Có trường cao đẳng nọ, sau mấy năm liền không tuyển đủ sinh viên, đã hồi sinh ngoạn mục chỉ nhờ mời được giám đốc bán hàng của một chuỗi bán lẻ điện thoại về làm trưởng phòng tuyển sinh.

Trên số báo Khoa học và Phát triển ra ngày 8/3/2018 có bài “Xu hướng mới trong tuyển dụng lãnh đạo đại học ở Mỹ”, nói về thực tế quá nửa số trường đại học ở Mỹ hiện có người lãnh đạo không thuộc giới hàn lâm mà thuộc giới doanh nhân hoặc cựu quan chức. Xu hướng này gần đây cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, trong bối cảnh thương mại hóa, tư nhân hóa giáo dục đại học diễn ra mạnh mẽ.

TS Phạm Hiệp. Ảnh: FB tác giả

Về mặt truyền thống, lãnh đạo và quản lý đại học ở Việt Nam chủ yếu có xuất thân từ giảng viên có uy tín, có học hàm học vị cao, hoặc là công/viên chức nhà nước. Tuy nhiên, ngày càng có thêm nhiều các trường đại học Việt Nam có lãnh đạo cấp cao vốn là những người xuất thân từ khu vực tư nhân. Có thể dẫn ra trường hợp ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, hiện là Hiệu phó Đại học FPT hay bà Đàm Bích Thủy, người hiện giữ chức chủ tịch Đại học Fulbright nhưng trước đây là một lãnh đạo có uy tín thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Ở tầm quản lý cấp trung cũng có sự xuất hiện của người ngoài ngành dù có thể ít gây chú ý hơn. Một trường cao đẳng tôi quen, cách đây vài năm đã hồi sinh ngoạn mục sau một thời gian không tuyển đủ sinh viên, chỉ nhờ mời được giám đốc bán hàng của một chuỗi bán lẻ điện thoại về làm trưởng phòng tuyển sinh. Một trường hợp khác mà tôi biết, vốn là kỹ sư công nghệ thông tin, cách đây khoảng 10 năm chuyển về công tác tại một trường đại học để làm chánh văn phòng. Anh này nhất định giữ ở ngạch chuyên viên, mặc dù đã có bằng thạc sỹ và đủ điều kiện chuyển sang ngạch giảng viên (sẽ có chút lợi hơn về mặt lương phụ cấp lương bổng 25% theo quy định nhà nước).

Nhìn rộng ra, những câu chuyện kể trên phản ánh xu thế chuyên môn hóa giữa một bên là quản lý/hành chính và một bên là giảng dạy/nghiên cứu đang ngày càng rõ rệt ở khu vực giáo dục đại học ở nước ta.


Có thể lý giải hiện tượng này như thế nào?

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là việc từ 2005, Chính phủ Việt Nam đã chính thức công nhận và pháp điển hóa mô hình trường đại học tư thục, có chủ sở hữu. Nhờ đó, hàng loạt trường đại học tư thục đã ra đời với sự tham gia góp vốn/sở hữu của các tập đoàn tư nhân như FPT, Nguyễn Hoàng, Tân Tạo, Thành Thành Công… hay mới đây nhất là VinGroup. Và vì vậy, việc xuất hiện các nhân sự cấp cao và trung tại các trường đại học vốn xuất thân từ khu vực tư nhân là điều dễ hiểu.

Nguyên nhân thứ hai bắt nguồn từ xu hướng “tư nhân hóa” đang diễn ra khá mạnh mẽ tại bản thân các trường công. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đầu tư cho các trường sụt giảm, trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, các trường đại học công buộc phải năng động hơn, “tư nhân hóa” hơn để tìm được nguồn thu bằng nhiều cách: tuyển sinh, làm dịch vụ, nghiên cứu – triển khai… Trong hầu hết các trường công, ta đều thấy có nhiều đơn vị mới được thành lập, tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên; và rất nhiều trường hợp trong số đó, có lãnh đạo là người từ khu vực tư nhân.

Hiện tượng kể trên tại Việt Nam là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược của sự vận động của giáo dục đại học, vốn đã bắt đầu từ các nước phương Tây khoảng 20 năm trước.