Trong lúc nuôi trồng thủy sản thường bị cho là liên quan đến việc gây suy giảm chất lượng nước, tạo điều kiện cho các loài nuôi xâm lấn, hủy hoại môi trường sống ven biển,... nhiều bằng chứng lại cho thấy việc nuôi một số loài nhuyễn thể và rong biển còn đem đến lợi ích không ngờ cho hệ sinh thái.

Ủy ban Bảo vệ thiên nhiên (TNC) hiện đang làm việc cùng nhiều đối tác trong các dự án thực địa và nghiên cứu [tổng hợp] quy mô toàn cầu, nhằm đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi về giá trị của hoạt động nuôi trồng các loài nhuyễn thể và rong biển đối với môi trường sống. Những thông tin thu được sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở hướng tới chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản, hỗ trợ sự phục hồi của hệ sinh thái thay vì khiến nó tổn hại thêm.

Các trại nuôi nhuyễn thể cung cấp môi trường sống giàu dinh dưỡng cho nhiều loài thủy sinh. Ảnh: TNC.

Các trại nuôi nhuyễn thể cung cấp môi trường sống giàu dinh dưỡng cho nhiều loài thủy sinh. Ảnh: TNC.

Đánh giá tại Washington và Massachusetts

Trong số các lợi ích sinh thái của nuôi nhuyễn thể, phải kể đến vai trò cung cấp môi trường sống và sinh sản cho cá – điều ít được biết tới. Vì vậy, TNC đang cố gắng bổ khuyết khoảng trống về mặt tri thức này ở cả hai bờ Đông và Tây nước Mỹ.

Tại khu vực lạch Puget Sound thuộc tiểu bang Washington, và hai cảng Duxbury, Cotuit ở Massachusetts, TNC đã phối hợp với những người nuôi nhuyễn thể và đối tác khoa học, sử dụng camera GoPro để quan sát và phân tích cách thức hưởng lợi của cá từ môi trường quanh trại nuôi, tham khảo nghiên cứu của Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) – so sánh sự phong phú của cá, cua và nhiều loài thủy sinh khác trong môi trường trại nuôi [nhuyễn thể] với môi trường tự nhiên.

Nhờ mang các nhà khoa học, người nuôi và chủ thể liên quan lại với nhau trong một dự án cộng tác nghiên cứu thực địa tại trại nuôi thương phẩm nhuyễn thể, chúng ta sẽ đạt thêm nhiều hiểu biết về lợi ích của ngành này đối với môi trường.

California: mối tương tác giữa nhuyễn thể và thảm cỏ

Khoảng 90% môi trường sống của loài rong lươn (eelgrass) hay rong mái chèo biển ở California đã biến mất kể từ những năm 1850. Nếu như các tác động tiềm ẩn của nuôi trồng thủy sản đối với môi trường thường gây quan ngại và được xem là vấn đề thuộc về chính sách, trái với nhận thức của nhiều người, trong nhiều trường hợp người nuôi hàu lại quan sát thấy sự phát triển của rong lươn xung quanh trại nuôi.

Tại vịnh Tomales, TNC đang hợp tác cùng công ty Hog Island Oyster Co. (chuyên nuôi hàu) và đại học California Santa Cruz, sử dụng máy bay không người lái (drone) để theo dõi sự phát triển của rong lươn, từ đó đưa ra những đánh giá về tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực, của hoạt động nuôi nhuyễn thể lên hệ sinh thái nơi đây. Giả thuyết đang được khảo cứu là: bên cạnh lượng ánh sáng dồi dào, chính khả năng tự lọc nước và tích tụ chất dinh dưỡng của hàu đã tạo điều kiện cho rong lươn sinh trưởng gần trại nuôi.

Nhờ nỗ lực hợp tác của các bên, dự án này có thể sẽ góp phần đáng kể vào việc lấp đầy khoảng trống trong nhận thức về mối quan hệ tương tác giữa cỏ biển và nhuyễn thể, đồng thời hướng những trại nuôi phát triển theo cách tích cực. Ngoài ra, nhóm cũng đang tìm cách cải tiến giải pháp giám sát bằng máy bay không người lái để theo dõi các bãi triều và môi trường sống của rong lươn hiệu quả hơn.

Dùng drone theo dõi sự phát triển của rong lươn quanh khu vực trại nuôi của Hog Island Oyster Co. Ảnh: Torrey Johnson.

Dùng drone theo dõi sự phát triển của rong lươn quanh khu vực trại nuôi của Hog Island Oyster Co. Ảnh: Torrey Johnson.

Lợi ích từ các trại rong biển ở Belize

Tại nhiều nơi ở Trung và Nam Mỹ, cuộc sống của các cộng đồng dân cư ven biển vốn phụ thuộc vào nghề cá đang gặp không ít áp lực khi trữ lượng cá tự nhiên ngày càng sụt giảm. Bên cạnh mục đích ban đầu nhằm bổ sung sinh kế cho ngư dân, nghề trồng rong biển cũng đang tạo ra những đóng góp tích cực cho hệ sinh thái, chẳng hạn cung cấp môi trường sống, sinh sản và thúc đẩy sự phát triển của nhiều loài thủy sản quan trọng như tôm hùm, ốc xà cừ, …

Với những dự án nghiên cứu sinh thái tại 2 trại trồng rong thí điểm ở Belize (Hatchet Caye và Little Water Caye), TNC đang đi đầu trong việc khảo sát tiềm năng hỗ trợ của ngành này đối với sự phục hồi của các quần thể hoang dã, bao gồm những loài có giá trị quan trọng cả về mặt sinh thái lẫn thương mại. Kết quả khảo sát cho thấy, nhờ có trại rong, sự phong phú cùng tính đa dạng sinh học của nhiều loài cá và sinh vật biển có kích thước lớn đã được cải thiện đáng kể, với những biểu hiện rõ rệt hơn ở tầng đáy cát – nơi có cấu trúc khác với tầng cỏ biển. Phát hiện này thực sự rất có ý nghĩa, giúp trả lời câu hỏi: Trong điều kiện và bằng cách nào, nghề trồng rong biển có thể làm lợi cho môi trường?

Thợ lặn kiểm tra sự phát triển của dây rong tại trại nuôi ở Placencia, Belize. Ảnh: Randy Olson.

Thợ lặn kiểm tra sự phát triển của dây rong tại trại nuôi ở Placencia, Belize. Ảnh: Randy Olson.

Dự án khoa học tổng hợp quy mô toàn cầu

TNC cùng các đối tác khoa học đang tích cực tìm kiếm bằng chứng về lợi ích đa dạng của hoạt động nuôi trồng nhuyễn thể và rong biển đối với môi trường sống của nhiều loài khác nhau. Hai nghiên cứu gần đây của Alleway et al. (2019) và Gentry et al. (2019) đã cung cấp thêm nhiều thông tin rất có giá trị. Trong hoàn cảnh còn chưa được nhiều người biết tới, các tài liệu nghiên cứu hạn chế đã phần nào cho thấy sự biến chuyển tích cực của môi trường sống nhờ vào tác động của nuôi trồng thủy sản, tùy thuộc vào một số yếu tố.

Trong tương lai, chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này. Bên cạnh những nghiên cứu định lượng, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm về các cơ chế và quy trình sinh thái khiến sự phát triển theo chiều hướng thuận lợi có dịp nở rộ. Một điểm cần lưu tâm khác là nhận thức đầy đủ về sự đồng vận và đánh đổi do các tác động lên môi trường trên quy mô khác nhau – điều phụ thuộc vào mối quan hệ tương tác của nhiều yếu tố như loài nuôi, địa điểm thiết lập trại, mật độ canh tác, trang thiết bị, …

***

Sau cùng, những tri thức tích lũy được hứa hẹn sẽ giúp chúng ta nâng cao năng lực và thúc đẩy sự hợp tác để phát triển bền vững nghề nuôi trồng nhuyễn thể và rong biển, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cả con người lẫn tự nhiên. Nhờ sự dẫn lối của khoa học, chúng ta đang đi đúng hướng với sứ mệnh phát huy tiềm năng của lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phục hồi (restorative aquaculture): cung cấp nguồn thực phẩm bền vững, giúp cải thiện điều kiện kinh tế ven biển và thúc đẩy sự hồi sinh của hệ sinh thái.

Tác giả:

Robert Jones
Quản lý Chương trình Nuôi trồng thủy sản của Tổ chức Bảo tồn tự nhiên (TNC).
Chương trình bao gồm nhiều dự án tại 7 quốc gia để chứng minh các lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế của hoạt động nuôi trồng thủy sản đối với con người và tự nhiên.
Ngoài ra, Jones còn là điều phối viên Chương trình Nuôi trồng thủy sản của NOAA.

Chunyue Wei
Thực tập tại Chương trình Nuôi trồng thủy sản của TNC
Sinh viên sau đại học, chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Đại học Stanford.