Hai năm qua, Fablab ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã trở thành nơi chứng kiến quá trình sinh viên chuyển các ý tưởng trên giấy thành nguyên mẫu, thậm chí là sản phẩm có thể tiêu thụ trên thị trường.

Sinh viên Lã Thị Hường (bìa phải) và các thành viên trong Fablab USTH giới thiệu về máy nung cao tần với GS Jean Marc Lavest - Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AUF) – tại buổi ra mắt FabLab hôm 17/12/2020. Ảnh: USTH.
Sinh viên Lã Thị Hường (bìa phải) và các thành viên trong Fablab USTH giới thiệu về máy nung cao tần với GS Jean Marc Lavest - Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AUF) – tại buổi ra mắt FabLab hôm 17/12/2020. Ảnh: USTH.

Thế giới của những innovative-maker

Ở Fablab USTH, những sinh viên có đam mê sáng tạo gọi nhau là ‘Innovative Maker’ tức những người ưa thích tìm tòi, cải tiến, sáng tạo, tự tạo lập những sản phẩm mới. Tinh thần ấy là điều mà TS Nguyễn Xuân Trường – chủ nhiệm dự án Fablab USTH – muốn xây dựng trong suốt 2 năm qua.

Khi bước chân vào Fablab USTH, các maker dễ bị thu hút bởi rất nhiều máy móc, từ máy in 3D thô sơ tạo ra những prototype đơn giản cho đến loại máy in có thể tạo ra những sản phẩm cần độ chính xác cao, cấu trúc phức tạp; bảng vẽ Wacom; các công cụ bảng mạch điện tử; thiết bị điện tử; máy cắt CNC; máy khoan; máy khò…

“Máy móc ở Fablab đủ để sinh viên chúng em có thể hiện thực hóa những ý tưởng của mình” - Hoàng Đình Phúc, lớp Công nghệ Sinh học năm cuối (B3), nói. Tại đây, Phúc cùng với một bạn học đã nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống đẩy xi-lanh theo đặt hàng của Viện Hóa học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Nhóm của Phúc bàn giao sản phẩm đúng hẹn, chỉ sau một tháng rưỡi. Trong khoảng thời gian gấp gáp ấy, Phúc nhận nhiệm vụ lập trình phần mạch điện, thiết kế các module; trong khi việc in 3D do người bạn đảm nhận. Sự phối hợp này chính là một phần tinh thần của Fablab USTH – mỗi người một sở trường, phối hợp với nhau để cùng tạo ra sản phẩm ưng ý nhất.

Trong 2 năm qua, kể từ khi Fablab USTH bắt đầu hình thành, những sản phẩm như vậy ra đời tại đây không phải hiếm. Có thể kể tới máy nung cao tần sử dụng cho các cửa hàng kim hoàn hay đồng hồ cảm biến theo cử chỉ….

Lã Thị Hường - sinh viên năm thứ 3 ngành Vật lý kỹ thuật điện tử - cho biết, chiếc máy nung cao tần do em cùng bạn bè đến từ những trường đại học khác chế tạo ra rất được ưa chuộng trên thị trường do mức giá cạnh tranh so với hàng nhập từ Trung Quốc và vượt trội về chất lượng.

“Loại nhỏ công suất 1.000W có giá 1 triệu đồng, loại lớn 3.000W là 3 triệu đồng và có độ bền cao. Trong khi đó, các máy trên thị trường có công suất vài trăm Watt nhưng giá bán tương đương” – Hường tự hào nói. Nhờ hệ thống máy hàn, máy khoan, máy khò… và cả việc được chỉ dạy về kiến thức, cách tìm đọc tài liệu trên internet, nữ sinh này tự tin có thể tiếp tục đưa ra các phiên bản cải tiến tốt hơn nữa trong tương lai.

Cô sinh viên trình diễn việc thanh sắt bị máy nung cao tần làm nóng chảy trong vài phút và vui vẻ nói: “Fablab là nơi để sinh viên tự do sáng tạo, mày mò thực hiện các ý tưởng. Những người đến đây có thể có ý tưởng hoặc chưa, có thể thực hiện ý tưởng một mình hoặc kết hợp cùng những người khác. Là trường Đại học Khoa học và Công nghệ nên việc nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo càng có ý nghĩa hơn nữa”.


Fablab USTH được đồng tài trợ bởi Tổ chức Đại học Pháp ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AUF) và USTH với nguồn kinh phí gần 51 nghìn Euro. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 16 Fablab thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Cần Thơ.

Fablab USTH mở cửa cho tất cả học sinh, sinh viên trong và ngoài trường đến thực hành vào tất cả các ngày trong tuần.

Ngày 17/12 vừa qua, USTH đã chính thức khi trương FabLab tại tầng 6 của trường.


Khi được hỏi, Fablab USTH khác gì với phòng thí nghiệm, Hoàng Đình Phúc cho biết: “Nếu như ở phòng thí nghiệm, các quy định được thực hiện nghiêm ngặt, sinh viên phải đang thực hiện một đề tài nghiên cứu nào đó thì ở Fablab mọi thứ tự do hơn nhiều. Quy định ở Fablab rất đơn giản, ‘dùng phải biết giữ, dùng có mục đích’ và các thành viên phải đoàn kết với nhau để cùng nhau sáng tạo”. Các nhóm thực hiện dự án chỉ cần nêu ý tưởng và đăng ký với thầy Chủ nhiệm Fablab USTH, có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo hoặc tự thực hiện

Ở Fablab USTH, cùng với sự điều phối của TS Nguyễn Xuân Trường và hướng dẫn của các giảng viên khác trong trường, 30 sinh viên thuộc nhóm thường trực sẽ thay phiên nhau quản lý, kiểm tra và hướng dẫn các thành viên mới sử dụng từng loại máy, chia sẻ với nhau các ý tưởng, và cùng nhau tạo ra những sản phẩm gắn với kiến thức được học.

Mô hình của tương lai

Còn nhớ, tại Techfest 2020, khi được hỏi về hành động của Chính phủ nhằm nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong trường đại học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, một trong những việc mà Bộ sẽ triển khai là hình thành các phòng nghiên cứu chế tạo để nếu sinh viên có ý tưởng về sản phẩm thì có thể tới để tạo ra các prototype. Điều này giúp sinh viên có cơ sở đánh giá tiềm năng của sản phẩm về mặt thị trường và rút ngắn thời gian hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Có thể nói không quá rằng, những đơn vị như Fablab USTH chính là hiện thân của ý tưởng phòng nghiên cứu chế tạo chừng như thuộc về thì tương lai ở Việt Nam. Fablab USTH càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đây là một trong số ít công xưởng sáng tạo được đặt trong trường đại học.

“Fablab là viết tắt của Fabrication Lab - hay xưởng chế tạo mở dành cho mọi thử nghiệm, ý tưởng sáng tạo và có mặt ở hầu hết các trường đại học công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới. Đa số các Fablab vận hành bằng cách nhận đầu tư từ doanh nghiệp hoặc nhà trường thông qua các đơn đặt hàng dành cho sinh viên” – TS Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Về bản chất, các dự án đặt hàng này có tính ứng dụng, sáng tạo, và gắn liền với một môn học hoặc nội dung thực tập tốt nghiệp để “một công đôi việc”, vừa mang lại cho sinh viên cơ hội triển khai ý tưởng, đồng thời giảng viên có thể đánh giá được mức độ hiểu kiến thức và vận dụng thực tế của sinh viên. Dù sản phẩm mới ở dạng prototype nhưng điều quan trọng nhất chính là tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Đúng như cách nói của sinh viên Hoàng Đình Phúc: “Tài nguyên trên mạng để khai thác thì rất nhiều và chúng em hoàn toàn có thể sao chép để đáp ứng yêu cầu của đơn đặt hàng nhưng nếu vậy thì không đúng tinh thần Fablab USTH. Với tinh thần sáng tạo được khuyến khích, mỗi sản phẩm được tạo ra phải vừa đáp ứng yêu cầu; vừa mới mẻ, do tự mình suy nghĩ và thiết kế”.

“Đó là điều chúng tôi đã và đang cố gắng xây dựng 2 năm nay. Đó mới là bản chất của mô hình Fablab trên thế giới” – TS Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.

Với tinh thần ấy, TS Nguyễn Xuân Trường cho biết, trong tương lai, Fablab USTH định hướng xây dựng thêm các dự án với từng môn học cụ thể trong chương trình đào tạo tại trường và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp. Như vậy, vừa tạo ra nguồn hỗ trợ cho Fablab USTH, vừa tạo cơ hội cho sinh viên thực hành thiết kế, chế tạo các sản phẩm thực tế, chứ không chỉ dừng ở ý tưởng nghiên cứu trên giấy hay những sáng kiến từ phòng thí nghiệm. Chủ nhiệm dự án tin rằng đây chính là một trong những cách tốt nhất để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo học thuật và nhu cầu thực tế của xã hội.

Mặc dù không gian FabLab có thể được sử dụng chung giữa các trường đại học nhưng tôi cho rằng, các trường đại học, nhất là các trường khoa học - công nghệ, kỹ thuật hay thiên về công nghệ ứng dụng, nên đầu tư không gian Fablab.

Bản thân ở mỗi trường đại học hiện nay đều có hệ thống các phòng thí nghiệm (thực hành, nghiên cứu) hay các trung tâm thực hành. Tuy nhiên, chức năng của Fablab khác với các phòng thí nghiệm đó.

TS Nguyễn Xuân Trường - Chủ nhiệm dự án Fablab USTH