Là nhà khoa học trẻ đã làm quen với môi trường quốc tế trong thời gian khá dài, tôi muốn đưa ra vài ý kiến về dự thảo quy định tiêu chuẩn phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học thời gian qua.
Tiến sỹ Đặng Văn Sơn. Ảnh: Loan Lê
Thứ nhất, trong dự thảo và thực tế hiện tồn tại 3 hội đồng (HĐ) chức danh là HĐ cơ sở, HĐ liên ngành và HĐ nhà nước. Các ứng viên phải vượt qua cả 3 cấp này mới đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tiêu chí chọn thành viên HĐ chỉ nêu rất chung chung về nghiên cứu và đóng góp, thiếu tiêu chí cụ thể về số bài báo công bố. Rất nhiều HĐ cơ sở không thể đủ người có chuyên môn đúng hay gần đúng với ứng viên, dẫn đến đánh giá không đúng kết quả nghiên cứu của ứng viên.
Ở các nước phát triển, việc phong PGS, GS là thẩm quyền của trường đại học. Các trường tự đưa ra tiêu chí riêng, hầu hết đều xét 3 yếu tố: Thành tích nghiên cứu, thành tích đào tạo và đóng góp cho học thuật. Các yếu tố này rất gần với tiêu chí trong bản dự thảo. Theo tôi, cần có lộ trình cụ thể khi nào thì việc xét phong PGS, GS được trả về cho các trường.
Thứ hai, việc ứng viên xét phong PGS khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật chỉ cần có 2 bài báo ISI, Scopus như trong dự thảo là quá thấp so với tiêu chuẩn của một nhà nghiên cứu. Ngay tiêu chuẩn tốt nghiệp tiến sỹ ở rất nhiều trường tại Đài Loan, Hàn Quốc đã đòi hỏi ít nhất 2 bài ISI. Tôi cho rằng cần yêu cầu ít nhất 10 bài ISI đối với ứng viên PGS và 20 bài với ứng viên GS trong khối ngành này.
Tuy nhiên, với khối khoa học xã hội và nhân văn, việc xuất bản sách có thể được đánh giá cao hơn bài báo. Do đó, cần có tiêu chí chi tiết hơn hiện nay về số công trình công bố trên tạp chí quốc tế cho phù hợp với từng chuyên ngành; nhưng ứng viên nhất định phải có công bố quốc tế có bình duyệt. Việc nâng tiêu chuẩn này là cần thiết trong điều kiện hội nhập bởi chúng ta cần chất lượng chứ không cần số lượng.
Thứ ba, hiện không có quy định về miễn nhiệm chức danh PGS, GS với người chuyển hẳn khỏi cơ sở đào tạo hoặc không còn làm công tác chuyên môn. PGS, GS là chức danh phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo của các đơn vị giáo dục và nghiên cứu, nên việc miễn nhiệm là cần thiết với những người không còn làm công tác đó nữa. PGS và GS không phải là chức danh trọn đời.