Những ngày diễn ra dịch COVID-19, trong con mắt các nhà nghiên cứu giáo dục, cả thế giới bỗng biến thành “phòng thí nghiệm học online” và họ nhanh chóng nhìn ra một loạt vấn đề cần được thảo luận.

Lầu Mí Xá - sinh viên năm thứ 3 Lớp Quản lý công K18, Học viện Hành chính Quốc gia - tự tay dựng lều bên sườn núi xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) để bắt sóng 4G, duy trì việc học online trong thời gian toàn xã hội thực hiện cách ly từ đầu tháng 4/2020 do dịch COVID-19. Ảnh: giaoducthoidai.vn
Lầu Mí Xá - sinh viên năm thứ 3 Lớp Quản lý công K18, Học viện Hành chính Quốc gia - tự tay dựng lều bên sườn núi xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) để bắt sóng 4G, duy trì việc học online trong thời gian toàn xã hội thực hiện cách ly từ đầu tháng 4/2020 do dịch COVID-19. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Theo ThS Hoàng Anh Đức, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, các thảo luận suốt mấy tháng trở lại đây trên diễn đàn Hiệp hội Các nhà giáo dục quốc tế NAFSA mà anh là thành viên luôn xoay quanh mấy vấn đề: sự thay đổi thói quen của từng cá nhân để thích ứng với phương thức học tập mới; những thay đổi về tương tác liên cá nhân (trong gia đình, lớp học, trường học) - điều mấu chốt quyết định tạo ra lực đẩy hay lực cản cho các chuyển biến trong dạy và học trực tuyến; các yếu tố mới về mặt tâm lý; và năng lực tiếp cận và chuyển đổi công nghệ.

Bản thân Edlab cũng “tạm gác lại một số dự án nghiên cứu khác để tập trung vào các khảo sát về dạy và học online”, anh Đức cho biết.

Ngay từ cuối tháng 2, EdLab đã tiến hành khảo sát về thói quen học trực tuyến của học sinh Hà Nội, có so sánh giữa học sinh trường công lập và tư thục, học sinh ở các độ tuổi khác nhau và với gia cảnh khác nhau. Bộ dữ liệu đã được công bố trên kho dữ liệu Mendeley để bất cứ ai cũng có thể truy cập được. Đến đầu tháng 4, EdLab lại tiến hành khảo sát về sự sẵn sàng và năng lực thích nghi với việc chuyển đổi sang dạy trực tuyến của giáo viên, giảng viên và nhà trường trên cả nước. “Tuy nhiên, điểm khó khăn là, không thể tiến hành các quan sát trực tiếp và đánh giá sâu về mặt định tính, nên đa phần các nghiên cứu thu được sẽ là nghiên cứu định lượng, và giới hạn ở đối tượng có khả năng tiếp cận với internet,” anh Đức thừa nhận.

Những nghiên cứu này, “ở góc độ thực tiễn, cung cấp thêm góc nhìn thực chứng về hành vi học tập của học sinh, và thực tế giảng dạy của giáo viên với các bối cảnh, nền tảng khác nhau,” anh Đức bày tỏ kỳ vọng. “Còn ở góc độ lý thuyết, chúng có thể bổ khuyết cho các nghiên cứu về hành vi trong thời kỳ khủng hoảng; có vai trò thực chứng cho các quyết định về chính sách, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nhìn nhận đa chiều hơn về dạy và học trực tuyến.”

TS Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu tại EdLab - thì nhận định, “khi mà ngay cả nhóm phản đối cũng phải chấp nhận học online thì đó là dịp có một không hai để thu thập dữ liệu.” Theo anh, “học online nóng trong nghiên cứu từ 20 năm nay rồi” vì nó giải quyết 2 vấn đề mà giáo dục truyền thống không giải quyết được: năng suất cho người thầy và khoảng cách của người học. “Nhưng những ngày này, chủ đề học online trở thành số 1 khi cả thế giới biến thành phòng thí nghiệm học trực tuyến”. Điều này cũng khiến cho một số hướng nghiên cứu “ăn theo” là homeschool hay giáo dục gia đình (sự tham gia của bố mẹ trong việc học của con) được hâm nóng.

TS Phạm Hiệp cho biết thêm, gây ồn ào không kém ở nhiều diễn đàn là các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục quốc tế (chủ yếu ở bậc đại học): sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng như thế nào trong thời điểm hiện tại; các xu hướng chính sách, tài chính trong lương lai; các dịch vụ tư vấn du học sinh sống còn ra sao… “Đây là vấn đề đau đầu với các thị trường coi du học là nguồn thu; và là cơ hội cho các nước khác, như châu Á, cạnh tranh thị phần. Châu Á vốn được biết như là nơi gửi đi hơn là nơi tiếp nhận sinh viên quốc tế nhưng trong đại dịch, một số nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã kiểm soát tốt dịch bệnh, và đây chính là điểm cộng để các phụ huynh cân nhắc. Bên cạnh đó, chi phí du học ở các nước châu Á cũng thường thấp hơn Mỹ, Úc hay Anh, phù hợp với tình hình thắt chặt chi tiêu trong khi chờ kinh tế thế giới phục hồi,” TS Hiệp nhận định.

Nghiên cứu nhanh, công bố nhanh

Edlab đã nhanh chóng gửi đi các bản thảo của mình để công bố quốc tế, trong đó ngoài các nghiên cứu về dạy và học trực tuyến còn có 2 nghiên cứu về quyết định ở lại hay về nước của du học sinh khi xảy ra dịch bệnh và tác động của dịch bệnh đến giáo viên người nước ngoài ở Đông Nam Á.

Được biết, EdLab có hai mảng hoạt động chính là nghiên cứu và thực hành giáo dục (bao gồm tập huấn và đưa ra giải pháp). Từ tháng 2, mảng thực hành của Trung tâm phải tạm dừng do các trường đóng cửa. Bởi vậy, để có nguồn lực tiến hành nghiên cứu, Ban giám đốc buộc phải dùng đến khoản tiền tích lũy và tất cả các thành viên của EdLab tình nguyện chấp nhận giảm lương. Theo TS Hiệp, “Nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và công bố là phản ứng tất yếu với yêu cầu của cuộc sống. Các đơn vị nghiên cứu trên toàn thế giới đều làm như vậy”.

Để hỗ trợ các nhà nghiên cứu, Ban biên tập của nhiều tạp chí quốc tế đã tạo cơ chế riêng cho những bài báo liên quan đến dịch COVID-19. “Một bài báo trước đây có thể cần thời gian 3 tháng để nhận phản hồi đầu tiên, giờ rút xuống còn 15 ngày trong trường hợp cần thiết. Nhà nghiên cứu ở các nước không nói tiếng Anh thậm chí được chủ động chỉnh sửa giúp bản thảo,” anh Hiệp cho biết. Do việc đẩy quy trình biên tập, phản biện, và xuất bản lên nhanh hoặc rất nhanh là chủ ý và nỗ lực của các Ban biên tập nên không có chuyện bản thảo được xử lý thiếu kỹ lưỡng hay hạ chuẩn. “Một số chủ đề cũng bị các tạp chí ‘phanh’ lại chờ thông tin đầy đủ sau dịch COVID-19. Bản thân tôi vừa bị từ chối một bài về giáo dục quốc tế. Ban biên tập yêu cầu tôi thu thập thêm dữ liệu về tình hình sau đại dịch để có sự so sánh đầy đủ.”

Du học có thể đóng băng 1 năm

Về tình hình du học nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh, chị HNQ - thành viên ban quản trị một công ty du học có trụ sở ở Hà Nội và chi nhánh ở TPHCM - chia sẻ với Khoa học và Phát triển: “Đa phần trong ngành xác định mất 1 năm đóng băng, tùy từng thị trường. Như ở châu Á thì Nhật và Singapore đã ngừng cấp visa du học, chưa biết đến bao giờ mở lại. Chúng tôi cũng vừa phải hoãn kế hoạch mở rộng thị trường ở Singapore. Duy nhất có Hàn Quốc không chủ trương đóng cửa biên giới hay phong tỏa mà chỉ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, học sinh nhập cảnh bình thường. Nhưng tỷ lệ du học Hàn Quốc chắc chắn vẫn sẽ giảm nhiều so với các năm trước do bố mẹ hoang mang và nhu cầu tiêu dùng thắt chặt. Như công ty tôi, số hồ sơ du học Hàn Quốc hiện tại chỉ còn bằng 1/10 khi không có dịch.

Một nhóm du học sinh từ Đức và Nga về nước tránh dịch, thực hiện cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cuối tháng 3/2020. Ảnh: Lan Phương
Một nhóm du học sinh từ Đức và Nga về nước tránh dịch, thực hiện cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cuối tháng 3/2020. Ảnh: Lan Phương


Trong khi đó, du học Mỹ và châu Âu giai đoạn này chứng kiến làn sóng ngược, tức du học sinh về nước để tránh dịch. Cơ hội đi cũng không có khi Mỹ và Canada đã đóng đường biên.

Tuy nhiên, tôi tin là khi hết dịch, nhu cầu du học sẽ phục hồi. Chỉ là chính sách các nước khác thế nào thôi, còn nhu cầu du học của người Việt Nam rất cao vì nó vẫn được coi là bước đệm của một cơ hội khác như định cư hay việc làm...”

Về sự sống còn của các công ty du học, chị HNQ cho biết: “Đa số các công ty du học ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Với nhóm này, họ sẽ đóng băng hoàn toàn hoạt động, chờ thị trường ấm lên thì làm tiếp. Và do đều là các bộ máy nhỏ, không phải đầu tư sản xuất, đôi khi còn tự túc được địa điểm, nên không lo giải thể hay phá sản. Thị trường phục hồi, họ lại treo biển lên là xong- nếu có từng tháo biển xuống.

Với các công ty lớn hơn, giai đoạn này họ chuyển sang củng cố nền tảng (chăm sóc web, youtube và các kênh truyền thông xã hội khác), tập huấn nhân viên, hoặc tổ chức hội thảo online với hy vọng thu thập dữ liệu khách hàng để hết dịch thì thúc đẩy chiêu sinh.”

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, đa số là du học tự túc. Con số tăng trưởng của du học sinh Việt Nam được cho là vào khoảng 8% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2010-2017.

Ngọc Nhu ghi