Các nhà khoa học e ngại rằng đạo luật mới - nhắm vào các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc - có thể cản trở các dự án hợp tác khoa học, hạn chế việc mua máy giải trình tự, mà vẫn không thực sự bảo vệ hiệu quả dữ liệu về sức khỏe và di truyền của người dân Mỹ.
Hạ viện Mỹ sắp tới sẽ thông qua một dự luật quan trọng về an ninh sinh học - được dự đoán sẽ khiến các công ty dược phẩm Mỹ khó ký hợp đồng với năm công ty công nghệ sinh học lớn của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng sẽ lâm vào thế khó.
Đạo luật An ninh sinh học được xây dựng nhằm mục đích ngăn cản việc sử dụng nguồn quỹ liên bang cho các công ty công nghệ sinh học có liên hệ với năm quốc gia: Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Triều Tiên và Cuba. Dự luật này cấm mua hàng từ năm tập đoàn Trung Quốc - BGI, MGI, WuXi Biologics, WuXi AppTec và Complete Genomics - bắt đầu từ năm 2032. Nó cũng sẽ ngăn chặn việc sử dụng quỹ liên bang cho các tổ chức sử dụng dịch vụ và thiết bị từ các công ty này. Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng sẽ cập nhật danh sách các công ty đáng lo ngại ít nhất một lần mỗi năm.
Các quy định mới sẽ là mối đe dọa lớn đối với các dự án đang tiến hành giải trình tự ở Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng đến các nhà khoa học sử dụng dịch vụ hoặc máy móc từ các công ty Trung Quốc. Nó cũng sẽ cắt đứt một nguồn máy giải trình tự bộ gene hiện được sử dụng phổ biến trong các phòng thí nghiệm của Mỹ.
“Điều này có thể gây tác động tiêu cực đến khoa học,” Gene Ezia Robinson, Giám đốc Viện Sinh học Gen Carl R. Woese tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, cho biết.
Ngược lại, những người ủng hộ đạo luật này cho rằng các công ty công nghệ sinh học được nêu tên đang đánh cắp tài sản trí tuệ từ các nhà sản xuất thiết bị công nghệ sinh học của Mỹ hoặc đang chuyển dữ liệu sức khỏe và di truyền đến các trung tâm liên kết với Trung Quốc.
“Dự luật này là một bước cần thiết để bảo vệ dữ liệu chăm sóc sức khỏe nhạy cảm của người Mỹ, ngăn chặn các công ty Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ, hệ thống trường đại học và các tổ chức”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện James Corner phát biểu trước Hạ viện - trước khi dự luật được thông qua với tỷ lệ 306 phiếu thuận và 81 phiếu chống, với sự ủng hộ từ cả hai đảng.
Aaron Cummings, một nhà vận động hành lang, cho biết các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm Mỹ có thể sẽ là những bên chịu tác động lớn nhất từ dự luật này. Không chỉ giải trình tự bộ gene, các công ty Trung Quốc như WuXi AppTec còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng, chẳng hạn như sản xuất thành phần dược phẩm và liệu pháp tế bào, cũng như cung cấp các dòng tế bào nghiên cứu.
Theo một cuộc khảo sát do nhóm các công ty thương mại về công nghệ sinh học BIO công bố vào tháng 5, 79% trong số 124 công ty dược phẩm sinh học được khảo sát hợp tác với ít nhất một nhà thầu công nghệ sinh học Trung Quốc.
Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu, chiếm khoảng 13% các nhà sản xuất thành phần dược phẩm hoạt tính. Hai tập đoàn được nêu tên trong Đạo luật An ninh sinh học - WuXi Apptec và WuXi Biologics - là đối tác công nghệ sinh học quen thuộc của Mỹ. Và nếu các công ty Mỹ buộc phải chấm dứt mối quan hệ hợp tác với WuXi, điều này có thể sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.
Hiện tại, nhiều đơn vị dược phẩm lớn đang phải đối mặt với rủi ro. Eli Lilly đã hợp tác với WuXi Apptec để sản xuất một số thành phần trong các loại thuốc điều trị béo phì nổi tiếng của mình, trong khi GSK đã ký một thỏa thuận cấp phép có giá trị gần 1,5 tỷ USD với WuXi Biologics.
Về phần mình, các nhà khoa học lo ngại rằng họ sẽ buộc phải cắt đứt các hợp tác nghiên cứu có giá trị với các nhà khoa học Trung Quốc tại các công ty đang bị nghi ngờ hoặc với các nhóm học thuật sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ của họ.
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hợp tác của chúng tôi với các công ty Trung Quốc và các phòng thí nghiệm Trung Quốc”, Robinson chia sẻ. Hệ quả là, ông cho biết, các nhà khoa học và tổ chức Mỹ có thể phải dừng những hợp tác hiện tại và không bắt đầu các hợp tác mới để tránh vi phạm quy định.
Các rủi ro
Abigail Coplin, một chuyên gia về phát triển công nghệ sinh học Trung Quốc tại Đại học Vassar, cho biết đó có thể là những dự án nghiên cứu hệ gene thực vật, động vật hoặc vi khuẩn cũng như các mẫu DNA của con người. “Các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực sẽ ngày càng dè dặt hơn khi hợp tác với các đối tác Trung Quốc”, bà nhận định.
Pamela Soltis, một nhà di truyền thực vật tại Đại học Florida, lưu ý rằng nếu luật này được triển khai sớm, những dự án trước đây của bà có thể đã không thực hiện được vì vi phạm quy định. Chẳng hạn, nhiều năm trước bà đã cùng các nhà khoa học tại BGI (Beijing Genomics Institute) nghiên cứu về các mô hình tiến hóa thực vật ở Đông Á và Bắc Mỹ, kết quả của dự án đã được công bố vào năm 2019. Mặc dù việc bảo mật dữ liệu và tài sản trí tuệ rất quan trọng, song bà Soltis cho rằng “chúng ta không thể ngăn cản các nhà khoa học khi họ cần hợp tác.”
Trước mắt, một dự án hợp tác hiện tại có thể sẽ bị ảnh hưởng là Dự án Earth BioGenome, một nỗ lực kéo dài 10 năm giữa 25 quốc gia nhằm giải trình tự gene của tất cả các loài đã biết. BGI, một trong những trung tâm giải trình tự gene lớn nhất thế giới, là nhân tố tối quan trọng trong dự án này. W. John Kress, giám tuyển tại Viện Smithsonian, lo ngại rằng Đạo luật An ninh sinh học có thể buộc các nhà nghiên cứu Mỹ phải rút lui khỏi dự án này hoặc các dự án quốc tế lớn khác. “Mỹ có nguy cơ tụt hậu và bị loại khỏi các hợp tác quốc tế lớn,” ông Kress cho biết.
Michael Snyder, một nhà di truyền học tại Đại học Stanford, cho biết biện pháp này cũng có thể hạn chế mức độ cạnh tranh trên thị trường dụng cụ phòng thí nghiệm, đẩy chi phí nghiên cứu lên cao. Snyder lưu ý rằng trung tâm giải trình tự của Stanford gần đây đã mua một nền tảng giải trình tự DNBSeq-T7 từ Complete Genomics (một công ty con của BGI), rẻ hơn đáng kể so với Illumina, công ty dẫn đầu thị trường Mỹ. Nếu các máy Complete Genomics bị buộc phải rút lui khỏi thị trường Mỹ, “tôi nghĩ điều đó sẽ gây tổn hại đến nền khoa học”, ông nói.
Rob Tarbox, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm và tiếp thị tại Complete Genomics, cho biết luật này dựa trên “một tiền đề sai lầm”. Ông giải thích rằng tất cả dữ liệu do máy giải trình tự của công ty tạo ra đều thuộc về chủ sở hữu máy. Bên cạnh đó, ông lưu ý, đạo luật này không thể ngăn cản Trung Quốc có được dữ liệu về sức khỏe và di truyền do các trường đại học nghiên cứu, bệnh viện hoặc các công ty thực hiện xét nghiệm lâm sàng hoặc DNA của Mỹ nắm giữ. “Nếu chính phủ thực sự muốn bảo vệ dữ liệu, tôi không nghĩ dự luật này thực hiện tốt điều đó”.
Theo: Science
Đăng số 1310 (số 38/2024) KH&PT