Giải quyết nút thắt cơ chế cho các quỹ phát triển KH&CN địa phương là một trong những điều các nhà quản lý KH&CN ở địa phương mong chờ trong đợt sửa luật KH&CN 2013 lần này.

Nhiều hợp tác xã sản xuất mỳ Chũ ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mỹ Hạnh
Nhiều hợp tác xã sản xuất mỳ Chũ ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mỹ Hạnh

Từ gần 10 năm nay, các quỹ phát triển KH&CN ở các địa phương đều ở trạng thái hoạt động cầm chừng, hoặc bị sáp nhập. Đáng ngại hơn, có bốn địa phương gồm Đà Nẵng, Nghệ An, Kiên Giang và Trà Vinh đã giải thể quỹ và hai địa phương là Thanh Hóa và Hải Dương đang tham mưu UBND tỉnh giải thể quỹ.

Tình trạng khó khăn của các quỹ địa phương cho thấy mơ ước về một nguồn lực khác và một cách thức quản lý dòng tiền khác cho KH&CN ở cấp địa phương dường như là một điều lãng mạn, thiếu sự xem xét thấu đáo tác động của những chính sách khác. Tháng 6/2023, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Điểu Huỳnh Sang của đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước đã lật lại vấn đề một cách bức thiết: trong thời gian qua, các quỹ KH&CN địa phương hoàn toàn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước và chưa trở thành một kênh để huy động, thu hút đầu tư từ xã hội đối với các hoạt động KH&CN cũng như chưa phát huy được vai trò cho vay, hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu và đổi mới công nghệ.

Loay hoay trong hoạt động

Bức tranh về quỹ phát triển KH&CN địa phương hiện tại không có nhiều điểm sáng, dẫu vào thời kỳ đầu, nhiều tia hy vọng về ngày mai tươi sáng đã lóe lên khi nhiều tỉnh thành rầm rộ đi tiên phong thành lập quỹ. Theo số liệu của Bộ KH&CN, cho đến nay có 36/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN. Khi đó, ước mơ của những người làm KH&CN ở địa phương là có thêm nguồn lực đầu tư cho các hoạt động KH&CN ở địa phương, góp phần giải quyết ngay các vấn đề mới phát sinh của địa phương một cách linh hoạt mà không phải chờ đến việc lập dự toán và rồi chờ tỉnh phê duyệt, cấp phát kinh phí vào đầu năm sau như thông lệ tài chính. Lúc đó, mô hình quỹ thành công đầu tiên của ngành KH&CN là Quỹ NAFOSTED, cơ quan tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản, nơi đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của KH&CN Việt Nam.


Thiếu các hướng dẫn về cơ chế vận hành dẫn tới bế tắc và không đạt được mục tiêu đề ra là thực trạng chung của các quỹ KH&CN địa phương.


Tuy nhiên, ai cũng sớm nhận ra sự khác biệt giữa cái tinh gọn trong vận hành quỹ dành cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, chủ yếu tập trung vào việc làm ra các xuất bản quốc tế, và cái phức tạp trong vận hành quỹ dành cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng, tập trung vào giải quyết các vấn đề bức thiết của địa phương. Những gì người ta thấy hay ở NAFOSTED lại không thể đem vào áp dụng ở các quỹ KH&CN địa phương. Các nhà quản lý KH&CN địa phương đứng trước một trải nghiệm hoàn toàn mới, chưa từng có trong lãnh địa của mình.

Đó là lý do mà trong vòng ít nhất năm năm trở lại đây, các hội nghị giám đốc Sở KH&CN địa phương vẫn thường có những ý kiến phản ảnh về tình thế “tiến không được, lùi không xong” trong việc vận hành quỹ KH&CN địa phương. Trong dòng phân trần về hoạt động của quỹ KH&CN của Bến Tre, ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre, đã chia sẻ nỗi khổ của người đứng mũi chịu sào khi đứng trước một quyết định khó khăn “Vừa qua, tôi cũng đã trình xin dừng hoạt động quỹ, trình Ban cán sự Đảng của tỉnh và được biết, không thể dừng hoạt động của quỹ KH&CN Bến Tre được vì quỹ được hình thành từ quyết định của Thủ tướng. Bây giờ, tỉnh quyết định tạm dừng để đợi hướng dẫn của Bộ KH&CN”.

Cái khó của địa phương trong quản lý một tổ chức quỹ tài chính cho khoa học cũng được một số văn bản tổng kết của Bộ KH&CN đề cập đến, đó là bộ máy điều hành và quản lý vẫn chưa được kiện toàn, lực lượng cán bộ đều kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn về nghiệp vụ tài chính. Mặc dù có con dấu và tài khoản riêng nhưng vị trí chủ chốt và có vai trò quyết định của các quỹ này đều do cán bộ quản lý các đơn vị ban ngành ở địa phương kiêm nhiệm. Việc thiếu hiểu biết chuyên môn về tài chính khiến hầu hết các quỹ địa phương đều lúng túng khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tài trợ hoặc cho vay.

Những khúc mắc trong quá trình hoạt động càng khiến cho những địa phương còn khiêm tốn về nguồn lực cũng cảm thấy lo lắng. Ông Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng, trao đổi “Cao Bằng có tổ chức mô hình quỹ nhưng bây giờ thấy khó khăn hơn về cơ chế. Muốn quỹ trở thành đơn vị trực thuộc của Sở để thực hiện nhiệm vụ cũng khó, hiện chỉ thực hiện được mỗi nhiệm vụ cấp phát kinh phí cho các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh thôi. Chúng tôi chưa làm thêm được gì vì vướng. Chúng tôi cũng kỳ vọng đầu tư, tài trợ cho các dự án khởi nghiệp ở địa phương để thúc đấy hoạt động khởi nghiệp ở địa phương song rất khó khăn. Qua quá trình làm việc với các sở ngành của địa phương để làm rõ cơ chế tài trợ cho khởi nghiệp thì thấy không làm được”.

Khu vực ương cây giống của hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống hoa màu. Nguồn: Báo Trà Vinh
Khu vực ương cây giống của hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Thạch (xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống hoa màu. Nguồn: Báo Trà Vinh

Nếu nhìn vào thực tế hoạt động của quỹ KH&CN Cao Bằng, ai cũng thấy ông Bế Đăng Khoa không hề nói quá. Quỹ phát triển KH&CN Cao Bằng được thành lập từ năm 2006 nhưng phải đến 12 năm sau mới chính thức đi vào hoạt động do phải kiện toàn bộ máy, nguyên tắc vận hành. Và tới năm 2019 quỹ mới được ngân sách tỉnh cấp vốn 7 tỷ đồng, chủ yếu dành cho các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh còn các nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ, bảo lãnh vốn vay chưa được triển khai. Theo thông tin từ Đài Phát thanh và truyền hình Cao Bằng, tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Cao Bằng về giám sát công tác quản lý, sử dụng các loại quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước từ năm 2017 - 2023 vào tháng 5/2024, các đại biểu cho rằng mô hình, cơ cấu tổ chức của quỹ hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là cơ quan điều hành quỹ; quy chế quản lý tài chính của quỹ chưa được hoàn thiện; quy trình tổ chức thực hiện cho vay còn rườm rà; các hoạt động thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, chưa huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách.

Mong muốn của Sở KH&CN Cao Bằng là đưa Quỹ KH&CN Cao Bằng về Sở quản lý cho thuận lợi việc vận hành. Tuy nhiên, theo quy định, quỹ KH&CN địa phương cần trực thuộc các tỉnh, như hướng dẫn của Nghị định 95 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58 và 63 của Luật KH&CN về đầu tư, cơ chế tài chính và một số nội dung cần thiết về dự toán ngân sách nhà nước, nội dung chi cho hoạt động KH&CN và quản lý nhà nước về quỹ phát triển KH&CN) và Thông tư 03/2015/TT-BKHCN (ban hành điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)? Việc chuyển một đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập và trực thuộc tỉnh như quỹ về Sở KH&CN tỉnh quản lý cũng chưa chắc tháo gỡ được khó khăn. Bằng chứng là trong khuôn khổ cuộc họp bàn về sự tồn tại của Quỹ KH&CN Hà Nội vào tháng 7/2022, có ý kiến, được báo Hà Nội mới dẫn lời, đã nêu thực trạng: việc chuyển quỹ về Sở KH&CN Hà Nội cũng sẽ không khả quan hơn bởi một số tỉnh, thành phố thành lập quỹ trực thuộc Sở KH&CN như Bình Định, Đồng Nai, TPHCM, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... đều gặp khó khăn trong hoạt động.

Bế tắc về nguồn vốn

Vấn đề của Quỹ KH&CN Bến Tre, nơi có số vốn ban đầu 10 tỉ đồng, Quỹ KH&CN Đà Nẵng, nơi có vốn thành lập 20 tỉ đồng, hay Quỹ KH&CN Hà Nội, nơi có nguồn vốn 50 tỷ đồng, đều có điểm tương đồng, đó là sự bế tắc trong việc tìm thêm nguồn thu trong khi phải đáp ứng cả tiêu chí bảo toàn vốn. Ông Nguyễn Hồng Sơn đã thừa nhận “Ở thành phố Hà Nội thì trong nhiều năm vừa rồi, quỹ này gần như không hoạt động được, vì vẫn vướng mắc về cơ chế để chúng ta cho vay, một trong những vướng mắc lớn là chúng ta phải đảm bảo quy định bảo toàn quỹ. Đó là vướng mắc mà nhiều tỉnh đã nêu”.


Nguồn vốn hoạt động của các quỹ KH&CN địa phương hạn chế, vốn cấp ban đầu ít trong khi tất cả các quỹ này đều chưa vận động được các tổ chức, cá nhân khác ngoài Nhà nước đóng góp vào.


Tại sao lại như vậy? Không phải là Bộ KH&CN không quan tâm đến việc thúc đẩy sự thành lập và vận hành các quỹ KH&CN địa phương như luật định. Vào năm 2015, Bộ đã trình chính phủ ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP trong đó quy định rất rõ về quỹ KH&CN địa phương ở điều 7 của nghị định. Theo đó, các địa phương (và các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ) được phép thành lập quỹ khi hội tụ đủ một số điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, biên chế, đảm bảo cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách, không làm tăng chi phí quản lý. Các nguồn vốn của quỹ này được cấp lần đầu từ ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN của địa phương, được bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, được điều chuyển tự nguyện hoặc nhận ủy thác từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, các nguồn đóng góp tự nguyện, hiến tặng, ủy thác…

Nếu nhìn vào Nghị định 95, ai cũng thấy mở ra một con đường sáng cho sự tồn tại của một quỹ, đó là tạo điều kiện cho địa phương chủ động áp dụng một cơ chế linh hoạt và một nguồn bổ sung chắc chắn hằng năm để quỹ của địa phương có điều kiện hoạt động đầu tư hoặc cho vay đối với các đề tài, dự án phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh được phê duyệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình phát triển của quỹ KH&CN địa phương đã gặp rất nhiều nỗi éo le mà những người xây dựng Nghị định 95 không lường trước được. “Phần nhiều các quỹ KH&CN địa phương có nguồn lực rất hạn chế, khoảng 5 tỉ đồng. Với số tiền này, các quỹ cùng lắm là tài trợ cho một vài nhiệm vụ KH&CN là cụt vốn”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết.

Nỗi hạn chế này cũng được nêu trong một số văn bản tổng kết của Bộ KH&CN, trong đó nhấn mạnh đến thực tế là nguồn vốn hoạt động của các quỹ KH&CN địa phương hạn chế, vốn cấp ban đầu ít trong khi tất cả các quỹ này đều chưa vận động được các tổ chức, cá nhân khác ngoài Nhà nước đóng góp vào. Và đáng chú ý là ai cũng thừa nhận: mọi huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để bổ sung vốn cho các quỹ đều không khả thi.

Phải chăng khi xây dựng Luật KH&CN 2013 và sau là Nghị định 95, các nhà quản lý không tính đến khó khăn này? Khi xây dựng quỹ KH&CN địa phương, các nhà quản lý khoa học không chỉ coi nguồn vốn chính của các quỹ này từ ngân sách nhà nước mà còn dựa trên một ý tưởng táo bạo: có thêm nguồn đầu tư từ các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những doanh nghiệp có trích lập doanh thu trước thuế để thành lập quỹ KH&CN của mình, khi không chưa dùng đến hoặc dùng không hết thì có thể chuyển phần ấy vào cho quỹ của địa phương. Đó là một nguồn vốn của xã hội đầu tư cho KH&CN. Khi đó, các quỹ địa phương sẽ dùng nguồn kinh phí ấy để đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ như phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. “Hãy đầu tư trước cho doanh nghiệp A đổi mới công nghệ đi, sang năm doanh nghiệp đó lại trích nộp, quỹ đó lại hỗ trợ doanh nghiệp khác tiếp theo. Nếu tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn trích nộp thì có thể có quỹ đến hàng trăm tỉ”, TS. Nguyễn Quân từng trao đổi như vậy.

Dòng tiền từ doanh nghiệp đổ vào quỹ địa phương không phải là con đường một chiều. “Khi doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ thì họ sẽ nộp đơn xin lại tiền mà họ đã đóng góp vào quỹ. Và quỹ địa phương có thể xin hỗ trợ từ nguồn các doanh nghiệp khác đóng vào mà chưa có nhu cầu sử dụng đến. Nói nôm na thì đây là kiểu chơi họ mà không sợ bị giật hụi”, ông giải thích thêm.

Tuy vậy, những suy nghĩ ấy đã không lường trước một vấn đề nảy sinh trong quá trình áp dụng luật, đó là sự thiếu hiệu quả của các quỹ KH&CN tại doanh nghiệp. Số liệu về tình hình trích lập và sử dụng quỹ năm 2022 từ Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2015-2021, có tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ với tổng số tiền trên 23.895 tỷ đồng, trong đó số tiền sử dụng trên 14.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 60,3% so với tổng số kinh phí trích lập hiện có. Sự lúng túng trong vận hành và khó khăn trong sử dụng kinh phí của quỹ tại doanh nghiệp khiến doanh nghiệp không còn nghĩ đến chuyện chuyển tiền sang gửi cho quỹ địa phương, nơi cũng đang chật vật với nguồn tiền của nhà nước. Thậm chí, nếu doanh nghiệp gửi sang quỹ địa phương “nhờ giữ hộ, tiêu hộ” thì các cấp quản lý cũng chưa ban hành một quy định cụ thể và chi tiết nào để hướng dẫn họ thực hiện và hướng dẫn quỹ địa phương cách tiêu. Đã có trường hợp ở cấp Trung ương, một doanh nghiệp nhà nước mong muốn gửi tiền chưa dùng đến từ quỹ của mình vào một quỹ quốc gia nhưng cả hai bên đều lúng túng vì không biết cách sử dụng “khoản gửi gắm” này như thế nào cho hợp lẽ. Không có quy định nào cho trường hợp này, cả hai bên đành chịu trận và không thể tiêu nổi tiền sau gần một năm đặt vấn đề.

Do đó, câu chuyện thiếu kinh phí đầu tư cho KH&CN ở các địa phương, nhất là kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, nhất là các tỉnh miền núi, như lời chia sẻ của ông Hồ Ngọc Luật (Bộ KH&CN) trên tạp chí Tuyên giáo vào năm 2010 còn chưa lạc hậu.

Trong các văn bản tổng kết hoạt động của quỹ KH&CN địa phương, Bộ KH&CN đánh giá, cần hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền nộp về Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn cụ thể về nội dung và thủ tục thuế, hạch toán kế toán liên quan đến việc sử dụng quỹ cho hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,... theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để doanh nghiệp sử dụng hiệu quả quỹ theo đúng quy định pháp luật.

Trong cuộc họp của Ủy ban KH&CN và Môi trường của Quốc hội và Bộ KH&CN về phương án sửa đổi Luật KH&CN vào tháng 4/2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH&CN và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, cần khắc phục tình trạng này bằng các giải pháp hữu hiệu về việc quản lý khi lập Quỹ phát triển KH&CN và đối với các Quỹ phát triển KH&CN ở địa phương, cần có đánh giá tác động, giải pháp để quỹ có thể hoạt động được và nếu hoạt động được thì phải hiệu quả.

Giải pháp mà Bộ KH&CN đang tính đến, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, ở đợt sửa đổi Luật KH&CN 2013. Dự kiến, dự án Luật sẽ có 17 chương, 133 điều, trong đó nội dung về Quỹ phát triển KH&CN cần được thu thập thêm ý kiến, đề xuất và nghiên cứu kỹ lưỡng để hoạt động đầu tư, phát triển KHCN ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Phải chăng đó là lối thoát cho quỹ KH&CN tại địa phương để qua đó, quy tụ được các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ ở cơ sở!