40 năm qua, Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của mình và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Ngày 4/1, tại TPHCM, Cục Công tác phía Nam (Cục CTPN), Bộ KH&CN, đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Tham dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ, Sở KH&CN, doanh nghiệp, trường đại học và nhà khoa học,… khu vực phía Nam.

Cục CTPN có tiền thân là “Văn phòng Bộ phận miền Nam” thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đặt tại TPHCM, được thành lập theo Quyết định số 105-QĐ ngày 29/3/1980. 40 năm qua, Cục CTPN đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của mình và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm    Ảnh: BTC
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: BTC

Trong công tác quản lý nhà nước về KH&CN, Cục đã điều tra, khảo sát nắm bắt thực tiễn hoạt động KH&CN khu vực phía Nam, tổng hợp thông tin và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình hoạt động các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ tại khu vực. Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN cho vùng kinh tế năng động phía Nam. Đề xuất và phối hợp triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, chương trình nông thôn miền núi tại phía Nam, Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ,… Cục là đầu mối đảm bảo việc triển khai các hoạt động của Bộ tại khu vực phía Nam. Đồng thời, Cục có vai trò như “đại sứ” kết nối, phối hợp với các Sở KH&CN, viện, trường, doanh nghiệp, nhằm đưa nhanh các chủ trương, chính sách KH&CN đến với cơ sở.

Hiện nay Cục CTPN đang đẩy mạnh việc kết nối, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; thí điểm triển khai cơ chế chính sách về hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia, phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo. Ngoài ra, Cục còn hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, thành lập 30 doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực quản trị tài sản trí tuệ.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục CTPN báo cáo hoạt động của Cục 40 năm
Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục CTPN trình bày báo cáo tại lễ kỷ niệm. Ảnh: BTC

Trong công tác triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, Cục đã tham gia và hoàn thành 1 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với Trung Quốc, 2 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ; hoàn thành gần 20 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và 4 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Tham gia góp ý cho Bộ KH&CN xây dựng “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (TNB)”. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế luôn là điểm sáng của Cục trong việc giới thiệu và chuyển giao công nghệ với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Israel, Thái Lan,...

5 yêu cầu trọng tâm

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Cục CTPN, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng KH&CN, với những lợi thế về địa lý chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn lực dồi dào, khu vực phía Nam có nhiều cơ hội để chuyển hóa và gắn kết các hoạt động KH&CN vào phát triển xã hội.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cục CTPN trong triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, đổi mới sáng tạo ở khu vực phía Nam, Bộ trưởng nêu 5 yêu cầu trọng tâm để Cục CTPN thực sự trở thành "cánh tay nối dài" của Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao bằng khen của Bộ KH&CN cho Cục CTPN năm 2020
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trao bằng khen năm 2020 cho Cục CTPN. Ảnh: BTC

Một là, Cục CTPN cần chủ động đánh giá thực tiễn triển khai các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ trong việc đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng, triển khai các chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT - XH của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Hai là, Cục CTPN phải thực hiện được rõ nét hơn vai trò là đầu mối để liên kết các tỉnh trong vùng hoặc các tiểu vùng để triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Ba là, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các tỉnh phía Nam, tăng cường năng lực kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, khu vực và trên thế giới.

Bốn là, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ phổ biến, cung cấp thông tin cho các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học để huy động nhiều hơn lực lượng các nhà khoa học khu vực phía Nam tham gia các chương trình KH&CN quốc gia, giải quyết các bài toán lớn của đất nước.

Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là các cán bộ trẻ để đội ngũ cán bộ của Cục đủ năng lực triển khai các chức năng, nhiệm vụ mà Cục đã được phân công.

"Trong thời gian tới, tôi sẽ trực tiếp khảo sát, làm việc với các tỉnh, thành phía Nam để nắm tình hình thực tế, tìm hiểu các khó khăn vướng mắc ở địa phương để đưa ra các phương án tháo gỡ trong hoạt động KH&CN", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Với những kết quả đạt được, Cục CTPN đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác giai đoạn 2006–2008; Huân chương lao động hạng 3 đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2008 đến năm 2012; Cờ thi đua của Bộ KH&CN tặng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011; Cờ thi đua của Bộ KH&CN tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN (năm 2020) về thành tích trong hoạt động quản lý nhà nước vê KH&CN, góp phần vào sự phát triển của Bộ KH&CN.