Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một lối đi tắt cho những công ty khởi nghiệp châu Á đến thị trường vốn ở Mỹ mà không phải thông qua cách IPO truyền thống.

Lựa chọn mới để niêm yết tại Mỹ nhanh hơn

Vào tháng trước, Grab Holdings, công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất Đông Nam Á cho biết họ sẽ ra mắt công chúng tại Mỹ bằng cách hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special purpose acquisition companies, hay SPAC). Điều này giúp Grab có một lối tắt nhanh chóng để được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq mà không phải thực hiện cách phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như truyền thống. Thương vụ của Grab với công ty Altimeter Growth được định giá ở mức gần 40 tỷ USD và cho thấy công cụ ưa thích của Phố Wall này đang bắt đầu thu hút sự quan tâm ở châu Á.

Grab Holdings có kế hoạch ra mắt công chúng tại Mỹ bằng cách hợp nhất với một SPAC đã niêm yết có tên là Altimeter Growth.

Về bản chất, SPAC là một công ty rỗng được các nhà đầu tư lập nên với mục đích huy động vốn để sau này mua lại và hợp nhất với một công ty khác đang hoạt động. Nói cách khác, các nhà đầu tư mua cổ phần trong SPAC cũng không biết sau này họ sẽ đầu tư vào doanh nghiệp nào. Chính SPAC sẽ thực hiện IPO để lên sàn chứng khoán. Sau đó, những người đứng sau SPAC sẽ tìm một công ty mục tiêu để mua lại. Công ty mục tiêu bị mua lại như Grab sẽ hợp nhất với SPAC và trở thành một công ty niêm yết công khai. Các SPAC thường nắm 20% cổ phần trong công ty cuối cùng sau khi sáp nhập.

Số lượng SPAC đang tăng lên nhanh chóng. Theo chuyên gia phân tích tại SPACInsider, đã có 248 công ty SPAC mới được tung ra vào năm 2020 với số vốn huy động tổng cộng 83 tỷ USD, tăng từ mức 59 công ty với giá trị vốn hóa 13,6 tỷ USD vào năm ngoài. Xu hướng này không có dấu hiệu chậm lại. Đến tháng 2/2021, đã có 160 công ty SPAC trong số đó được IPO.

Đối với các startup công nghệ tăng trưởng cao, SPAC mang lại cơ hội phát triển nhanh hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Một đợt IPO truyền thống ở Mỹ thường mất ít nhất sáu tháng đến một năm để chuẩn bị, dưới sự giám sát quy định chặt chẽ và những đợt kiểm tra khẩu vị của nhà đầu tư. Trong khi với SPAC, sau khi các cổ đông thông qua thương vụ mua lại, công ty chỉ mất từ ​​ba đến bốn tháng để hoàn thành việc niêm yết ra công chúng. Đây là một lựa chọn hấp dẫn cho những công ty cần huy động vốn nhanh và muốn biết chắc chắn số vốn có thể huy động được. David Chao, đồng sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm DCM hoạt động tại thị trường Mỹ và châu Á cho biết: “Sự gia tăng SPAC phần lớn là bởi thực tế rào cản của việc phát hành IPO thông thường đang quá cao”

Như Grab, các công ty công nghệ mới nổi ở châu Á có nhu cầu vốn mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng và theo kịp các đối thủ cạnh tranh. Hợp nhất với SPAC là một cách dễ dàng để đặt chân vào thị trường Mỹ, nơi có nguồn tài trợ dồi dào. Đối thủ truyền kiếp của Grab, công ty Gojek của Indonesia được cho là đang chuẩn bị hợp nhất với công ty thương mại điện tử Tokopedia trước khi ra mắt công chúng thông qua con đường SPAC.

Faraday Future do tỷ phú “Tesla của Trung Quốc” Jia Yueting thành lập cũng đã thông báo sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq thông qua việc sáp nhập với SPAC trong một thỏa thuận định giá sau khi hợp nhất ở mức 3,4 tỷ USD. Nhà sản xuất xe điện này đã phải vật lộn để tăng sản lượng dòng xe FF91 của mình.

Plus, một nhà phát triển xe tải tự lái khác có trụ sở ở cả Trung Quốc và Mỹ cũng đang xem xét việc lên sàn thông qua SPAC. Đại diện Plus cho biết họ thấy môi trường kinh doanh hiện tại “đang thuận lợi cho sự phát triển của các hãng vận tải đã có sẵn sản phẩm, tập khách hàng và chiến lược tăng trưởng” như công ty này.

Theo dữ liệu do Morrison & Foerster tổng hợp, đến ngày 23/4, bảy công ty có trụ sở tại châu Á đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC. Tám công ty khác trong khu vực đã công bố kế hoạch IPO thông qua SPAC.

Rủi ro và kiểm soát

Các quy tắc niêm yết của Mỹ yêu cầu SPAC phải mua lại và hợp nhất với một công ty đang hoạt động trong vòng hai năm, nếu không chúng sẽ phải giải thể và hoàn tiền cho cổ đông. Điều đó đồng nghĩa với việc đồng hồ thời gian đang đếm ngược cho gần 430 SPAC niêm yết tại Mỹ, buộc họ phải nhanh chóng tìm kiếm đối tượng để mua lại.

Trong khi đó, những công ty mục tiêu có nhu cầu sáp nhập với SPAC đang có vị thế để thương lượng những điều khoản tốt hơn. Điều này khiến những nhà đầu tư của SPAC phải đối mặt với không ít nguy cơ. Stanfill làm việc tại công ty điều tra thị trường PitchBook nhận xét rằng: “Hiệu suất cổ phiếu của một số doanh nghiệp sau khi kết hợp với SPAC có thể mờ nhạt, vì họ có thể đã đồng ý với một thương vụ tồi hoặc trả giá hớ”.

Các công ty SPAC này được phép đưa dự báo doanh thu trong tương lai vào bảng kế toán, do vậy nó có thể gây hiểu lầm đối với những nhà đầu tư thiếu hiểu biết và kinh nghiệm. Mặc dù SPAC cho phép các nhà đầu tư trên thị trường đại chúng được tiếp cận sớm với các công ty khởi nghiệp tăng trưởng cao - vốn là đối tượng săn đón của các nhà đầu tư mạo hiểm - nhưng nó cũng khiến họ gặp phải rủi ro lớn hơn thông thường.

Một số SPAC đã làm khá tốt, như cổ phiếu DraftKings và Virgin Galactic đều tăng giá kể từ khi lên sàn thông qua sáp nhập với SPAC. Tuy nhiên, công ty tư vấn Renaissance Capital đã chỉ ra rằng lợi nhuận bình quân từ các vụ sáp nhập SPAC trong thời gian từ 2015-2020 là thấp hơn so với mức lợi nhuận bình quân mà nhà đầu tư thu được từ các vụ IPO trong cùng thời kỳ. Tuy vậy, những vụ IPO trong làn sóng mới nhất vẫn chưa đủ thông tin để đưa ra kết luận.

Các cơ quan quản lý của Mỹ đã vào cuộc để hạ nhiệt thị trường SPAC. Vào tháng tư, John Coates, quyền giám đốc tài chính doanh nghiệp tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, nói rằng “một số - nhưng không phải là tất cả - những người hành nghề và bình luận viên đã tuyên bố rằng SPAC có lợi thế so với IPO truyền thống ở nó có chỗ mức độ chịu trách nhiệm pháp lý chứng khoán thấp hơn cho những công ty mục tiêu và công ty niêm yết”. Đây là một đặc điểm mà Coates gọi là “phóng đại” và “gây hiểu lầm nghiêm trọng”. Trong tháng qua, Ủy ban chứng khoán Mỹ đã đưa ra một số cảnh báo cho các nhà đầu tư đại chúng và những hướng dẫn mới nhằm thúc đẩy sự công khai minh bạch hơn trong các giao dịch SPAC.

Ở châu Á, mô hình SPAC ít phổ biến hơn. Hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán tại châu Á không cho phép niêm yết các công ty rỗng như vậy. So với Mỹ, châu Á có nhiều yêu cầu tiết lộ thông tin hơn và quy trình kiểm tra lâu hơn. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý trong khu vực đã và đang xem xét cách thức nắm bắt làn sóng SPAC mới này. Sở giao dịch Singapore đang lấy ý kiến phản hồi về khung quy định mới cho SPAC mà họ hy vọng sẽ hoàn thiện vào giữa năm 2021. Trong khi tại Nhật Bản, vào tháng ba, một hội đồng chính phủ đã đề xuất rằng các nhà chức trách cần xem xét có nên cho phép SPAC như một cách chuyển vốn cho các công ty khởi nghiệp hay không.

PitchBook cho biết tính đến cuối tháng 4/2021, tổng cộng 14 SPAC có trụ sở tại châu Á đã huy động được 2,8 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với con số 390 triệu USD huy động được vào năm 2019.