Một thống kê được công bố tại Teshfest vừa qua cho biết chỉ trong 10 tháng, startup Việt đã gọi được 750 triệu USD với 29 hợp đồng được ký kết, trong đó, hơn 90% là từ các quỹ đầu tư quốc tế.

.

Nhiều sự kiện tôn vinh “Hành trình startup tỷ đô” cũng được tổ chức hoành tráng. Nhưng sau tất cả những hào nhoáng này, chúng ta có ngồi lại với nhau, với những startup đã lặng lẽ “chết” đi, và nghĩ lại về một hành trình gian khó?

Như một lời chia tay…

Ngày giáp Tết, tôi ngồi xem lại danh mục đầu tư cho khởi nghiệp của cá nhân mình, và của một quỹ mạo hiểm nho nhỏ mình có tham gia. Việc đầu tiên, là… thở dài. Vì dù phong trào khởi nghiệp có được lên cao như thế nào, thì chúng ta vẫn… chưa có khung pháp lý cho đầu tư mạo hiểm. Cái gọi là “quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam”, vẫn là xoay quanh các “bày binh bố trận” về pháp lý của mỗi đơn vị. Và thuế, tất nhiên là tính không sót một đồng nào, từ cá nhân tới tổ chức. Gửi thư cho luật sư, hỏi mấy khoản đầu tư đã “ra đi không kèn không trống”, giờ ghi thành chi phí khấu trừ thuế như nào? Anh trả lời, có vẻ vẫn lúng túng…

Đó là một startup từng đoạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi trong vùng. Đội ngũ sáng lập sở hữu năng lực chuyên môn, nhà đầu tư thiên thần Singapore rót vốn, và… mọi thứ rất hào hứng. Tôi còn giữ nhiều quà tặng khuyến mãi của cái ứng dụng chăm sóc sức khỏe này ở các lần đi ủng hộ các bạn tham dự các triển lãm khác nhau, cả trong và ngoài nước. Cho tới ngày, các bạn gửi một email thông báo chia tay, và… mất liên lạc. Luật chơi của món startup là vậy, đầu tư mạo hiểm với mong muốn sẽ thu được lợi nhuận nhiều chục lần, nên mất thì ráng chịu thôi.

Đó lại là một startup khác, tham dự thị trường tích điểm vốn là xu hướng rất nóng từ nhiều năm trước. Họ thay đổi mô hình liên tục cho phù hợp với thị trường, lôi kéo được nhiều nhà đầu tư cá nhân vì giấc mơ đẹp đẽ đầy tâm huyết của nhóm sáng lập. Họ đi qua nhiều khó khăn lớn của cuộc chiến giành thị trường, cạnh tranh nhân lực cũng như nhiều thách thức “bóng tối” của những bên muốn đánh cắp công nghệ. Nhà sáng lập từ rất bập bẹ tiếng Anh đã trưởng thành hơn bao giờ hết, đủ sức trình bày nguyên một bài dài ở hội nghị quốc tế. Nói chung là… vô cùng ổn. Nhưng đằng sau đó, là một nùi những vấn đề căng thẳng, tới mức không nghe điện thoại của nhau, luật sư của startup và nhà đầu tư gặp nhau bàn đủ mọi phương án mà vẫn không ra. Mới buổi sáng, họ vẫn xuất hiện hoành tráng với những chiến tích huy hoàng. Buổi trưa, họ phải đối diện với khả năng bị kiện tụng. Và, họ thực sự mệt mỏi, nhưng vẫn… “tô son lên môi lạnh lùng” để tiếp tục cuộc chiến…

Danh sách những startup của cá nhân tôi, có vẻ là một nhà đầu tư không quá may mắn và… mát tay, vẫn còn nhiều những cái tên bị gạch ngang như vậy. Và nói như trong một cuộc gặp vui: chúc bạn may mắn lần sau…

Thống kê chung của thế giới từ 10 năm nay vẫn chưa thay đổi được tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả đều nằm ở con số 10%. Sao chúng ta chưa ngồi và tìm ra một mẫu số chung của khởi nghiệp Việt thất bại do đâu?

Một từ của khởi nghiệp Việt

Tôi có một trang Facebook cá nhân, cũng có nhiều người trong cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước theo dõi. Thử làm một cái khảo sát nho nhỏ với hai câu hỏi: “Sau tất cả, thì startup Việt 2020, theo hình dung của bạn, sẽ như thế nào?” và “Nếu chọn 1 từ, 1 từ thôi nhen, để nói về startup Việt, bạn sẽ chọn từ nào?”. Kết quả khá lạ, và gợi ra khá nhiều suy nghĩ.

“Lì” – đó là ý kiến đầu tiên được bà Nguyễn Thị Mai, cựu chủ nhiệm câu lạc bộ Người Bán Hàng số 1 Việt Nam đưa ra. Chữ “lì”, trong “lì lợm” từng được xem là một trong những tố chất quan trọng nhất của người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi chỉ có “lì”, họ mới đủ sức làm việc 200% khả năng, công sức và thời gian của mình để vượt qua quá nhiều thách thức của con đường này. Câu hỏi đầu tiên, là còn bao nhiêu bạn khởi nghiệp lì lợm để “chân cứng đá mềm”?

“Liều” – có tới hai người chọn từ này. Một, là chị Phạm Hồng Hoa, một phụ nữ khởi nghiệp ở môi trường khó khăn nhất: lấy chồng xứ Hàn Quốc và phải tự vươn lên một mình ở vùng nông thôn. Hai, là bạn Thịnh Nguyễn, chuyên viên của chương trình Khởi nghiệp Sáng tạo SKC thuộc Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Phải chăng họ đang nhắc tới câu thành ngữ xưa: Có chí thì làm quan mà có gan thì mới làm giàu?

“Lỗ” – thật ngạc nhiên khi Hà Văn Lộc – một trong những startup được sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và khu nông nghiệp Công nghệ cao hết lòng ươm tạo lại chọn từ này. Lộc xuất hiện ở hầu hết mọi cơ hội bán hàng, kết nối và mở rộng thị trường. Lộc xung phong đứng đầu trong mọi hoạt động chia sẻ để mở rộng mạng lưới quan hệ nhằm phát triển kinh doanh cho các sản phẩm nhang sinh học và y học của mình. Lộc làm nhiều, nhưng vẫn thấy… lỗ. Nó làm tôi nhớ lại câu chuyện của tiến sĩ Việt Hồ, người sáng lập công ty tư vấn tối ưu hoá DailyOpt: “Bây giờ, việc quan trọng của khởi nghiệp phải là… sống dai, sống tới lúc có nhà đầu tư, có thị trường và… kiếm được tiền”.

“Say” – là anh Việt Hồ chọn. Anh bảo, là say công việc. À đúng rồi, bao nhiêu startup đã “qua đời” chỉ vì họ không yêu cái vấn đề mà họ chọn để giải quyết. Giải pháp hay sản phẩm đều có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhưng “nỗi đau của khách hàng” hay “vấn đề của xã hội”, là thứ lý do mà doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời, là không thay đổi được.

“Đua” – lại là cách mà ông Trần Đình Dũng, nhà sáng lập cộng đồng “Sống giàu có” và giảng viên / tư vấn viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn. Đơn giản, là làm khởi nghiệp mà không nhanh, không cạnh tranh, không “thử nhanh sai nhanh sửa nhanh” thì sẽ đánh mất chi phí cơ hội. Bắt kịp các xu hướng công nghệ, và phải nhanh chóng giành thị trường, thuyết phục nhà đầu tư, có lẽ cuộc đua này là có thật…

Những ý tưởng khác cũng gợi lên nhiều suy nghĩ, vì đa phần là… gần sát mặt đất chứ không quá lạc quan “bay lên trời” như những năm trước đây. Anh Nguyễn Quang Trung, nhà sáng lập đơn vị vệ sinh căn hộ SHS chọn từ “nụ” – mà theo anh, là startup Việt vẫn còn e ấp như nụ, có khi thành hoa đẹp - còn không là héo từ trong nụ luôn. Chuyên gia Hùng Đặng, sau nhiều tiếng vang của cộng đồng Startup Elite thì đang tập trung toàn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp mới của mình là House3D khẳng định một xu hướng hoàn toàn mới: “Có lãi hay là chết. Và dù sao cũng vẫn còn “non”. Ý kiến này được đồng tình khá cao bởi anh Justin Bùi Trần, cựu CEO của Nâu studio một thời đình đám với hơn 100 lập trình viên: “Bớt ảo, tập trung và phải có lãi”. Anh Bùi Hải An, CEO của O2F cũng đồng tình với một chữ “tiền” rất to.

Rõ ràng, góc nhìn của những người trong cuộc có phần cẩn trọng và e dè hơn với khởi nghiệp. Trong khi những “bà đỡ” như bà Hiếu Đông, giám đốc sở Khoa học Công nghệ Sóc Trăng hay chuyên gia đào tạo Tony Lampskin của vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn thấy rất “lạc quan” và có cơ hội “bay”.

Tôi ngồi chat riêng với từng người, để hiểu những nỗi niềm đằng sau những lựa chọn này, thì thấy quả thực, “có thực mới vực được đạo”, hay nói như anh Đức Nguyễn, nhà sáng lập đơn vị trí tuệ nhân tạo Hekate: “Quay về làm việc với team, và tìm giải pháp tự tạo ra doanh số thay vì cứ suốt ngày chạy theo các nhà đầu tư”.

Rõ ràng, như lời một bài nhạc rất thịnh hành hiện nay: “Sau tất cả, mình lại về với nhau”, với sản phẩm, với dịch vụ, và với những giá trị thực nhất của khởi nghiệp: sản phẩm, và sự chấp nhận của thị trường – chứ không chơi game tài chính với nhà đầu tư nữa.

Bobby Liu và ông Mai Duy Quang cùng với CEO - Nhà sáng lập Topica Edtech Group, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn.
Bobby Liu và ông Mai Duy Quang cùng với CEO - Nhà sáng lập Topica Edtech Group, Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn.

Chuyên gia Bobby Liu của học viện nhà sáng lập Topica chia sẻ 10 bí quyết để không bị “ngủ đông” trong năm 2020:

1. Làm ra sản phẩm mà người dùng mong muốn;

2. Chứng minh giá trị mà mình đang tạo ra;

3. Mở rộng hoạt động mà chưa cần tới gọi vốn;

4. Tìm ra lý do quan trọng vì sao mình phải làm khởi nghiệp để có thể đổ hết công sức vào đó;

5. Đi làm việc cho các startup khác để học hỏi kinh nghiệm;

6. Làm gì cũng phải “nghĩ như một nhà sáng lập”;

7. Theo đuổi các tác động tích cực mà mình tạo ra, không phải tác động bằng việc gọi được vốn;

8. Luôn đi trước đối thủ cạnh tranh 3 bước;

9. Không được tự mãn;

10. Startup không phải là… con của mình, nó là một công việc kinh doanh. Nên đừng đánh mất giấc ngủ của mình để còn… chiến đấu tiếp.