Vị Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để vực dậy Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) - nơi đã rệu rã sau bốn năm dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Dưới thời chính quyền Trump, vai trò của các nhà khoa học thuộc EPA đã giảm sút đáng kể. Ảnh: ucsusa
Dưới thời chính quyền Trump, vai trò của các nhà khoa học thuộc EPA đã giảm sút đáng kể. Ảnh: ucsusa

Hơn một chục nhà khoa học đang và đã làm cho EPA chia sẻ với Nature rằng, họ kỳ vọng bốn năm tới Joe Biden sẽ thực hiện những bước đi rõ ràng và tích cực hơn. Nhưng những người trong cuộc cũng nói rằng Biden sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn để sửa chữa thiệt hại dưới thời vị Tổng thống trước, bao gồm khôi phục vai trò của khoa học – và các nhà khoa học – trong việc xây dựng các quy tắc môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Theo các nhà khoa học thuộc EPA, kể từ khi ông Trump tranh cử Tổng thống vào năm 2016, ông đã cam kết sẽ cắt giảm ngân sách lẫn việc làm tại cơ quan này khi cho là những quy định về môi trường đang gây tốn kém, “khiến nước ta mất đi khả năng cạnh tranh”. Chỉ một tuần sau khi vào Nhà Trắng, chính quyền của ông đã đề xuất cắt giảm một phần ba ngân sách của EPA và sa thải hơn 20% trong số 15.000 nhân viên của cơ quan này. EPA là cơ quan lớn duy nhất của Mỹ rơi vào tầm ngắm.

Cuối cùng, Quốc hội Hoa Kỳ đã bác bỏ đề xuất cắt giảm, nhưng chính quyền Trump vẫn tiếp tục cải tổ EPA trong bốn năm sau đó. Nhiều nhân viên cấp cao của EPA đã rời đi, và bầu không khí trở nên u ám, những người trong cuộc kể lại. “Giờ đây chúng tôi đặt niềm tin ở Biden”, một nhà khoa học cấp cao của EPA nói. “Biden có rất nhiều chính sách tuyệt vời mà ông ấy muốn thực hiện, nhưng việc đầu tiên ông cần làm là đưa cơ quan trở lại trạng thái bình ổn như trước”.

Lựa chọn của Biden

Mới đây, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden đã đề cử Michael Regan, nhà quản lý môi trường hàng đầu của Bắc Carolina, giữ vị trí lãnh đạo EPA – động thái này đã khiến các nhà khoa học lẫn các nhà hoạt động môi trường thấy chính quyền Biden sẽ thực sự tuân thủ các cam kết đầy táo bạo về khí hậu mà họ đưa ra. Leah Stokes, nhà nghiên cứu chính sách khí hậu tại Đại học California, nhận định, đó là một bước chuyển lớn về mặt chính trị, bà nói, “và nó sẽ đưa đất nước đi đúng hướng, để biến đổi khí hậu trở thành trung tâm trong chính sách kinh tế của chúng ta”.


Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Chúng ta sẽ cùng nhau đạt được những tiến bộ có ý nghĩa bằng cách lắng nghe mọi tiếng nói - từ giới trẻ, cộng đồng, cho đến các nhà khoa học. Tôi vô cùng vinh dự nếu được tham gia vào hành trình này với tư cách là người đứng đầu EPA.

Michael Regan


Cải tổ

Sau khi Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận, Regan sẽ kế thừa một cơ quan đã rệu rã sau bốn năm dưới thời Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump đã cho các nhà khoa học tại cơ quan này ra rìa, và bỏ qua các bằng chứng khoa học về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhân viện hiện tại lẫn nhân viên cũ của EPA đã chia sẻ với Nature rằng họ hi vọng Biden có thể xoay chuyển tình thế, dù cho họ cũng nhấn mạnh một số thách thức lớn mà ông ấy phải đối mặt.

Jeremy Symons, một nhà tư vấn môi trường ở Arlington, Virginia, người đã làm việc với Regan tại Quỹ Bảo vệ Môi trường, cho biết Regan có kinh nghiệm với những tình huống như vậy. Khi anh ấy gia nhập Cục Chất lượng Môi trường của Bắc Carolina vào năm 2017, dưới thời thống đốc mới được bầu của Đảng Dân chủ Roy Cooper, nơi này đã trở nên bệ rạc bởi các chính sách thân thiện với ngành công nghiệp của thống đốc Đảng Cộng hòa trước đây. Ông Symons kể lại rằng Regan đã phải xây dựng lại cục này và cải thiện các quy trình của nhà nước về quy định hóa chất và xử lý chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than.

Mạng lưới Bảo vệ Môi trường ở Washington DC, một tổ chức do các cựu nhân viên EPA thành lập để lên tiếng chống lại việc Trump phá hoại cơ quan này, cũng tán thành việc bổ nhiệm Regan. Michael Regan “có nền tảng và kinh nghiệm để giải quyết các mối đe dọa đang diễn ra đối với sức khỏe con người và môi trường, những thách thức sâu sắc từ biến đổi khí hậu và sự bất công trong việc bảo vệ các cá nhân, nhóm người hay cộng đồng khỏi những nguy hiểm về môi trường”, nhóm đăng trên Twitter vào ngày 17/12.

Đem lại công bằng môi trường

Regan dự kiến sẽ chú trọng vào công bằng môi trường, nhằm bảo vệ các cộng đồng nghèo và những cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu nhưng lại không nhận được sự quan tâm đúng mức. Tại Bắc Carolina, ông đã thành lập Ban Cố vấn Công bằng Môi trường đầu tiên của tiểu bang nhằm giải quyết những vấn đề này. Biden đặt trọng tâm vào công bằng môi trường trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông cam kết sẽ đầu tư 40% trong kế hoạch khí hậu trị giá 2 nghìn USD của mình cho các cộng đồng khó khăn.

Regan “có kinh nghiệm, ông hiểu những thách thức mà các cộng đồng đấu tranh vì công bằng môi trường đang phải đối mặt, và ông đã thể hiện cam kết sẽ giải quyết chúng”, Peggy Shepard cho biết trong một e-mail gửi đến Nature. Shepard là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của WE ACT – Chúng ta hành động vì Công bằng Môi trường, một nhóm vận động có trụ sở tại New York.

Tại EPA, một trong những công việc của Regan sẽ là đưa ra các quy định để hạn chế phát thải khí nhà kính từ các phương tiện giao thông và ngành công nghiệp – trọng tâm trong chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu của Biden. Nhưng chương trình nghị sự về khí hậu của Biden rất rộng: ông đã cam kết đẩy mạnh sản xuất năng lượng sạch, mở rộng cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp và đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2035. Để đạt được những mục tiêu đó, chính phủ liên bang sẽ phải hành động, và Biden đã bổ nhiệm một nhóm các nhà hoạt động môi trường uy tín nhằm thúc đẩy nỗ lực đó.

Ở phương diện đối ngoại, cựu ngoại trưởng John Kerry sẽ đóng vai trò là đặc phái viên về khí hậu, giúp chính quyền tái hòa nhập đất nước vào thỏa thuận khí hậu Paris. Biden cũng đã bổ nhiệm Gina McCarthy, một nhà môi trường và từng là người đứng đầu EPA, làm cố vấn khí hậu quốc gia. Ở vị trí này, McCarthy, sẽ điều phối các hoạt động khí hậu trên tất cả các cơ quan liên bang. Cả hai thành viên trong tổ cố vấn này đều không cần được Thượng viện xác nhận.

Những động thái này báo hiệu rằng Biden đang chuẩn bị hành động trên mọi mặt trận, Symons, người thuộc Dự án Khí hậu 21 – một nhóm độc lập gồm các học giả, chuyên gia chính sách và các cựu quan chức chính phủ để xây dựng kế hoạch chi tiết cho hành động khí hậu liên bang, cho biết. “Những gì chúng tôi cần là một Nhà Trắng có thể nhanh chóng huy động toàn bộ chính phủ hành động để chống lại biến đổi khí hậu”, và cho đến nay, “không còn gì để nghi ngờ về việc Tổng thống đắc cử Biden đang vượt quá mong đợi của chúng tôi”.

Nguồn: nature.com