Dù đại dịch đã khiến nhà nước đưa ra những gói cứu trợ lớn chưa từng có tiền lệ, nhưng đồng thời chúng ta cần một cách thức cứu trợ khác với cách thức thông thường mà nhà nước vẫn làm.
Chỉ như vậy mới giúp tránh được những bất ổn xã hội đang tiềm ẩn. Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội Social Life (TP HCM) xung quanh vấn đề này.
TS Nguyễn Đức Lộc.
Đại dịch khiến cả triệu lao động phi chính thức, đặc biệt những người sống dựa vào nền kinh tế vỉa hè đô thị TP. HCM bị mất kế sinh nhai. Điều đó có tiềm ẩn những bất ổn xã hội trong tình thế căng thẳng chống dịch giữ từng chút một để không “vỡ trận”?
Với chính sách chống dịch hiện nay, các nguồn sống của cư dân lao động phi chính thức ở thành phố, nhất là các nhóm sống dựa vào nền kinh tế vỉa hè phải ngừng lại nhiều (theo ước tính của GS Annette Kim, vỉa hè cung ứng 30% việc làm cho TP. HCM, lao động phi chính thức theo các ước tính trước đây chiếm tới 40% tổng số lao động ở TP, phần lớn là những người di cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào và phía Nam đi lên, không đăng ký kinh doanh, không hợp đồng lao động, hầu hết chỉ là thỏa thuận miệng…– PV). Chợ dân sinh truyền thống phải đóng cửa, hàng quán tự phát, vỉa hè cũng đóng cửa vì được coi là những nhóm nguy cơ khó kiểm soát chuỗi di chuyển. Đợt giãn cách hơn một tháng qua càng làm cho họ kiệt sức, cuộc sống của họ khó khăn hơn gấp nhiều lần sau một năm rưỡi cầm chừng.
Trên cơ sở kinh nghiệm khảo sát trước đây và kết quả của các nghiên cứu hành vi những nhóm rơi vào ngưỡng sinh tồn, tôi nghĩ rằng, các nhóm yếu thế khó có thể đáp ứng được yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội. Có thể ngoài mặt họ buộc phải chấp nhận nhưng tìm cách trốn để tìm việc làm. Khi đói thì không thể hành động lý tính được nữa. Lúc đó không phải là tiềm ẩn dịch bệnh, mỗi người trở thành mắt xích lây lan không kiểm soát được, mà còn tiềm ẩn bất ổn xã hội nữa.
Đầu đợt dịch thứ tư, trong khảo sát về căng thẳng tâm lý của người dân do đại dịch ở TP. HCM và Bình Dương, chúng tôi phỏng vấn sâu ghi nhận nhiều ý kiến lo “hệ thống y tế Việt Nam khó có thể đảm bảo sức khỏe. Nếu nhiễm COVID thì chủ yếu bệnh viện tuyến đầu mới có đủ nhân lực và vật lực để điều trị”. Nhưng thực tế một năm qua, các nhóm lao động mất việc, đặc biệt là lao động tay chân, kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có dự trữ, tiết kiệm thì càng khó cầm cự nên không thể nghĩ xa hơn về nguy cơ dịch tễ được. Một vài dấu hiệu dễ nhận thấy như khi có lệnh Gò Vấp thực hiện chỉ thị 16 thì vẫn có những trường hợp trốn theo đường hẻm để đi làm, báo chí cũng phản ánh có những trường hợp lén bán ở chợ dân sinh tự phát1.
Không phải họ muốn trốn giãn cách, phản đối lệnh cấm chợ dân sinh, mà khi phải đối diện với ngưỡng sinh tồn thì không ai còn lo lắng gì cho những chính sách chung của thành phố, của quốc gia được.
Giải pháp cho điều đó là gì, thưa ông?
Một tháng qua giãn cách không đạt mục tiêu kiểm soát dịch nên TP. HCM đã quyết định sẽ tiếp tục giãn cách mà chưa biết khi nào kết thúc và sẽ càng khiến các nhóm lao động phi chính thức gặp khó khăn. Vì thế tôi đề xuất không coi đây là các nhóm nguy cơ mà phải coi đây là nhóm cần được bảo vệ bằng lưới an sinh. Không thể dùng giải pháp cấm, điều cần làm là tạo điều kiện cho người ta an tâm và khi ấy không cần cấm thì cũng tự động tuân thủ. Tôi cho rằng để chống dịch thì giải pháp tốt nhất vẫn là phòng vệ bằng an sinh xã hội. Nếu không thì giải pháp còn lại chính là máy thở và oxy tốn kém sinh mạng, nguồn lực không đủ đáp ứng, và gây khủng hoảng, bất ổn xã hội.
Trên cơ sở kinh nghiệm khảo sát trước đây và kết quả của các nghiên cứu hành vi những nhóm rơi vào ngưỡng sinh tồn, tôi nghĩ rằng, các nhóm yếu thế khó có thể đáp ứng được yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội. TS Nguyễn Đức Lộc
Chúng ta đã có một gói cứu trợ từ năm ngoái rồi?
Thực tế thì việc triển khai gói cứu trợ quá chậm, thông tin ngành lao động thương binh xã hội công bố trên truyền thông cho thấy mới chỉ giải ngân hơn 20% của gói 62 nghìn tỉ năm ngoái. Năm nay, TP và Chính phủ cũng đã có đề xuất hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch nhưng chúng ta cũng mất quá nhiều thời gian để bàn bạc các gói cứu trợ, từ lúc đề xuất đến lúc có quyết định cũng chính là thời gian giãn cách cả tháng đã trôi qua.
Từ trước đợt dịch thứ tư, theo đặt hàng của Ban Dân vận TP, Viện chúng tôi đã khảo sát đơn cử nhóm xe ôm công nghệ và thấy là họ không có bất cứ hệ thống phòng vệ nào, bảo hiểm xã hội không, tiết kiệm không, nhiều người đã vay nợ mua xe tiền lãi tới tháng phải trả, làm tới đâu có tiền tới đó thì làm sao nghỉ?
Với nhà quản lý, chính sách có thể chậm vài tuần, thậm chí một hai tháng nhưng với người lao động thì chỉ chậm một ngày đã đói rồi. Họ không chỉ nuôi mình mà còn nuôi con, nuôi cha mẹ mà không lao ra đường thì lấy gì sống. Trước tình hình này nếu vẫn đòi hỏi phải theo đuổi mục tiêu kép thì tôi e là khó thực hiện. Nếu giãn cách thì thà rằng bơm một gói cứu trợ dứt điểm 2 hoặc 4 tuần cho người dân ở nhà. Họ cần làm việc, cần có lương. Giờ từng ấy người phải cách ly tại nhà không có lương, không có lương thực thì sẽ trở thành một khối bức bối chực chờ.
Nhà nước phải hiểu đúng cách mà họ đang nghĩ thì mới tạo ra sự đồng lòng thực hiện các biện pháp giãn cách tuân thủ chống dịch cho tới lúc có vaccine được.
Tại sao cách thức cứu trợ trước đây lại không hiệu quả?
Mặc dù đã có những suy nghĩ đột phá so với trước đây nhưng nhà nước đang cứu trợ dựa trên những kênh mà nhà nước có, theo cách thức truyền thống, với những điều kiện “an toàn” chứ chưa có gì đột phá. Cách hỗ trợ trao tiền mặt như hiện nay vẫn cứng nhắc, sợ sai sót, đòi hỏi phải nắm được danh sách, đầy đủ các điều kiện như có hợp đồng lao động, có nơi cư trú ổn định. Những nhóm thường lưu động sống nhờ vào “kinh tế vỉa hè” mà mới đây TP và Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, thu gom rác, phế liệu; bốc vác, xe ôm, bán lẻ vé số lưu động... sẽ rất khó đáp ứng điều kiện như phải có đăng ký tạm trú tại địa phương. Chỉ riêng con số này theo tạm tính của TP. HCM đã lên tới 230.000 người.
Cũng trong lần khảo sát tài xế xe công nghệ trước đợt dịch bệnh thứ tư, nhiều người cho chúng tôi biết họ không nhận được tiền cứu trợ, nhận tiền không đồng bộ - người có người không - tùy thuộc vào việc lập danh sách của các chính quyền cơ sở trong khi phần nhiều trong số họ không rơi vào nhóm nào trong các danh sách, hồ sơ hỗ trợ cả.
Trong cứu trợ đại dịch thì không thể đòi hỏi phải từng bước từng bước một thật cầu toàn, đây không phải là hình thức bảo trợ xã hội bình thường mà khẩn cấp như lũ lụt vậy, thậm chí còn căng thẳng hơn lũ lụt chứ. Vì quy mô người cần cứu trợ quá lớn, vì chỉ một vài nhóm không chịu nổi cái đói, vi phạm giãn cách là thành quả chống dịch đi tong, càng để lâu càng tiềm ẩn bất ổn xã hội. Khi cứu trợ lũ lụt chúng ta đâu có đòi hỏi điều kiện như vậy? Thậm chí không phải hỗ trợ bằng tiền, mà cứu đói bằng lương thực thực phẩm cũng được cơ mà?
Cách làm truyền thống chỉ bằng hệ thống hành chính hiện tại chưa thực sự hiệu quả thì liệu có cách thức nào khác bổ sung?
Trong thực tế, danh sách chính thức về cư dân của các cơ sở sẽ không thể bao quát hết các nhóm dân thường xuyên lưu động, ở những khu vực mà nhiều người ở trọ, di chuyển nhiều. Gần đây nhất, khi khảo sát về phúc lợi xã hội cho cho công nhân, chúng tôi sử dụng danh sách do địa phương cung cấp nhưng khi xuống tới nhà trọ thì có nơi 50% người trong danh sách đó đã chuyển đi nơi khác rồi. Cuối cùng chúng tôi phải kết hợp thêm cách sử dụng mạng lưới xã hội của chính người lao động để tìm thêm, kiểm tra lại danh sách.
Người ta hay nói là khó trong quản lý dữ liệu dân cư, nhưng trong cứu trợ thì thật ra không khó nếu kết hợp thông tin từ công an khu vực quản lý tình trạng cư trú, chủ nhà trọ, tập hợp danh sách với thu thập thông tin từ chính mạng lưới của người dân. Người lao động tự do không có nơi nào quản lý nhưng lại có mạng lưới xã hội của riêng mình, và cũng chính mạng lưới này giúp giám sát công tác cứu trợ rất tốt.
Mặt khác, nhà nước cũng không thể bao phủ hết mọi ngõ ngách, để giải ngân được hàng nghìn tỉ đồng ngay sẽ cần tới lực lượng các đoàn thể tại địa phương và nhân viên công tác xã hội rất lớn. Chính các nhóm thiện nguyện, các tổ chức xã hội vẫn đang tổ chức cứu trợ cho nhau, đùm bọc nhau lại có khả năng làm việc đó. Nên tính tới việc kết hợp công – tư trong công tác cứu trợ này, miễn là tất cả các bên có cơ chế công khai minh bạch, giám sát. Tại sao đã hợp tác công tư trong xây dựng, trong các nhiệm vụ chống dịch khác, mà lại không thể hợp tác công - tư trong cứu trợ theo nguyên tắc “hiệp lực”?
Có lẽ không thể có một siêu tổ chức nào để lo hết mọi thứ cho người dân trong xã hội. Trong khi đó, các nhóm đoàn thể khác nhau có thể tham gia vào những phần việc khác nhau trong công tác cứu trợ, để đỡ đẩy gánh nặng cho nhà nước.
Đây chính là dịp tốt để xây dựng lại lòng tin của xã hội trong công tác cứu trợ. Nếu như trong đợt lũ lụt, vốn xã hội và lòng tin xã hội bị suy giảm - thông qua các chỉ báo người dân không sẵn sàng góp tiền cho các kênh tổ chức đoàn thể mà lại đưa tiền cho các cá nhân đi cứu trợ thì dịp này nếu tổ chức cứu trợ tốt, lòng tin xã hội sẽ phục hồi.
Khác với năm ngoái hầu như sạch dịch trong cộng đồng, năm nay đại dịch đã cùng lúc lan vào nhiều thành phố, nặng nề dai dẳng nhất hiện nay là TP. HCM gây căng thẳng trong xã hội. Vậy tác động của dịch bệnh lên tâm lý xã hội ở đây, theo ông, là như thế nào?
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhanh về áp lực tâm lý của người dân trong đại dịch COVID-19 ở TP. HCM và Bình Dương với thang đo căng thẳng và thang đo lo sợ COVID (COVID-19 Stress Scale) đã được chuẩn hóa cho Việt Nam2 với số mẫu hơn 353 người. Một nửa số người trong các nhóm được hỏi, bao gồm lao động tự do, công nhân, nhân viên văn phòng, sinh viên, đều trả lời là có bị ảnh hưởng đến công việc (mất việc, giảm việc) do dịch bệnh. Họ lo lắng “không thể giữ cho gia đình mình an toàn trước virus” và “lo lắng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam sẽ không thể bảo vệ khi nhiễm virus” nhưng chỉ ở mức độ trung bình (trong thang đo từ 1 đến 5). Các triệu chứng căng thẳng do virus mà chúng tôi đã dự liệu trong thang đo căng thẳng như “dẫn tới khó ngủ, mơ xấu về virus, nghĩ về virus ngay cả khi không muốn nghĩ, bị xáo trộn tinh thần...”, phần lớn người tham gia khảo sát cho biết là hiếm khi xảy ra. Có thể cuộc khảo sát này được diễn ra ở giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh và mới có lác đác một hai ca ở TP. HCM chưa bùng phát những ở góc độ nào đó cũng phản ánh nỗi ưu tư của người dân là cơm áo gạo tiền hơn là lo nhiễm bệnh. Do đó cần phải cập nhật lại khảo sát bởi có một số kết quả sẽ khác với tình hình hiện nay.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!□
----
1 https://tuoitre.vn/nhieu-cho-tu-phat-o-tp-hcm-van-dong-duc-du-co-lenh-cam-20210620123216609.htm
2 Thang đo áp lực tâm lý trong đại dịch Covid-19 được tham khảo có hiệu chỉnh từ: Nguyen, T. M., & Le, G. N. H. (2021). The influence of COVID-19 stress on psychological well-being among Vietnamese adults: The role of self-compassion and gratitude. Traumatology, 27(1), 86–97. https://doi.org/10.1037/trm0000295