Trong thế giới hội nhập của vô số bản sắc văn hóa ngày nay, năng lực lý giải đa văn hóa dần trở thành bắt buộc phải có. Thế nhưng, trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam suốt mấy chục năm qua, giáo dục đa văn hóa vẫn chưa được quan tâm cả ở phương diện lý luận lẫn thực tiễn.
Trên thế giới, từ cách đây rất lâu, các nhà giáo dục đã quan tâm đến việc làm sao để hệ thống giáo dục của quốc gia có thể đáp ứng và phù hợp với sự đa dạng về giá trị, lối sống của các cộng đồng, công dân trong xã hội dân chủ.
Năng lực cùng nhau đối thoại, thừa nhận, lý giải, hiểu biết và tôn trọng đa văn hóa ngày càng trở nên cần thiết. Ảnh minh họa: UK Academy
Theo Chiristopher Winch và John Gigell trong cuốn “Triết lý và Chính sách giáo dục” (Iper, 2022), “chủ nghĩa đa văn hóa” trong giáo dục thông thường có ba kiểu.
Kiểu thứ nhất được các tác giả gọi là “đồng hóa” (assimilatiion). Trong kiểu giáo dục này, các nhóm thiểu số được khuyến khích hoặc bị gây áp lực để tiếp nhận lối sống của cộng đồng chủ đạo (host community).
Kiểu thứ hai là “hòa nhập” (integration). Trong kiểu giáo dục này, các nhóm thiểu số “tuân theo những chuẩn mực công dân như thượng tôn luật pháp, hệ thống chính trị và các mối quan hệ kinh tế, nhưng cũng đồng thời tiếp nhận ngôn ngữ của cộng đồng chủ đạo, ít nhất là bên ngoài bối cảnh gia đình”.
Kiểu thứ ba gọi là “đa văn hóa” (multicultural), ở đó người ta “nghiêng về quan điểm rằng các cộng đồng có quyền bảo tồn lối sống của họ ở mức mà họ thấy phù hợp”.
Ở Nhật Bản, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giáo dục đa văn hóa (multicultural education) bắt đầu được quan tâm. Đặc biệt, kể từ khi UNESCO đưa ra khuyến cáo về giáo dục hiểu biết, hợp tác quốc tế vào năm 1974, thì “giáo dục hiểu biết quốc tế” của Nhật Bản trong chương trình phổ thông chuyển trọng tâm từ “hiểu biết về nước khác” sang “lý giải đa văn hóa”. Theo đó, học sinh được tìm hiểu văn hóa của những tộc người sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Nhật Bản và cả văn hóa của những dân tộc, quốc gia khác ngoài người Nhật, nước Nhật; từ đó hình thành nên thái độ tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Họ cho rằng để con người có thể chung sống hòa bình thì việc cùng nhau đối thoại, thừa nhận, lý giải, hiểu biết và tôn trọng đa văn hóa là tất yếu.
Trong quan niệm của những người làm chương trình giáo dục và các nhà thực hành giáo dục Nhật Bản, “đa văn hóa” ở đây không phải là văn hóa chung chung, trừu tượng mà là văn hóa ăn, mặc, ở; và giá trị quan của các tập đoàn, nhóm người, cộng đồng đã được hình thành, sở hữu, truyền thừa, chia sẻ qua nhiều thế hệ và bồi đắp nên nền tảng tinh thần của các tập đoàn, nhóm, cộng đồng này. Nói cách khác, họ coi đây là “văn hóa” có “tính thường ngày”.
Theo họ, việc tăng cường giáo dục đa văn hóa là một cách hiệu quả để ngăn ngừa, xóa bỏ ý thức phân biệt đối xử đối với văn hóa nước ngoài, tư tưởng bài ngoại ở người Nhật hoặc sự phân biệt đối xử bất công đối với con người, văn hóa đến từ thế giới thứ ba.
Những vấn đề không thể né tránh
Ở Việt Nam, về cơ bản “giáo dục đa văn hóa” là một thuật ngữ không phổ biến trong giáo dục phổ thông.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ban hành kèm thông tư ngày 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - không một lần nhắc đến thuật ngữ này.
Quan sát bức tranh tổng thể, dễ dàng nhận thấy ở Việt Nam không có các công trình nghiên cứu công phu về “giáo dục đa văn hóa” ở bậc phổ thông. Đây là một thực tế đáng tiếc vì Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, ở đó mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, có bản sắc; và sự hội nhập giữa các dân tộc ngay trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ với sự di động của con người. Ở một góc độ khác, Việt Nam cũng hội nhập ngày càng sâu vào cộng đồng quốc tế và trong xã hội Việt Nam cũng có ngày một nhiều người từ các quốc gia khác đến làm việc, sinh sống.
Cho dù “giáo dục đa văn hóa” không được đề cập, đưa vào một cách có ý thức toàn diện trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng khi khảo sát kĩ, ta sẽ vẫn thấy bóng dáng của nó, hay nói đúng hơn, sự cần thiết về nó vẫn “tình cờ” được các tác giả biên soạn chương trình đề cập.
Chẳng hạn, phần “Quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông” nêu lên mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới, giữa các giá trị truyền thống và giá trị nhân loại: “Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo… phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh”.
Bản chất vấn đề được nêu ra ở đây chính là “giáo dục đa văn hóa”. Ta sẽ còn thấy “giáo dục đa văn hóa” được đề cập một lần nữa khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải xử lý mối quan hệ giữa “văn hóa quốc gia” và “văn hóa địa phương”. Quan điểm của các nhà làm chương trình giáo dục phổ thông là “xây dựng theo hướng mở”, theo đó cho phép các địa phương, trường học, giáo viên đưa vào các nội dung phù hợp với từng địa phương mình. Trong chương trình cũng có môn học tự chọn là “Tiếng dân tộc” dành cho học sinh (70 tiết ở tiểu học; 105 tiết ở THCS và THPT).
Đây là những cơ sở để tiến hành “giáo dục đa văn hóa” cho học sinh, vấn đề còn lại là sự hướng dẫn của lý luận và ý thức của giáo viên. Thiếu những yếu tố đó, giáo dục đa văn hóa sẽ khó trả lời những câu hỏi như kiểu giáo dục nào (đồng hóa, hòa nhập, hay đa văn hóa) sẽ trở thành chủ đạo? Các thực tiễn giáo dục đa văn hóa sẽ chỉ dừng ở mức giới thiệu sự đặc sắc trong văn hóa của những người thiểu số hay cần trở thành các thực tiễn nơi học sinh, thúc đẩy sự hiểu biết hai chiều giữa học sinh thuộc nhóm đa số và nhóm thiểu số? Học sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số đương nhiên được học tiếng của dân tộc mình như là một môn học tự chọn ở trong nhà trường nhưng như vậy đã đủ cho giáo dục đa văn hóa; liệu học sinh người Việt (Kinh) có cần tham gia học tập tiếng dân tộc để tăng cường năng lực lý giải đa văn hóa?
Cũng cần nói thêm rằng, các môn xã hội ở bậc phổ thông như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn tuy có đề cập đến văn hóa các nước nhưng chỉ dừng lại ở mức “giới thiệu sơ lược”. “Giáo dục đa văn hóa” không thực sự được thực hành vì sách giáo khoa chỉ tập trung vào lịch sử chính trị (môn Lịch sử), đặc điểm địa lý tự nhiên-xã hội (Địa lý), hay tác giả và tác phẩm (Ngữ văn); và giáo viên thì thường chỉ giảng theo sách giáo khoa. Trong khi đó, giáo dục đa văn hóa chỉ thực sự hiệu quả và có ý nghĩa khi học sinh có cơ hội tìm hiểu và lý giải về “văn hóa thường ngày” của các dân tộc khác.
Trên đây đều là những vấn đề lớn liên quan tới giáo dục đa văn hóa mà về lâu dài giáo dục phổ thông không thể né tránh.