Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, hàng chục startup Đông Nam Á vẫn trở thành kỳ lân. Các chính sách ưu ái khởi nghiệp ở khu vực này trong năm qua đang tiếp tục mở ra cơ hội cho nhiều startup.

Một số nước Đông Nam Á đang đưa ra các chính sách cạnh tranh mới để thu hút khởi nghiệp và tạo ra các công ty kì lân mới | Ảnh: IStock
Các nước Đông Nam Á đang đưa ra các chính sách cạnh tranh mới để thu hút khởi nghiệp và tạo ra các công ty kì lân mới | Ảnh: IStock

Singapore: Tạo thuận lợi cho các giao dịch SPAC

Giai đoạn cuối năm 2020, đầu năm 2021 là thời kì bùng nổ của các giao dịch SPAC (Special purpose acquisition companies) ở châu Á – tức các công ty “vỏ” được lập ra để mua lại những doanh nghiệp tư nhân và đưa lên thị trường chứng khoán lớn mà không phải thông qua quá trình chào bán công khai (IPO) truyền thống. Trên thực tế, số lượng sáp nhập SPAC vào năm ngoái đã tăng hơn gấp đôi so với tổng số giao dịch của năm 2020, đạt gần 100 tỷ USD.

Không như Mỹ, mô hình SPAC ít phổ biến ở châu Á. Hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán tại khu vực không cho phép niêm yết các công ty rỗng như vậy. Nắm bắt cơ hội này, vào tháng 9, sàn giao dịch Singapore đã chính thức phát hành các quy tắc niêm yết mới cho SPAC, cho phép các công ty (bao gồm cả những startup đang tìm kiếm cơ hội IPO) và nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư và thoái vốn.

Theo quy định, các công ty SPAC ở Singapore phải đáp ứng những yêu cầu như có giá trị vốn hóa tối thiểu khoảng 150 triệu SGD, phải mua được công ty mục tiêu trong vòng 24 tháng (gia hạn thêm tối đa 12 tháng), nhà tài trợ phải mua tối thiểu 2,5-3,5% cổ phiếu IPO và chiếm tối đa 20% cổ phiếu IPO.

Không những tạo ra một cơ chế thuận lợi, chính phủ Singapore cũng công bố một quỹ trị giá 1,5 tỷ SGD (khoảng 1,1 tỷ USD) để đầu tư trực tiếp vào những startup đang ở giai đoạn cuối giúp họ nhanh chóng niêm yết trên sàn.

Năm ngoái, Singapore cũng chính thức cấp phép cho các startup về dịch vụ tiền điện tử - một trong những lĩnh vực Fintech đang tăng trưởng đột phá cảu thế giới.

Indonesia: Rộng cửa cho vốn và nhân lực nước ngoài

Chính phủ Indonesia hiện đưa ra nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 3/2021, Indonesia công bố một danh mục ưu tiên mới thay cho danh mục “tiêu cực” ban hành năm 2016, theo đó giảm đáng kể số lượng các lĩnh vực bị hạn chế sở hữu nước ngoài.

Một loạt lĩnh vực như công nghệ, truyền thông và viễn thông, vận tải, năng lượng, siêu thị, bệnh viện đều dỡ bỏ mức trần sở hữu nước ngoài 67%, và mở cửa cho 100% đầu tư nước ngoài. Chính sách này được cho là phù hợp với ý định khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia và tạo công ăn việc làm đề bù đắp những tác động từ đại dịch COVID-19.

Dĩ nhiên, vẫn có những quy định về việc đầu tư FDI phải tham gia đầu tư vào các hoạt động kinh doanh lớn với số vốn tối thiểu 10 tỷ IDR (khoảng gần 710.000 USD) không kể giá trị đất đai, nhà cửa. Tuy nhiên, để khuyến khích tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên công nghệ, các quy tắc đầu tư tối thiểu sẽ không áp dụng cho tiền được bơm vào các starup trong 15 đặc khu kinh tế - vốn được kì vọng trở thành các "thung lũng Silicon" và sản sinh ra các thế hệ kỳ lân mới.

Bên cạnh đó, theo luật, trong khi các doanh nghiệp khác muốn thuê người lao động nước ngoài phải được sự chấp thuận của chính phủ trung ương, thì các công ty khởi nghiệp được miễn trừ, cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với những nhân lực tay nghề cao từ nước ngoài.

Vào tháng 12, tổng thống Indonesia cũng tuyên bố ra mắt Quỹ Merah Putih, nhắm vào tài trợ cho các công ty sắp trở thành kỳ lân.

Việt Nam: Sandbox đầu tiên cho Fintech

Vào tháng 3/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt triển khai thí điểm một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho lĩnh vực công nghệ tài chính là Mobile Money – tức dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - đánh dấu dịch vụ công nghệ mới đầu tiên được triển khai dưới sự giám sát của nhà nước. Đến cuối năm, ba nhà mạng lớn nhất đã được cấp giấy phép triển khai loại hình thanh toán không dùng tiền mặt này trong 2 năm.

Việt Nam hiện có hơn 150 công ty Fintech, chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán. Tỷ lệ người dùng dịch vụ của các công ty Fintech tại Việt Nam cũngtăng từ 16% (năm 2017) lên 56% (năm 2021). Sau sandbox cho Mobile Money, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ vọng chính phủ sớm ra mắt những hành lang pháp lý mới cho nhiều dịch vụ tài chính khác như cho vay ngang hàng (P2P Lending), gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), đầu tư và quản lý tài sản, công nghệ bảo hiểm (Insurtech), Blockchain…

Cùng thời điểm, Chính phủ cũng thông qua Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, đưa ra các cam kết thiết lập sandbox cho những ngành nghề mới, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm chủ công nghệ lõi và tạo điều kiện cho việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ.

Sau 5 năm tạo nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua Đề án 844, Bộ KH&CN Việt Nam cho biết với Quyết định 188 ban hành vào tháng 2/2021, các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho 5 năm tiếp theo sẽ đi sâu hơn vào thiết lập hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo ở nhiều địa điểm trên cả nước.

Thái Lan: Gây quỹ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Thái Lan đã công bố một kế hoạch mới vào tháng 9/2021, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp ở Thái Lan huy động tài chính thông qua các đợt chào bán công khai từ các nhà đầu tư tư nhân hoặc gây quỹ cộng đồng. Đây là một loại hình IPO mới để huy động vốn trên quy mô lớn mà Ủy ban chứng khoán gọi là SME-PO, dự kiến sẽ ban hành các quy định để thực hiện trong quý I/2022.

Trong khi đó, với các dự án công nghệ cao quy mô lớn, Ủy ban Đầu tư Thái Lan đã đưa ra các biện pháp tăng tốc đầu tư. Cụ thể, ngoài thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường 5-8 năm, các khoảng đầu tư có giá trị ít nhất 1 tỷ THB (khoảng 30 triệu USD) được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sẽ được khấu trừ thêm 50% thuế trong 5 năm.

Hơn nữa, Ủy ban đầu tư đã đề nghị miễn thuế cho một nửa giá trị đầu tư trong 3 năm cho các doanh nghiệp hiện có trong các ngành công nghệ như tích hợp phần mềm, AI, học máy và phân tích dữ liệu lớn. Các công ty đủ điều kiện có thể nộp đơn đến hết năm 2022.

Malaysia: Kế hoạch cho nền kinh tế kỹ thuật số

Ra mắt vào tháng 2/2021, Kế hoạch chi tiết về kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MyDIGITAL) được ban hành để biến Malaysia trở thành quốc gia có thu nhập cao dựa trên kỹ thuật số và dẫn đầu khu vực trong nền kinh tế số vào năm 2030. Mục tiêu của chính quyền là thúc đẩy 875.000 doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của họ chuyển sang thương mại điện tử, tạo ra thêm 2 công ty kỳ lân và xúc tác tăng trưởng cho 5.000 startup trong 5 năm tới. Sáng kiến này là bàn đạp để thu hút 70 tỷ RM (khoảng 16,5 tỷ USD) vào lĩnh vực kỹ thuật số của Malaysia.

Bộ KH&CN Malaysia cũng đưa ra một lộ trình phát triển cho hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia này. Dựa trên phản hồi của hơn 300 bên liên quan trong hệ sinh thái, lộ trình đã vạch ra 16 can thiệp, trong đó có việc tạo lập một cổng thông tin startup kỹ thuật số (MYStartup) để cung cấp dịch vụ đào tạo, tăng tốc, huấn luyện, hackathons và kết nối cho các mạng lưới trong hệ sinh thái.

Vào tháng 7/2021, Malaysia đưa ra một tập hợp sáng kiến hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 gọi là MaGICARE. Sáng kiến này cung cấp một loạt các hỗ trợ tài chính, dịch vụ, tư vấn, khóa học cho doanh nghiệp, áp dụng đến hết năm 2021 và có thể lâu hơn.

Philippines: Triển khai Đạo luật Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo

Vào tháng 3 năm ngoái, ba cơ quan quản lý chính của nước này là Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thương mại và Công nghiệp đã ký sắc lệnh chung để thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đạo luật Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo và các quy tắc, quy định của nó. Đạo luật này được ký năm 2019, cho phép hệ sinh thái có được những lợi ích mới như visa cho khởi nghiệp, thủ tục hành chính nhanh, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp, đặc khu khởi nghiệp, trợ cấp cho các dự án, các chương trình phát triển hệ sinh thái, …

Tháng 11/2021, Bộ Thương mại và Công nghiệp và Công ty Phát triển Quốc gia NDC cho biết sẽ ra mắt Quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp, dành ra 250 triệu Peso (khoảng 5 triệu USD) cho các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng thảo luận về các chương trình tài trợ và phát triển nhân lực tài năng mà bộ này đang triển khai, bao gồm cả tài trợ cho nghiên cứu và tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong năm 2021, các chương trình của Bộ KH&CN đã hỗ trợ 84,9 triệu peso (khoảng 1,6 triệu USD) cho 25 startup và 30 triệu peso (khoảng 580.000 USD) cho 9 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Campuchia: Nền tảng Quốc gia Khởi nghiệp

Mặc dù đi sau một số nước trong khu vực, vào tháng 12, Bộ Kinh tế và Tài chính đã phát động "Chương trình quốc gia khởi nghiệp Campuchia", nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Họ thiết lập một nền tảng do Trung tâm Khởi nghiệp Techo và doanh nghiệp nhà nước Khmer Enterprise quản lý, gọi là "Startup Campuchia", để thu hút các bên liên quan hỗ trợ và ươm tác các công ty khởi nghiệp bằng những cơ chế đồng sáng tạo.

Việc ra mắt nền tảng "Startup Campuchia" có thể coi là một trong những bước đi đầu tiên để chính quyền nước này hỗ trợ tốt hơn cho khởi nghiệp, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút startup giữa các nước trong khu vực.


Tham khảo: