Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa trong việc đưa tàu ngầm mini Hoàng Sa thử nghiệm trên biển.

Sẵn sàng ra biển lớn

Câu chuyện kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa tự bỏ tiền nghiên cứu chế tạo tàu ngầm mini đã thu hút sự quan tâm của những người yêu khoa học từ năm 2013. Tàu Trường Sa 1 của ông đã có thể tự lặn, nổi trong bể, ao và sau đó đã được đưa ra thử nghiệm tại vùng biển thuộc cảng Diêm Điền, tỉnh Thái Bình.

Trường Sa 1 được ông Hòa tích hợp rất nhiều tính năng, bao gồm cả những tính năng mở rộng như kính tiềm vọng, radar, hệ thống định vị GPS. Tuy nhiên, các sự cố xảy ra trong thử nghiệm khiến tác giả nhận thấy cần tiếp tục cải tiến, ví dụ như khoang lái cần rộng hơn hay hệ thống máy móc cần thêm tính toán.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa lái thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1. Ảnh: Minh Tú
Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa lái thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1. Ảnh: Minh Tú

Hai năm sau, kỹ sư Hòa cho ra mắt phiên bản mới với tên gọi Hoàng Sa. Tàu nặng khoảng 9 tấn, vỏ thép cường lực cao, động cơ hiện đại, có thể hoạt động trong vòng bán kính 400km. Hệ thống đảm bảo sự sống của con tàu kéo dài hoạt động trong khoảng 3 ngày 3 đêm. Ngoài ra, theo thiết kế, tàu ngầm Hoàng Sa có thể vượt qua bùn, bãi cạn nhờ hệ thống vít và trục xoắn ở dưới bụng.

Tác giả cho biết, so với Trường Sa 1, thiết kế của tàu ngầm Hoàng Sa có nhiều cải tiến. Bộ điều khiển được thay mới toàn bộ theo hướng tối giản, thuận tiện cho người lái, đảm bảo tốc độ tối thiểu 7 hải lý/h. Ngoài ứng dụng thăm dò phát hiện vật thể (giúp tìm xác tàu, cổ vật), con tàu này còn có triển vọng sử dụng trong du lịch, khám phá đáy biển.

Tàu ngầm Hoàng Sa đã được tác giả thử nghiệm thành công các tính năng cơ bản tại hồ nước rộng gần 3ha. Trong buổi thử nghiệm kéo dài 3 giờ, tàu có thể lặn - nổi nhịp nhàng với độ sâu mặt nước 3,8m. Các tính năng như camera dẫn đường, hệ thống dò quét đáy biển, hệ thống liên lạc tầm xa… đều hoạt động trơn tru.

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, tính năng hoạt động của tàu Hoàng Sa tốt hơn rất nhiều so với Trường Sa 1. Tàu có thể nằm trong bùn và thoát ra ngoài, tiến ra biển không cần thủy triều và tự ra khỏi khu vực bãi cạn. Đặc biệt, hệ thống boong kính vừa chịu được áp suất cao khi lặn dưới đáy biển vừa đảm bảo quan sát tốt.

“Tàu ngầm Hoàng Sa hiện ở tình trạng sẵn sàng ra biển bất kỳ lúc nào. Mọi khâu về kỹ thuật đã được chuẩn bị kỹ, chỉ cần sự ủng hộ của các cơ quan chức năng là có thể thử nghiệm ngoài biển lớn” - ông Hòa tiết lộ.

Sự sáng tạo cần bàn tay bà đỡ

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm mini của Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa.Như vậy, ngày tàu ngầm Hoàng Sa được ra biển với hy vọng không còn xa.

TS Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội - nói: “Chính sách và pháp luật Việt Nam khuyến khích mọi sự sáng tạo, đổi mới nên trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là tạo điều kiện để thử nghiệm và kiểm định”. Ông Lĩnh cũng cho biết, Ủy ban KH-CN&MT đã thăm và khảo sát tàu ngầm của ông Hòa, đề nghị tác giả gửi hồ sơ lên Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng để thành lập hội đồng đánh giá.

“Các khảo sát cho thấy đây thực sự là kết quả của sự tìm tòi, nỗ lực ứng dụng các công nghệ trên thế giới vào điều kiện nước mình. Trước mắt, sản phẩm có thể ứng dụng trong hoạt động dân sự, sau này có thể phát triển trong lĩnh vực chế tạo tàu biển” - TS Lê Bộ Lĩnh cho biết. Ông Lĩnh cũng gợi ý về mặt quản lý nhà nước, Bộ KH&CN nên phối hợp với Bộ Quốc phòng để tạo điều kiện cho việc thử nghiệm. Các cơ quan quản lý cần dựa vào các quy định hiện hành để cho biết những việc tác giả cần làm, những hỗ trợ mà các cơ quan cần thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho ông Hòa hoàn thiện công trình nghiên cứu mình.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 - cho rằng, lúc này nếu Nhà nước có chính sách đầu tư thêm để đưa tàu ngầm Hoàng Sa ra thử nghiệm thì rất tốt bởi có nhiều ứng dụng đang chờ đợi: “Nếu kết quả tốt, Nhà nước nên đầu tư để tác giả phát triển sản xuất. Việc này rất có lợi vì nếu sản xuất được trong nước, giá thành sẽ rất rẻ, phục vụ thiết thực cho ngư dân, thậm chí cả khai thác khoáng sản, phát triển du lịch gần bờ, trên đảo”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ cũng cho rằng, việc tự chế tạo một chiếc tàu ngầm và đưa xuống nước không phải đơn giản, các nhà khoa học nên hỗ trợ nếu cần.

Rất quan tâm đến sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ các sáng chế này. Sắp tới, Bộ trưởng sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình để trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong việc thử nghiệm tàu Hoàng Sa, nhằm giúp kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa hoàn thiện giấc mơ về tàu ngầm mini của mình.