này:“Estonia rất nhỏ, chỉ có hơn 1 triệu dân. Chúng tôi không thể có tiềm lực như Việt Nam, cho nên buộc phải xây dựng chính phủ số và số hóa hầu hết các dịch vụ công thiết yếu. Nhờ thế mà Estonia đã tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư cho quốc phòng.”