Chiều 16/12, những người làm nên câu chuyện “khởi nghiệp cho người Việt trên toàn thế giới” mang tên Viet Challenge bỗng gặp nhau ở Sài Gòn, và nói một câu chuyện kéo dài, và xa của câu chuyện “làm sao để khởi nghiệp Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới”.
Câu chuyện bắt đầu với phần chia sẻ của ông Huỳnh Kim Tước, nghe có phần ngậm ngùi: “Tôi vừa đọc báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp toàn cầu. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng nhất, vượt qua cả Ukraina. Nhưng đó là hạng nhất của bảng xếp hạng các quốc gia có thu nhập trung bình thấp mà thôi. Trong khi đó, người láng giềng Thái Lan, vừa bị bóng đá Việt Nam loại khỏi Seagames, thì đường hoàng được nằm trong một bảng xếp hạng khác: các quốc gia có thu nhập trung bình khá. Vậy nên, bao nhiêu nỗ lực, vẫn chưa thấm vào đâu, và còn bao nhiêu là việc cần làm nữa…”.
Ông Tước bảo: “Người Việt mình, tài năng cũng đâu tới nỗi nào, sản phẩm cũng đâu tới nỗi nào, nhưng vẫn cứ còn thô sơ quá. Nên nếu chúng ta kết nối được với cộng đồng doanh nhân và chuyên gia người Việt trên thế giới, kết hợp thị trường, quy trình và công nghệ của hai cộng đồng với nhau, thì triển vọng cùng nhau đi xa hơn, gần như là chắc chắn…”.
Chị Mai Phan, chủ tịch Viet Challenge đồng tình: “Rất nhiều giám khảo của Viet Challenge năm 2019 diễn ra tại Boston, vốn là những doanh nhân, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nói với chúng tôi rằng: chất lượng của các startup Việt Nam thực sự rất tốt, tốt hơn so với một số cuộc thi khởi nghiệp ở Mỹ. Nhưng họ không thể đầu tư cho startup tại Việt Nam được, vì họ không có nhân lực để tìm hiểu thị trường, không có kinh phí để thuê công ty tư vấn luật, và thiếu hệ thống để thực hiện các công tác thương thảo với startup Việt Nam. Vậy nên, năm nay, Viet Challenge quyết tâm đổi mới, xóa bỏ những cái thiếu này của startup Việt để có thể có đầu tư mạnh mẽ hơn từ các quỹ lớn của thế giới”.
Theo đó, thì Viet Challenge bắt đầu xây dựng một platform để cung cấp thông tin, tiến trình và nhu cầu gọi vốn của các startup. Đầu ra của platform này, bao gồm hai nhóm hoạt động chính. Đầu tiên, là để sẵn sàng kết nối và thực hiện việc thương thảo với các nhà đầu tư thế giới trong một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra vào năm 2020: cuộc gặp gỡ giữa 100 startup Việt và 100 nhà đầu tư thế giới. Chương trình này đã được hậu thuẫn bởi bộ Kế hoạch Đầu tư và bộ Khoa học Công nghệ thông qua Đề án 844. Hoạt động thứ hai, thách thức hơn nhiều: hỗ trợ pháp lý để mở doanh nghiệp startup tại Mỹ để có thể gọi vốn cộng đồng bằng cổ phần thông qua cổng doanh nghiệp Republic. Nói đến đây, mới nhớ ra anh Kenrick Nguyễn, một trong những thành viên quan trọng nhất của Angelist đã xây dựng Republic và tham dự Techfest từ năm 2017 với mong muốn hỗ trợ khởi nghiệp Việt. Mất bấy lâu thời gian, và thêm đối tác Viet Challenge, để chàng luật sư thành danh nước Mỹ này mới có thể hiện thực hóa giấc mơ “tiếp sức cho đồng hương Việt Nam của mình…”.
Cuộc gặp cuối năm kéo dài hơn với phần chia sẻ của những khởi nghiệp Việt đã chinh phục thành công đấu trường Boston các năm. Đó là trải nghiệm về sự thay đổi cách suy nghĩ của Vân Phạm Nấm Tươi Cười khi được các huấn luyện viên hàng đầu thế giới hỗ trợ cách gọi vốn, thuyết trình: giấc mơ và tầm nhìn có lớn đến mấy, thì điều quan trọng nhất là phải thực tiễn, nói cái gì là phải có dẫn chứng, có bằng chứng, và làm cho thật vào. Là bài học của Việt Nguyễn, quán quân 2016 với hành trình hỗ trợ nối dài của cuộc thi từ đó đến giờ, kết thành một cộng đồng nương tựa lẫn nhau để cùng chia sẻ giấc mơ lớn…