Trong nền kinh tế hiện nay, khái niệm tài sản doanh nghiệp không chỉ còn bó hẹp trong các tài sản hữu hình như nhà xưởng hay máy móc, mà còn mở rộng tới phần rất quan trọng là các tài sản vô hình, trong đó có thông tin và dữ liệu doanh nghiệp.

Việc quản trị dữ liệu doanh nghiệp đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh đi kèm với các giải pháp bảo mật và lưu trữ cần thiết. Nhưng sự bảo vệ như vậy từ góc độ doanh nghiệp là chưa đủ bởi trong bất kỳ nền kinh tế nào, sự bảo vệ tự thân này luôn cần phải đi kèm với sự bảo hộ của nhà nước theo luật định.

Theo quan điểm của các nhà làm luật, cơ sở dữ liệu được bảo hộ với tư cách là “sưu tập dữ liệu” - một đối tượng của quyền tác giả. Việc bảo hộ như vậy được đưa ra lần đầu tiên tại Điều 2 của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật (Bản sửa đổi năm 1971) như sau: “Các tuyển tập, các tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như bộ bách khoa từ điển và các hợp tuyển mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ, đều phải được bảo hộ như nó vốn có, miễn không phương hại quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các tuyển tập này”.

Kế thừa Công ước Berne, Hiệp định TRIPS năm 1994 (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại trong quyền sở hữu trí tuệ của WTO) có Điều 10, quy định cụ thể hơn: “Các sưu tập dữ liệu hoặc tư liệu khác, dù dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác, mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ đều phải được bảo hộ như nó vốn có. Việc bảo hộ nói trên, với phạm vi không bao hàm chính các dữ liệu hoặc tư liệu đó, không được làm ảnh hưởng tới bản quyền đang tồn tại đối với chính dữ liệu hoặc tư liệu đó”.

Cơ sở dữ liệu nguyên gốc và không nguyên gốc

Theo các quy định trên, cơ sở dữ liệu được coi thuộc nhóm tác phẩm viết (literary work) và được bảo hộ quyền tác giả như một tác phẩm viết, bên cạnh một số nguyên tắc đặc thù áp dụng cho cơ sở dữ liệu. Để được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm nói chung và tác phẩm văn học nói riêng phải có tính nguyên gốc (originality). Đối với cơ sở dữ liệu, trên cơ sở hai điều luật nên trên “sự lựa chọn nội dung” được hiểu là việc chọn lọc dữ liệu, tư liệu trong khi “sự sắp xếp nội dung” chính là sự quyết định sưu tập dữ liệu sẽ được thể hiện theo cách như thế nào.

Cuốn niên giám điện thoại Iran Mỹ tại Mỹ - một ví dụ về cơ sở dữ liệu không có tính nguyên gốc. Ảnh: Lucy Nicholson/Reuters

Trong cả hai trường hợp này, tính nguyên gốc của dữ liệu đều phát sinh từ sự lựa chọn của tác giả sưu tập dữ liệu. Để tạo nên một “thành quả của hoạt động trí tuệ”, cần phải hiểu rằng sự lựa chọn này về bản chất không thể là việc lựa chọn một cách đơn giản hay thuần túy do yêu cầu kỹ thuật.

Với yêu cầu về tính nguyên gốc như trên đi kèm với nội hàm của việc bảo hộ như nó vốn có (as such), cơ chế bảo hộ dành cho cơ sở dữ liệu hoàn toàn phân biệt với cơ chế bảo hộ dành cho từng thành phần của cơ sở dữ liệu đó. Từng thành phần của cơ sở dữ liệu có thể có hoặc không được hưởng một cách độc lập sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tùy thuộc bản chất và nội dung của thành phần đó.

Ví dụ điển hình là cuốn niên giám điện thoại được một công ty điện thoại ấn hành hằng năm. Tổng thể cuốn niên giám điện thoại được bảo hộ quyền tác giả dưới tên công ty phát hành, trong khi những thông tin thành phần trong niên giám (như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, số fax, trang web) lại là những thông tin “thực tế”, không thuộc độc quyền của bất kỳ ai.

Do vậy, sự bảo hộ quyền tác giả cho cuốn niên giám chỉ dừng lại ở tổng thể cả cuốn với tư cách là một sưu tập dữ liệu và quyền này không mở rộng tới thông tin thành phần trong niên giám đó. Trường hợp này hoàn toàn khác với cơ sở dữ liệu về tình hình kinh doanh do một công ty tự xây dựng, bao gồm tổng hợp thông tin kinh doanh của mình theo từng thời kỳ, đi kèm với thống kê và các phân tích dựa trên các thống kê đó. Tổng thể cơ sở dữ liệu kinh doanh này được bảo hộ quyền tác giả và thông tin thành phần của cơ sở dữ liệu đó cũng được bảo hộ kể từ khi chúng được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.

Như vậy, có sự tồn tại của hai dạng cơ sở dữ liệu khác nhau về tính nguyên gốc của dữ liệu hay tư liệu thành phần của chúng. Loại thứ nhất là các cơ sở dữ liệu gồm tập hợp các thông tin do chính tác giả tổng hợp nên mà có, ví dụ như cơ sở dữ liệu về báo cáo kiểm toán của một doanh nghiệp được gọi là sưu tập dữ liệu có tính nguyên gốc (original database). Loại thứ hai là cơ sở dữ liệu gồm tập hợp của các thông tin/ dữ liệu công khai, thuộc về công chúng, được gọi là sưu tập dữ liệu không có tính nguyên gốc (non-original database) mà ví dụ điển hình là các niên giám điện thoại.

Trên thực tế, các cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp thường là sự kết hợp của hai dạng trên, tức là doanh nghiệp trên cơ sở các thông tin “thực tế”, hoặc thông tin thuộc về công chúng, tiến hành các phân tích, tổng hợp nhất định, từ đó phát triển được các thông tin độc quyền của doanh nghiệp. Tất cả các thông tin này sau đó được hợp nhất trong một cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp.

Đối với sưu tập dữ liệu ở dạng thứ nhất, cả tổng thể và từng thành phần đều có tính nguyên gốc, nên sự bảo hộ quyền tác giả là hiển nhiên. Nhưng đối với sưu tập dữ liệu ở dạng thứ hai, việc có hay không có sự bảo hộ quyền tác giả cũng như mức độ bảo hộ và khả năng thực thi các quyền mang lại từ sự bảo hộ này lại là vấn đề gây tranh cãi.

Từ góc độ của Công ước Berne và Hiệp định TRIPS, rõ ràng không có sự áp đặt lên các quốc gia thành viên nghĩa vụ phải bảo hộ các sưu tập dữ liệu là tập hợp của các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sưu tập dữ liệu như vậy (niên giám điện thoại, danh sách khách hàng, niêm giám nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong từng lĩnh vực), rõ ràng cần thiết phải có một sự bảo hộ ở mức độ nhất định đối với các sưu tập dữ liệu không có tính nguyên gốc như vậy.

Việc bảo hộ này không đi ngược lại nguyên tắc và bản chất của việc bảo hộ theo Công ước Berne, đặc biệt là khi tính đến nguyên tắc phân tách giữa việc bảo hộ tổng thể sưu tập dữ liệu khỏi việc bảo hộ các dữ liệu, tư liệu thành phần.

Trên thực tế, pháp luật và tòa án các nước đưa ra những phán quyết khác nhau về vấn đề này. Tại Mỹ, trong vụ kiện nổi tiếng giữa Feist Publications, Inc. và Rural Telephone Service Company, Inc. năm 1991 - liên quan tới cáo buộc về việc bị đơn sử dụng không phép niên giám điện thoại do nguyên đơn xây dựng, Tòa án Tối cao nước này đã đưa ra phán quyết rằng niên giám điện thoại của nguyên đơn không được bảo hộ quyền tác giả do không đáp ứng yêu cầu về tính nguyên gốc.

Theo tòa án này, một sưu tập dữ liệu chỉ được bảo hộ nếu các dữ liệu (là thông tin “thực tế”) được lựa chọn, tổng hợp và sắp xếp theo một cách thức đủ để tạo ra một tác phẩm tổng thể có tính nguyên gốc từ góc độ quyền tác giả. Do vậy, tòa án Mỹ cho rằng việc lựa chọn và sắp xếp các danh mục tư liệu của nguyên đơn - bao gồm tên thuê bao, địa chỉ, số điện thoại - không đủ tính sáng tạo cần thiết để biến một bộ danh mục tư liệu thuần túy thành một tác phẩm được hưởng quyền tác giả.

Tuy nhiên, Ủy ban Liên minh châu Âu lại ban hành Chỉ thị 96/9/EC năm 1996 về bảo hộ pháp lý đối với cơ sở dữ liệu, trong đó công nhận quyền của tác giả/ chủ sở hữu đối với cơ sở dữ liệu không có tính nguyên gốc. Chỉ thị này có hiệu lực tới ngày nay và đã nội luật hóa trong pháp luật một số quốc gia châu Âu.

Năm 1996, tại một hội nghị của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các nhà làm luật đã đưa ra ý tưởng về sự bảo hộ cụ thể hơn dành cho các sưu tập dữ liệu không có tính nguyên gốc và đã soạn thảo một dự thảo về sự bảo hộ này, mang tên Hiệp ước WIPO về bảo hộ pháp lý đối với cơ sở dữ liệu.

Tại phần Lời dẫn của dự thảo hiệp ước này, các nhà làm luật nêu rõ: “Mục đích của hiệp ước này bao gồm thiết lập một hình thức bảo hộ mới đối với cơ sở dữ liệu thông qua việc cấp quyền ở mức độ đủ để bên xây dựng cơ sở dữ liệu có thể bù đắp được khoản đầu tư đã bỏ ra và thông qua việc cung cấp một sự bảo hộ quốc tế theo cách thức hiệu quả và thống nhất nhất có thể.” Tuy nhiên, cho tới nay, bản dự thảo này vẫn chưa được thông qua.

Bảo hộ cơ sở dữ liệu theo luật Việt Nam

Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Berne vào năm 2004. Cùng với sự gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam cũng phát sinh nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, hiện các quy định pháp lý của Việt Nam liên quan tới bảo hộ cơ sở dữ liệu còn chưa thật sự đầy đủ.

Trên cơ sở các hiệp ước quốc tế này, về mặt xác định đối tượng bảo hộ, Khoản 1, Điều 14 và Khoản 2, Điều 22 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009) quy định: “Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu” và “Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo - thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó”.

Như vậy, cơ chế bảo hộ cơ sở dữ liệu được áp dụng tương tự như các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác. Cụ thể, quyền nhân thân đối với tác giả của cơ sở dữ liệu được bảo hộ vô thời hạn, quyền tài sản đối với cơ sở dữ liệu được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết (Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy nhiên, hiện các quy định pháp lý của Việt Nam liên quan tới bảo hộ cơ sở dữ liệu còn chưa thật sự đầy đủ.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã dần ý thức hơn trong việc xây dựng và bảo vệ cơ sở dữ liệu của mình, nhưng nguy cơ phát sinh các tranh chấp liên quan vẫn đang tiềm tàng trong bối cảnh pháp luật trong nước hiện vẫn còn thiếu quy định dành riêng cho cơ sở dữ liệu. Việc tồn tại song song hai quyền tác giả của tổng thể cơ sở dữ liệu và tư liệu thành phần cũng như sự phát triển đa dạng của các cơ sở dữ liệu không có tính nguyên gốc đang đòi hỏi cần phải có thêm các quy định đặc thù để giải quyết các vấn đề về quyền của tác giả/ chủ sở hữu cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước và tòa án còn thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả nói chung và cơ sở dữ liệu nói riêng. Chính vì vậy, việc giải quyết các khiếu kiện liên quan tới cơ sở dữ liệu cũng như việc tư vấn của luật sư trong các vụ việc liên quan tới cơ sở dữ liệu gặp khá nhiều khó khăn.

Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp là gì?

Trong thực tiễn pháp lý quốc tế, cơ sở dữ liệu được thống nhất là “một tập hợp các tác phẩm, dữ liệu, hoặc của các tư liệu độc lập được sắp xếp theo một hệ thống hoặc phương pháp nhất định và có thể tiếp cận bởi các cá nhân thông qua phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác”.

Theo đó, cơ sở dữ liệu bao gồm từ danh sách thư tín, danh sách khách hàng, danh bạ điện thoại cho tới các cơ sở dữ liệu có nội dung phức tạp hơn như thống kê kế toán, thống kê kinh doanh, phân tích thị trường, thông số kiểm toán và thông tin nội bộ doanh nghiệp...

Các hành vi xam phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam

- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt cơ sở dữ liệu tới công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (Khoản 10, Điều 28).

- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình (Khoản 12, Điều 28).

- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm (Khoản 13, Điều 28).

- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình (Khoản 14, Điều 28).