Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình đã trao đổi với KH&PT về quá trình thực hiện quy hoạch này ở địa phương mình.
Trước khi Bộ KH&CN tiến hành quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập ở địa phương thì Bắc Giang đã sớm bắt tay vào công việc này trên địa bàn tỉnh. Bắc Giang kỳ vọng gì vào việc tiến hành quy hoạch ngành KH&CN tỉnh?
Hiện nay tỉnh Bắc Giang đã thẩm định xong đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó việc quy hoạch phát triển của ngành KH&CN nằm trong đề án quy hoạch của tỉnh (đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Có thể thấy, quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang lần này sẽ tích hợp tất cả quy hoạch của các ngành, đặt mỗi ngành vào một tổng thể chung với tầm nhìn phát triển cho cả giai đoạn dài.
Chúng tôi thấy rằng, việc xây dựng quy hoạch lần này là việc làm hết sức cần thiết đối với sự phát triển của ngành KH&CN tỉnh Bắc Giang. Với lý do đó, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giúp ngành giải quyết nhiều vấn đề bức thiết mà chúng tôi cần tháo gỡ nếu muốn đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh. Một trong số đó là vấn đề thiếu định hướng phát triển tổng thể trong tất cả các lĩnh vực KH&CN của tỉnh như sở hữu trí tuệ, sáng kiến, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công nghệ và thị trường công nghệ, đổi mới sáng tạo, thông tin truyền thông, nghiên cứu - ứng dụng, phát triển tiềm lực KH&CN…; là cơ hội được đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho ngành…
KH&CN đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang. Chắc hẳn đây là thuận lợi cho quy hoạch?
Đây là một sự khẳng định vai trò của chúng tôi. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các huyện trong quá trình xây dựng quy hoạch và tích hợp quy hoạch đều phải có ý kiến đóng góp của ngành KH&CN và lấy đó làm một trong những cơ sở thực hiện quy hoạch.
Thêm một điểm quan trọng nữa là UBND tỉnh đã hiểu được tâm tư nguyện vọng của những người làm KH&CN. Mặc dù quy hoạch mới được đưa vào dự thảo Quy hoạch nhưng bắt đầu từ năm 2021, Sở KH&CN Bắc Giang đã được tạo điều kiện làm thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025” với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng; bố trí kinh phí thực hiện Đề án Phát triển Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch phát triển nguồn tin KH&CN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030,.. với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng,...
Khu nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở Công ty Denco, Dương Đức, Lạng Giang. Ảnh: Trịnh Lan.
Vậy khi xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, Sở KH&CN Bắc Giang phải đối mặt với vấn đề gì?
Do Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng quy hoạch ngành KH&CN tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nên có rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, quá trình xây dựng của chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các sở, ngành có liên quan giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ đã chủ động nghiên cứu tài liệu, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải tại thời điểm xây dựng quy hoạch là Bộ KH&CN chưa có văn bản hướng dẫn nội dung KH&CN và ĐMST trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chưa có tổng kết Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2010-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2021-2030 để có căn cứ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong quá trình lập quy hoạch.
Mặt khác, chúng tôi rất áp lực về thời gian xây dựng quy hoạch phải hoàn thành đầu nhiệm kỳ 2021-2025 để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình khác của tỉnh trong khi khối lượng công việc khá lớn như phải đánh giá thực trạng KH&CN 10 năm, giai đoạn 2011-2019, xây dựng phương hướng 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng quy hoạch, thiếu chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho ngành,…
Một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch là phải khảo sát và đánh giá được các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh. Vậy Sở KH&CN Bắc Giang đã dựa vào những tiêu chí nào để thực hiện điều đó?
Chúng tôi cho rằng, việc khảo sát các tổ chức KH&CN cần đảm bảo những nội dung về tình hình thực tế hoạt động của tổ chức gồm những tiêu chí: ý nghĩa, mục đích tồn tại của tổ chức KH&CN; hiệu quả hoạt động từ khi thành lập; tình hình hoạt động của tổ chức trước, trong và sau khi được công nhận (trên thực tế có nhiều tổ chức KH&CN hết thời hạn giấy chứng nhận nhưng không xin cấp đổi)... Chúng tôi cũng khảo sát thêm một số thông số về nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, định hướng phát triển trong thời gian tới,…
Để có được thông tin này, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập, sau đó thiết kế hai loại mẫu phiếu điều tra khảo sát với nội dung phù hợp để có thể sử dụng thông tin hiệu quả trong quá trình lập quy hoạch.
Vậy hiện trạng các tổ chức KH&CN công lập của Bắc Giang hiện nay như thế nào?
Đối với tỉnh Bắc Giang, quy mô của các tổ chức KH&CN còn nhỏ, lĩnh vực hoạt động hẹp, chưa có nguồn thu đáng kể, hoạt động chủ yếu dựa và ngân sách nhà nước cấp. Hiện tỉnh có 11 tổ chức KH&CN với bốn tổ chức KH&CN công lập, năm tổ chức KH&CN ngoài công lập và hai chi nhánh tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ y tế dự phòng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp… Hiện tại các tổ chức KH&CN công lập vẫn hoạt động theo mô hình được quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài hoạt động theo chức năng nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền phân công, các tổ chức KH&CN còn thực hiện triển khai những nhiệm vụ KH&CN, dịch vụ KH&CN thuộc lĩnh vực đăng ký hoạt động. Đáng chú ý trong số các tổ chức ngoài công lập có Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo cơ khí Tuyết Thành đã được sở KH&CN hỗ trợ và tư vấn để phát triển thành doanh nghiệp KH&CN trong năm 2019.
Phải công bằng mà nói, các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập của Bắc Giang đã hỗ trợ ngành KH&CN tỉnh trong việc góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tạo ra 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn việc quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập lần này sẽ đem lại cho nó sức mạnh mới và góp phần thực hiện được những nhiệm vụ lớn hơn.
Các tổ chức này hiện gặp phải khó khăn nào trong quá trình hoạt động không? Việc tiến hành quy hoạch sẽ giúp Bắc Giang giải quyết được vấn đề đó chứ?
Với một địa phương như Bắc Giang thì các tổ chức KH&CN công lập, ngoài công lập còn gặp một số khó khăn như khó áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế, khó tiếp cận các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, quy trình phê duyệt các dự án thực hiện có sự tham gia của các tổ chức công lập và ngoài công lập còn phức tạp. Hiện tại, cũng như một số địa phương khác, Bắc Giang bắt đầu có một vài tổ chức ngoài công lập nhưng lại có rất ít các văn bản của nhà nước đề cập, điều chỉnh đối tượng là tổ chức KH&CN ngoài công lập cũng như chưa có quy định phân định rõ về tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận.
Có một điểm nữa là hoạt động KH&CN ở một số tổ chức chưa thực sự hiệu quả, năng lực tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN còn hạn chế, chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhiệm vụ, hoạt động còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.
Chúng tôi hi vọng, việc quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN với việc tăng hoặc giảm số lượng tổ chức hay điều chỉnh quy mô của tổ chức cũng cần kèm theo giải pháp hỗ trợ các tổ chức phần nào góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn này. Đây cũng sẽ là cơ hội rất tốt để Nhà nước tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN cũng như có những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức này phát triển.
Vậy quy hoạch Bắc Giang chắc phải gắn liền với quy hoạch các tổ chức KH&CN do Bộ KH&CN thực hiện?
Việc xây dựng định hướng phát triển của ngành KH&CN Bắc Giang chắc chắn phải bám sát vào quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các chiến lược phát triển KH&CN do Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; phải gắn liền với quy hoạch các tổ chức KH&CN do Bộ KH&CN thực hiện.
Tôi cho rằng, Sở KH&CN Bắc Giang cần phải phối hợp chặt chẽ hai chiều với đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN để nắm chắc định hướng phát triển của các lĩnh vực chuyên ngành và với các đơn vị trong tỉnh để phát triển hài hòa, không xung đột lợi ích và cùng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhìn rộng ra, việc xây dựng chiến lược phát triển phải bắt kịp xu thế phát triển để không bị lạc hậu, đồng thời cũng phải đảm bảo tính đặc trưng riêng có, thế mạnh của ngành KH&CN Bắc Giang như khai thác triệt để những điều kiện lợi thế, tiềm năng, phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không quên học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác.
Việc thực hiện quy hoạch theo tinh thần của riêng Bắc Giang và hướng dẫn của Bộ KH&CN có điểm nào trùng lặp không?
Khi quy hoạch lại mạng lưới tổ chức KH&CN của các địa phương, Bộ KH&CN nên tham khảo và kế thừa Đề án quy hoạch của tỉnh để tránh trường hợp quy hoạch không đồng bộ dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp khó khăn.
Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Bộ KH&CN khẩn trương làm sớm vì các tỉnh, thành phố hiện nay đang gấp rút hoàn thành Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu không xung đột trong qui hoạch. Thực tế khi quy hoạch của các địa phương đã được các bộ, ngành cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì sẽ rất khó điều chỉnh.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!