Từng làm công việc nghiên cứu ở trường đại học trước khi “thoát ly” làm cho các tổ chức nước ngoài rồi lập công ty công nghệ riêng, tôi tự lập ra những thuật toán đặc biệt đem lại ưu thế cạnh tranh rất rõ cho sản phẩm.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Nam - Giám đốc Công ty cổ phần VP9 Việt Nam.
Nhờ đó, công ty tăng trưởng nhanh dù còn non trẻ và kém đối thủ về nhiều mặt. Từ kinh nghiệm đó, tôi cho rằng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp nếu có ít nhất một người am hiểu công việc nghiên cứu thì việc chủ động đặt hàng nghiên cứu nhằm tạo tính năng ưu việt cho sản phẩm sẽ dễ dàng. Nếu không, cần có người kết nối (match-maker) chuyên nghiệp.
Người kết nối phải có kiến thức rộng ở nhiều ngành, có kinh nghiệm sản xuất, hiểu biết về tiến trình hoạt động ở các đơn vị nghiên cứu. Họ sẽ phỏng vấn lãnh đạo doanh nghiệp, tìm ra vấn đề cần giải quyết và ước lượng ngân sách doanh nghiệp sẵn sàng chi cho việc này. Đây là vấn đề kỹ nghệ nhưng cần áp dụng kiến thức khoa học phức tạp, do đó các kỹ sư trong công ty không tự giải quyết được bằng cách tra cứu trên mạng.
Người kết nối sẽ viết lại vấn đề theo cách dễ hiểu đối với người nghiên cứu rồi công bố lên website và gửi các đơn vị nghiên cứu liên quan. Nhóm nghiên cứu nào tự thấy mình có thể giải quyết sẽ liên hệ với người kết nối. Nếu thấy hai bên phù hợp, người kết nối sẽ tổ chức cho họ gặp nhau, ký hợp đồng. Dự kiến, người kết nối được hưởng ít nhất 25% giá trị hợp đồng để tham gia thường xuyên vào quá trình hợp tác, giúp hai bên khắc phục sự khác biệt và trang trải các chi phí khác.
Công ty tôi mới lập một bộ phận chuyên biệt để thử nghiệm mô hình này, rất trông đợi sự tham gia của những người cùng mối quan tâm, với hy vọng thúc đẩy mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học.