Về 2 vấn đề này, các văn bản pháp luật quy định như thế nào? Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL - sẽ giải đáp cho độc giả Khoa học và Phát triển.
Xin ông cho biết các tiêu chuẩn về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ?
Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN “Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường”, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu...
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Ảnh: Phượng Hằng
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng...
Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Họ cũng phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay nhiều người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi mua phải hàng không đạt chuẩn, vậy có những hình thức phạt vi phạm nào được đưa ra cho các cơ sở vi phạm?
Nghị định số 80/2013/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, mức phạt tối thiểu cho hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng, tối đa là 100.000.000 đồng.
Vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng và chất lượng hàng hóa có mức phạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm. Các vi phạm về nhãn hàng hóa có mức phạt tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng, mức phạt tối đa có thể lên đến 80 triệu đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.
Xin cảm ơn ông!