Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định như vậy tại hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức ngày 21-22/4 tại Ninh Bình.
Doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc bày tỏ sự lo ngại về phần đóng góp rất khiêm tốn của nông nghiệp vào nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp 16,32% cho GDP trong năm 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng rất thấp - chỉ chiếm 1% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng - nơi có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Thứ trưởng cho rằng cần phải tìm cách nâng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc ứng dụng KH&CN và phải kéo được doanh nghiệp tham gia cùng: “Cần tìm cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: N. Hiệp
Cũng khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp, ông Lê Quốc Doanh cho rằng phải xác định doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là nòng cốt cho câu chuyện này. Đây là một bài toán khó vì những doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đa số là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ một tín hiệu mừng: Hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đồng bằng sông Hồng như Tập đoàn Vingroup đầu tư ở Vĩnh Phúc, TH True Milk đầu tư vào Thái Bình. Gần đây, Nông trường Đồng Giao đã chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, đẩy mạnh việc trồng dứa, rau, chuối xuất khẩu và đang hoạt động rất tốt.
Tập trung nguồn lực vào trục sản phẩm quốc gia
Ông Lê Quốc Doanh cho biết, ngành nông nghiệp đang xác định trục phát triển sản phẩm ưu tiên nhóm xuất khẩu bao gồm lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái... Cần chọn mỗi tỉnh 2-3 sản phẩm chủ lực để tập trung nguồn lực phát triển; sản phẩm địa phương cần được lựa chọn gắn với việc xây dựng nông thôn mới và tất cả các sản phẩm phải tạo ra chuỗi thực sự. Muốn làm được điều đó, điều kiện đầu tiên là phải có thị trường minh bạch và quan trọng hơn là phải đẩy mạnh sự vào cuộc của KH&CN.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng với các ngành địa phương tái cơ cấu nông nghiệp. Để đạt mục tiêu này, hai trụ cột được xác định là KH&CN và tổ chức lại sản xuất. Hiện Đồng bằng sông Hồng còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nếu không tổ chức lại sản xuất thì KH&CN không thể vào cuộc với nông nghiệp được. Tuy không thể thay đổi điều này trong một sớm một chiều nhưng phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức lại sản xuất để tận dụng lợi thế của KH&CN hơn nữa” - ông Doanh nói.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN trong hai năm 2017-2018 là đóng góp nhiều hơn vào đổi mới mô hình tăng
trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, Bộ KH&CN tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu, đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao...