Theo TS Lê Đức Mạnh, nếu không đi sâu vào công nghệ gốc, công nghệ nguồn thì không chỉ gặp hạn chế về ứng dụng mà còn khiến sản phẩm của chúng ta thiếu khả năng cạnh tranh. Để làm được như vậy, con người là yếu tố cốt lõi.

TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương. Ảnh: Lê Loan

Quan tâm đầu tư bài bản cả trong đào tạo, ứng dụng cũng như đầu tư nghiên cứu là điều cần thiết. Nói đến đầu tư nghiên cứu là không chỉ nói về Nhà nước, mà các doanh nghiệp cũng cần chú trọng khâu này. Bài học thực tế thời gian qua cho thấy rõ, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khoa học đều chiến thắng trên thương trường. Nhiều doanh nghiệp sữa, bia của Việt Nam đã có sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Nhận thức được điều này, bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu, đầu tư cho các phòng thí nghiệm, Viện Công nghệ thực phẩm luôn cử cán bộ đi học ở nước ngoài, học ý tưởng và cách giải quyết vấn đề của họ, chọn những khóa học gắn với thực tiễn. Vì thế, sản phẩm của viện ra thị trường rất nhanh.

Công nghệ enzym sản xuất siro glucose, tinh bột biến tính, maltooligusaccharite, maltodextrin mà chúng tôi chuyển giao cho Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương đã tạo ra sản phẩm chủ yếu của họ, trong đó maltodextrin được xuất đi Malaysia. Công nghệ enzym trong chế biến quả được chuyển giao cho rất nhiều doanh nghiệp. Viện còn thành công trong việc ứng dụng enzym trong chế biến thủy, hải sản, sản xuất thực phẩm chức năng, chiết xuất các sản phẩm từ tự nhiên... - TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công Thương cho biết.