Năm 2014, Facebook mua công ty dịch vụ nhắn tin trực tuyến Whatsapp với giá 19 tỷ USD cùng 55 nhân viên và số tài sản hữu hình không đáng kể. Lý do khiến Facebook bỏ ra khoản tiền khổng lồ để mua Whatsapp chính là khối tài sản vô hình của công ty này.

Trong khi đó, tỷ lệ tài sản vô hình của khối S&P 500 (các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán mỹ) cũng đang chứng kiến sự xoay chiều khi tăng từ mức xấp xỉ 20% vào năm 1975 lên mức 84% năm 2015.

Trong suốt một thời gian dài trong lịch sử kể từ khi bắt đầu có hoạt động giao thương, tài sản hữu hình luôn chiếm vai trò quyết định. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, trong tổng giá trị của các doanh nghiệp trên toàn cầu - đặc biệt là tại những thị trường hàng đầu như
Mỹ và châu Âu - đã có sự phát triển đảo ngược khi khối tài sản vô hình đang dần chiếm vị trí quyết định so với tài sản hữu hình truyền thống.

Năm 1999, Peter Drucker - chuyên gia về quản lý doanh nghiệp Mỹ - từng nhận định rằng: “Tài sản giá trị nhất của một công ty trong thế kỷ 20 là hàng hóa và thiết bị, còn tài sản giá trị nhất của một công ty trong thế kỷ 21 sẽ là tri thức và năng suất lao động. Do đó, các công ty sẽ cạnh tranh với nhau trong một nền kinh tế tri thức”. Khối tài sản tri thức mà Drucker nhắc đến chính là tài sản vô hình (Intangible Asset)

Sở hữu trí tuệ áp đảo trong khối tài sản vô hình

Theo cách hiểu chung trên thế giới, tài sản vô hình của các doanh nghiệp được chia thành hai phần chính: Vốn trí tuệ (Intellectual Capital - gồm các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ bằng pháp luật như bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu, thương hiệu, bí mật thương mại, các loại giấy phép…) và Năng lực kinh doanh (Economic Competencies - gồm những thứ không mang tính sở hữu chính thức như lợi thế thương mại, văn hóa công ty, tri thức tích lũy, trình độ chuyên môn, quy trình kinh doanh hay quan hệ khách hàng)


Bên cạnh đó còn có cách phân chia khối tài sản vô hình thành 3 nhóm chính: Sở hữu trí tuệ (Intellectual Property - gồm thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, bằng độc quyền sáng chế, bản quyền, thành tựu công nghệ, bí mật kinh doanh, chiến lược marketing, cơ sở dữ liệu…); Các quyền (Rights - gồm những văn bản như hợp đồng thuê mượn, thỏa thuận phân phối, hợp đồng nhân sự, thỏa thuận tài chính, hợp đồng cung cấp hàng hóa, giấy phép, giấy chứng nhận, franchises…); Các mối quan hệ (Relationships - gồm lực lượng lao động, quan hệ khách hàng, quan hệ phân phối, quan hệ kinh doanh).

Tại Việt Nam, chuẩn mực số 04 nằm trong Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành năm 2001 đã định nghĩa: “Tài sản cố định vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình”. Cũng theo chuẩn mực này, những thứ muốn được coi là tài sản vô hình cần phải đảm bảo có đủ 3 yếu tố: Tính có thể xác định được, có khả năng kiểm soát được và mang lại lợi ích kinh tế cho người sở hữu trong tương lai.

Hiện chưa có một thống kê cụ thể từ trong nước để có thể định lượng tổng giá trị khối tài sản vô hình của chúng ta là bao nhiêu. Tuy nhiên vào năm 2015, Brand Finance - hãng định giá thương hiệu đến từ Anh - đã tiến hành đánh giá về khối tài sản vô hình tại Việt Nam và đưa ra các thống kê đầu tiên dựa trên phương pháp định giá mà họ đã áp dụng và được chấp nhận tại nhiều nước.

Theo đó, tổng giá trị ước tính của khối tài sản vô hình tại Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 26 tỷ USD và chiếm 38% trong tổng giá trị các doanh nghiệp được khảo sát (62% còn lại là các tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc, hàng hóa, tiền mặt…).

Trong khi đó, cũng theo đánh giá của Brand Finance, tổng giá trị tài sản vô hình của cả khối ASEAN đạt khoảng 956 tỷ USD và như vậy Việt Nam chỉ chiếm vỏn vẹn 2,7% trong số này. Mặc dù con số đã phản ánh tổng giá trị khối tài sản vô hình ở Việt Nam còn khá khiêm tốn ở khu vực Đông Nam Á, nhưng có một điểm chung như các nước là sở hữu trí tuệ đang ngày càng khẳng định giá trị thực tế và chiếm phần quan trọng trong khối tài sản vô hình.

Trong đó đáng chú ý là tại Điều 35, Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 đã cho phép nhà đầu tư được góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ: “Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ quyền sở hữu trí tuệ có giá trị sử dụng để góp vốn tương đương với các loại tài sản hữu hình truyền thống như tiền mặt và vàng.

Cần đo khối tài sản vô hình

Đặc trưng của tài sản vô hình là không thể tách rời tài sản hữu hình và chúng chỉ có giá trị khi tương tác nhau. Giá trị của khối tài sản vô hình thường bộc lộ cụ thể nhất trong các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Để đo lường được giá trị vốn hóa của khối tài sản không nhìn thấy được phục vụ cho việc định giá doanh nghiệp, các công ty kiểm toán lớn trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu để công bố báo cáo thống kê về lĩnh vực này. Mỗi hãng có một cách thức riêng khảo sát và định giá tài sản vô hình với quy mô từ một doanh nghiệp đơn lẻ, từng ngành công nghiệp, mỗi quốc gia cho đến phạm vi toàn cầu.


Hãng kiểm toán Ernst & Young đã thực hiện cuộc khảo sát dựa trên những giao dịch mua bán và sáp nhập để đưa ra thống kê chung vào năm 2009 về tài sản vô hình trên quy mô thế giới. Theo đó, trong khối tài sản của các doanh nghiệp đã được định giá, tài sản vô hình chiếm tỷ trọng trung bình 70% và còn lại 30% là tài sản hữu hình.

Đặc biệt, những doanh nghiệp trong các ngành đặc thù như dược phẩm và công nghệ sinh học, khối tài sản vô hình chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối tổng giá trị. Nguyên nhân là do giá trị cốt lõi của các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này phụ thuộc chủ yếu vào quyền sở hữu trí tuệ như các bằng độc quyền sáng chế.

Khi đi vào phân tích khối tài sản vô hình của một số ngành kinh tế cụ thể như truyền thông - giải trí, hàng tiêu dùng, dược phẩm, viễn thông hay ngân hàng, cho thấy có một điểm chung là “các quan hệ liên quan tới khách hàng” thường đóng vai trò đáng kể. Trong khi đó, tài sản vô hình phổ biến nhất là “thương hiệu” và “nhãn hiệu” lại không chiếm vai trò áp đảo như cách hình dung thông thường. Trong các ngành như ngân hàng thì “thương hiệu” hay “nhãn hiệu” chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng giá trị khối tài sản vô hình.

Tuy nhiên, trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng thì “thương hiệu” và “nhãn hiệu” lại thể hiện
sức mạnh khi chiếm tới 39% giá trị khối tài sản vô hình.

Một khảo sát uy tín khác về tài sản vô hình trong doanh nghiệp là báo cáo thường niên Global Intangible Finance Tracker (GIFT) của Brand Finance (Anh), trong đó chú trọng đến việc phân tích giá trị của “thương hiệu” - một phần của sở hữu trí tuệ. Hãng này khảo sát trên 120 thị trường chứng khoán quốc gia với hơn 58.000 doanh nghiệp, đại diện cho 99% tổng giá trị thị trường tài chính toàn cầu.

Theo ông Bryn Anderson - Giám đốc tác nghiệp (COO) của Brand Finance, số liệu năm 2015 cho thấy tài sản vô hình đang chiếm 53% tổng giá trị các công ty được khảo sát trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng khối tài sản vô hình hiện vẫn chưa được nhận thức và quản trị một cách tương xứng với tầm quan trọng.

Các ngành kinh tế có tài sản vô hình chiếm tỷ trọng lớn nhất theo đánh giá của Brand Finance có nhiều tương đồng với kết quả khảo sát của hãng Ernst & Young. Theo công bố năm 2015 của Brand Finance, quảng cáo và phần mềm là những ngành kinh tế có tài sản vô hình gần như chiếm toàn bộ giá trị của các doanh nghiệp hoạt động trong đó.

Ngoài ra, các ngành khác cũng có tỷ trọng tài sản vô hình lớn gồm công nghệ sinh học (chiếm 96%), Internet (94%), dược phẩm, viễn thông, nước giải khát, mỹ phẩm (đều
chiếm trên 90% giá trị doanh nghiệp).

Khối tài sản vô hình tại Mỹ

Những số liệu trên phản ánh tỷ trọng giữa tài sản vô hình và hữu hình trong các doanh nghiệp đã có sự dịch chuyển mạnh trong những thập kỷ gần đây, việc các doanh nghiệp ngày càng phát triển nhờ việc khai thác tài sản trí tuệ và năng lực chuyên môn hơn là những yếu tố vật lý. Trong đó, Mỹ là nước điển hình của sự gia tăng giá trị tài sản vô hình.


Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, kể từ giữa những năm 90, đa số vốn đầu tư kinh doanh tại nước này đổ vào lĩnh vực tài sản vô hình thay vì tài sản hữu hình như trước đó.

Kết quả công bố của Brand Finance năm 2015 cũng xếp Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về giá trị tài sản vô hình, khi khối tài sản không nhìn thấy được này chiếm tới 73% tổng giá trị quốc gia. Một trong những lý do giải thích cho kết quả này bởi vì Mỹ là quê hương của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay như Apple, Google và Facebook đang hoạt động trong lĩnh vực Internet - một trong những ngành kinh tế có giá trị tài sản vô hình lớn nhất.

Để có kết quả đo đếm cụ thể, công ty đầu tư tài chính Ocean Tomo đưa ra bản nghiên cứu thường niên về giá trị thị trường của các tài sản vô hình tại Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu vào danh sách S&P 500 (các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ).

Theo ước tính của Ocean Tomo, năm 1975 có hơn 80% tổng giá trị của S&P 500 là các tài sản hữu hình (gồm bất động sản, nhà xưởng, trang thiết bị, tiền mặt). Nhưng sau vài thập kỷ, tỷ trọng tài sản này đã có sự đảo ngược: Trong báo cáo năm 2015, tài sản vô hình của S&P 500 chiếm tới hơn 84% tổng giá trị, tăng 10% so với 10 năm trước đó và tăng 52% so với năm 1985 - thời điểm Ocean Tomo bắt đầu thực hiện nghiên cứu khảo sát về giá trị tài sản vô hình của các công ty hàng đầu nước Mỹ.

Xu thế gia tăng giá trị của khối tài sản vô hình tại Mỹ phản ánh sự đi lên của các ngành công nghiệp mới như thương mại điện tử hay điện thoại di động - nơi mà một số công ty quy mô nhỏ nhưng có tổng giá trị khổng lồ nhờ sở hữu khối tài sản vô hình. Khối tài sản này được vốn hóa chi tiết thông qua các thương vụ thâu tóm đình đám. Ngoài sự kiện Công ty Whatsapp được Facebook mua với giá 19 tỷ USD, trong cùng năm 2014 còn có các thương vụ sáp nhập khác lớn hơn nhiều: AT&T mua công ty truyền hình vệ tinh DirectTV gần 50 tỷ USD hay Comcast bỏ 45 tỷ USD mua đối thủ Time Warner Cable.

Các thương vụ này có điểm chung là trị giá doanh nghiệp chủ yếu do khối tài sản vô hình mang lại chứ không phải các tài sản hữu hình. Tuy nhiên, không chỉ các công ty liên quan đến lĩnh vực Internet hay truyền thông, giải trí mới có tỷ trọng tài sản vô hình vượt trội so với tài sản hữu hình.

Hãng phân tích tài chính Sonecon của Mỹ đã tiến hành đo đếm cụ thể giá trị khối tài sản vô hình trong từng ngành kinh tế của nước này. Danh sách 10 ngành công nghiệp có tỷ trọng tài sản vô hình chiếm trên 90% giá trị thị trường được Sonecon công bố cho thấy sự đa dạng các ngành nghề. Một số ngành không liên quan đến Internet như sản xuất ôtô hay hàng tiêu dùng, dược phẩm cũng có trị giá tài sản vô hình được định giá cao hơn so với giá thị trường của ngành đó.

Như vậy, vai trò then chốt của giá trị tài sản vô hình đối với các doanh nghiệp trên thế giới - trong đó có Việt Nam - đã trở thành hiện thực chứ không còn là dự đoán, với những thống kê cụ thể. Thực tế này dẫn đến việc tại những doanh nghiệp nằm trong nhóm đầu về giá trị tài sản vô hình, chỉ cần những quyết định nhỏ liên quan đến tài sản vô hình đang sở hữu cũng có thể mang lại lợi ích khổng lồ mà tài sản hữu hình khó có thể so sánh.